(Baonghean) - Đất đai, khoáng sản và môi trường là những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp; là những lĩnh vực phát sinh nhiều đơn thư, phản ánh của công dân thời gian qua trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đất đai chiếm đến 80%. Vì vậy, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư được Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo rất quyết liệt.
Giảm bức xúc, điểm nóng
Ngành Tài nguyên và Môi trường được giao quản lý 8 lĩnh vực. Trong đó, đất đai, khoáng sản và môi trường là những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ phát sinh nhiều khiếu kiện, tố cáo, tranh chấp. Đặc biệt là về đất đai có đến 80% đơn thư gửi đến Sở liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó có những vụ tranh chấp, khiếu kiện đất đai phức tạp và kéo dài cả chục năm trời mà nguyên nhân bắt nguồn từ những xung đột gay gắt về lợi ích kinh tế; từ hệ quả của sự quản lý thiếu hiệu quả của chính quyền; sự bất hợp lý và thiếu đồng bộ của hệ thống chính sách, pháp luật đất đai; do yếu tố lịch sử trong quản lý và sử dụng đất đai qua các thời kỳ; kể cả tâm lý của một số công dân không chịu “thỏa hiệp” với các kết quả xử lý của cơ quan công quyền... Đây chính là những yếu tố làm cho công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của Sở khá khó khăn, vất vả.
Quan điểm của Sở trong công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo là “phải làm hết sức mình với tinh thần trách nhiệm cao, vì quyền lợi của người dân, doanh nghiệp và đảm bảo các quy định của Nhà nước”, ông Võ Duy Việt – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định.
Từ quan điểm đó mà quy trình giải quyết đơn thư được Sở triển khai thực hiện chặt chẽ, bài bản. Đơn được phân loại rõ, một là hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; hai là chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết; ba là lưu theo dõi các đơn thư hết thẩm quyền giải quyết hay đã trả lời nhiều lần.
Đối với các đơn thư thuộc trách nhiệm kiểm tra, xác minh của Sở để tham mưu UBND tỉnh hướng giải quyết thì Sở sẽ trực tiếp cử đội ngũ cán bộ am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ chuyên sâu và làm việc chuyên trách ở Phòng Thanh tra Sở về tận nơi phát sinh đơn để điều tra thực tế; nghiên cứu các văn bản quy định của pháp luật, kể cả các kết quả xử lý trước đó của các cơ quan chức năng để làm căn cứ tham mưu cho UBND tỉnh xử lý; có những vụ việc phải đối thoại nhiều lần với công dân, tổ chức...
Từ đó có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài trong nhiều năm nhưng thời gian qua đã được Sở tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết dứt điểm, được công dân chấp nhận hoặc nếu không chấp nhận, tiếp khiếu ở cấp cao hơn thì cũng được Trung ương giải quyết với sự đồng tình cao với giải quyết của UBND tỉnh.
Bà Cao Thị Vân Anh - Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, chia sẻ: Đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai là vấn đề “nóng” và là nhiệm vụ chính trị nặng nề của các cấp chính quyền. Bởi vậy, quá trình tham mưu, bên cạnh nghiên cứu để giải quyết đúng theo quy định, cán bộ Phòng Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường còn tích cực tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật, cũng như “cái tình” trong cuộc sống.
Qua đó, có một số vụ việc người dân chủ động rút đơn hoặc tự hòa giải với nhau. Đối với các đơn thư đã gửi nhiều lần và đã giải quyết hết thẩm quyền thì đích thân cán bộ Sở trực tiếp đối thoại và thông báo việc ngừng tiếp nhận đơn thư của công dân.Từ làm tốt công tác giải quyết đơn thư, điều dễ thấy nhất là trong những năm gần đây, nhiều bức xúc, điểm nóng về đất đai, môi trường, khoáng sản đang giảm rõ rệt.
Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra
Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có những đổi mới trong công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm gắn với những vấn đề bức xúc, ách yếu mà thực tiễn đặt ra. Công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo chuyên ngành và lồng ghép; vừa có chiều rộng và chiều sâu; tăng cường phối hợp giữa Trung ương và các ngành, địa phương, góp phần nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
Theo đó, công tác thanh tra, kiểm tra được Sở thực hiện toàn diện trên các lĩnh vực được giao quản lý Nhà nước, trong đó tập trung vào lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài nguyên - môi trường. Tính trong năm 2016, Thanh tra Sở đã tổ chức 29 cuộc thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất.
Đơn cử như trong lĩnh vực đất đai có 1 cuộc thanh tra về việc quản lý, sử dụng đất đối với 29 tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Qua kiểm tra, phát hiện 29 tổ chức vi phạm chủ yếu là không sử dụng hoặc tiến độ thực hiện dự án chậm, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Riêng lĩnh vực khoáng sản tổ chức thanh tra, kiểm tra 4 cuộc theo kế hoạch và 1 cuộc kiểm tra đột xuất đối với 102 tổ chức, doanh nghiệp về việc chấp hành pháp luật khoáng sản.
Kết quả phát hiện 102 tổ chức vi phạm trong quá trình sản xuất, khai thác khoáng sản, gồm chậm nộp quỹ bảo vệ môi trường; chưa làm thủ tục thuê đất; không hoặc quan trắc chưa đầy đủ về tần suất, vị trí như trong báo cáo được phê duyệt; không thông báo đến cơ quan có thẩm quyền đăng ký ngày bắt đầu khai thác; chưa có hoặc có chưa đầy đủ các loại biển báo, biển hiệu, kho chứa chất thải nguy hại...
Đối với lĩnh vực môi trường, Sở tổ chức 1 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 19 tổ chức và cả 19 tổ chức vi phạm pháp luật về môi trường, như chưa hoàn thiện hoặc chưa được xác nhận đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải; thu gom chưa triệt để chất thải nguy hại theo quy định.
Bên cạnh yêu cầu các tổ chức khắc phục các vi phạm, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 84 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về tài nguyên – môi trường đối với 84 tổ chức với tổng số tiền 1.037.000.000 đồng. Trong đó lĩnh vực môi trường là 589.000.000 đồng; lĩnh vực đất đai là 267.500.000 đồng; lĩnh vực khoáng sản là 162.000.000 đồng và 18 triệu đồng trong lĩnh vực tài nguyên nước.
Nhìn chung, công tác thanh tra, kiểm tra thời gian qua của Sở Tài nguyên và Môi trường đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phòng ngừa vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa trở thành công cụ sắc bén để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bởi thực tế vẫn còn có những kết luận sau thanh tra, kiểm tra chưa được tổ chức, doanh nghiệp thực hiện một cách nghiêm túc, mặc dù Sở đã có nhiều giải pháp sau thanh tra, kiểm tra.
“Đây là những vấn đề được Sở nhìn thẳng thắn để khắc phục và đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước về tài nguyên - môi trường trong thời gian tới; xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2017”, Giám đốc Sở TN&MT Võ Duy Việt nhấn mạnh thêm.
Năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận 283 đơn; trong đó có 93 đơn khiếu nại, 143 đơn kiến nghị, 21 đơn tranh chấp, 26 đơn tố cáo. Trong 283 đơn, có 105 vụ việc thuộc trách nhiệm của Sở để kiểm tra, xác minh, tham mưu UBND tỉnh hướng giải quyết: 51 đơn thuộc cơ quan có thẩm quyền giải quyết; 127 đơn lưu theo dõi do hết thẩm quyền giải quyết, đã trả lời nhiều lần, đơn đã đề gửi cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc đơn phôtô, địa chỉ không rõ ràng. Trong 105 đơn thuộc trách nhiệm tham mưu của Sở đã giải quyết 97 vụ việc và 8 vụ việc đang trong thời hạn xử lý. |
Minh Chi