(Baonghean) - Hơn 1.300 bệnh nhi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, gần 1.500 bệnh nhân tới khám và điều trị nội trú tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh là lưu lượng của 1 ngày (tính từ sáng ngày 2/4 đến sáng 3/4). Đây là giai đoạn chuyển mùa nên một số loại bệnh gia tăng như truyền nhiễm, hô hấp, tim mạch, thần kinh. Đặc biệt phụ huynh cần có sự chủ động đề phòng và điều trị kịp thời cho trẻ vì tình hình bệnh tật có những diễn biến phức tạp...

Bãi gửi xe chật kín từ cổng đến sân bệnh viện, ghế chờ tại tất cả các phòng khám kín người và luôn có tiếng khóc của trẻ nhỏ, đó là “bức tranh” ở Bệnh viện Sản- Nhi Nghệ An những ngày này. Ông Nguyễn Chí Sỹ, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Sản Nhi cho hay: Nếu như trước đây, mỗi buổi trung bình Bệnh viện đón tiếp chừng 400 - 500 bệnh nhi tới khám thì gần đây đã có lúc lên tới gần 1.000 bệnh nhi. Trong đó, đa số là các bệnh về hô hấp, tiêu chảy, sốt cao…
 
Đáng cảnh báo đối với các bậc phụ huynh là hiện tượng tự mua thuốc điều trị cho trẻ nhỏ tại nhà hết sức nguy hiểm. Hiện tại bệnh viện đang tiếp nhận trường hợp bị ngộ độc Paracetamol dẫn đến suy gan đang phải điều trị hồi sức tích cực. Nguyên do là bệnh nhi sốt cao, bố mẹ tự ý đi mua thuốc điều trị, dẫn đến việc cháu bị ngộ độc. 
 
images1149497___ng___o_c_c_ph__huynh___a_tr___i_kh_m_t_i_bv_s_n_nhi.jpgPhụ huynh đưa trẻ đi khám tại Bệnh viện Sản Nhi.
 
Khoa Truyền nhiễm là một trong những khoa khá đông bệnh nhi, trung bình 45 - 50 bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Vào thời điểm này, một số bệnh đang có xu hướng quay trở lại, diễn biến phức tạp hơn: viêm não, thủy đậu có biến chứng, quai bị có biến chứng viêm não, ho gà ở trẻ dưới 3 tháng tuổi…Các bệnh này hầu hết đều nằm trong chương trình có tiêm chủng song theo bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm thì có tới 80% trong số bệnh nhân này chưa tiêm chủng căn bệnh đang mắc phải.
 
Bên cạnh đó, một số bệnh đã từng bùng phát ở các năm trước, thành dịch như bệnh thủy đậu hiện cũng đã có lác đác một số ca. Theo khuyến cáo của bác sỹ Sơn, biện pháp hàng đầu của các gia đình có con nhỏ cần phải đảm bảo lịch tiêm chủng cho các cháu. Thứ đến, vào giai đoạn chuyển mùa, khi nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát thì việc cần thiết nhất là giữ vệ sinh cho trẻ, hạn chế tiếp xúc, khi đi đường phải đeo khẩu trang, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Đặc biệt lưu ý những biểu hiện bệnh của trẻ: sốt cao, co giật hay ho rũ rượi, tím tái, ho về đêm, đau đầu, nôn…không được chủ quan tự ý điều trị tại nhà mà phải được thăm khám bởi cán bộ y tế. 
 
Những ngày qua, dịch cảm cúm tràn lan ở khá nhiều cơ quan, đơn vị, trường học. Sốt, tiêu chảy, ho trong vòng 3 - 7 ngày, điều trị giảm sốt, kháng sinh sau đó phải truyền nước, truyền dịch…hình như đang trở thành căn bệnh và “phác đồ điều trị” chung của khá nhiều người. Tuy nhiên, căn bệnh có sự lây lan này đối với người lớn thường được điều trị tại nhà.
 
Còn tại bệnh viện, dịp giao mùa này, lượng bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch, phổi tắc nghẽn, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, rối loạn tuần hoàn não… tăng cao. Tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh, lượng bệnh nhân ở các khoa Nội, Hô hấp, Tim mạch, Thần kinh luôn xấp xỉ 200% số giường bệnh. Bệnh nhân chủ yếu ở lứa tuổi trung niên và người già trên 70 tuổi. 
 
Bác sỹ Phạm Hồng Phương, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh cho hay: Lượng bệnh nhân trong khoa là từ 144 đến 160 bệnh nhân/ngày. Chỉ tính riêng ngày hôm qua (tức ngày 2/4- P.V), Khoa đã tiến hành 7 ca đặt stent mạch vành.
 
Ông Hồ Đức Thắng, 55 tuổi, quê Lưu Sơn, Đô Lương, bệnh nhân vừa được đặt stent mạch vành cho biết, cách đây ít ngày ông còn đang đi phun thuốc trừ sâu ngoài ruộng. Đang làm việc thì ông có cảm giác đau ngực. 21h đêm hôm đó thì ông lên cơn khó thở, sau đó ngã gục giữa nhà. Ông được đưa lên trạm xá, cho thuốc uống song không đỡ mà càng đau thêm. Người nhà chuyển ông xuống bệnh viện tỉnh và xác định bị nhồi máu vùng dưới, loạn nhịp thở, cần phải được đặt máy tạo nhịp tạm thời và đặt stent mạch vành.
 
Bác sỹ Phương khuyến cáo: Đối với các bệnh nhân nghi ngờ bị tim mạch (đau tức ngực, khó thở, vã mồ hôi…) cần phải đến cơ sở y tế kịp thời. Có nhiều trường hợp đến viện khi đã quá nặng, rất khó để điều trị, phục hồi. Bên cạnh đó, mỗi người cần phải tự bảo vệ mình bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục thể thao, sinh hoạt điều độ. Đối với bệnh nhân thì cần tuân thủ việc điều trị cũng như uống thuốc đều đặn.
 
Còn tại Khoa Nội hô hấp, bệnh nhân nội trú luôn ở con số 60 - 67 người, luôn phải ghép đôi (giường bệnh được giao chỉ hơn 20, thực kê khoảng 40 giường ). Bác sỹ Lê Nhật Huy, Trưởng khoa cho biết, người bệnh của Khoa chủ yếu mắc các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, viêm phổi ở lứa tuổi trung niên trở lên. Đáng lưu ý, có khá nhiều bệnh nhân lao được phát hiện chủ yếu ở những người trẻ tuổi. Bác sỹ Huy cũng đưa ra lời khuyên, cần cảnh giác với thời tiết chuyển mùa ở những người bị phổi tắc nghẽn, viêm phổi đặc biệt đối với những người cao tuổi bởi dễ dẫn đến sự suy giảm tinh thần một cách bất thường, diễn tiến bệnh trở nặng nhanh và dễ dẫn tới tử vong.
 
Bài, ảnh: T.V