(Baonghean.vn) - Đó là một trong những nội dung chính được nêu tại Hội nghị báo cáo viên trực tuyến do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức vào sáng 9/3.
Sáng 9/3, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo viên trực tuyến tháng 3/2017 tại 50 điểm cầu trong cả nước. Đồng chí Lâm Phương Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Kha Văn Tám - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì. |
Tại hội nghị, các báo cáo viên được nghe lãnh đạo Bộ VH-TT&DL trình bày chuyên đề “Thực trạng quản lý lễ hội hiện nay; nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc tổ chức, quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong tình hình mới”.
Qua đó khẳng định, nhiều lễ hội đã tạo được dấu ấn lớn, nét đặc sắc của từng vùng miền. Đồng thời, hoạt động lễ hội đã tạo ra được doanh thu, hiệu quả đầu tư, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân; củng cố được khối đại đoàn kết dân tộc…
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cũng thẳng thắn chỉ rõ tồn tại lớn nhất là việc gìn giữ và bảo tồn các lễ hội còn hạn chế.
Các lễ hội dân gian ở Việt Nam chiếm tới 88% tổng số lễ hội trong năm nhưng vẫn mang nặng tính hình thức, chưa chuyển tải được giá trị truyền thống, mật độ tổ chức lễ hội quá dày đặc, nhiều lễ hội còn nặng giá trị thương mại lấn át giá trị văn hóa, làm ảnh hưởng đến niềm tin tín ngưỡng trong nhân dân. Nguyên nhân chính của sự hạn chế này là do công tác quản lý chưa tốt, việc thực thi các văn bản cũng như công tác kiểm tra, giám sát chưa nghiêm túc.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cũng đề nghị các địa phương, sở, ngành cần thực hiện nghiêm chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ không được đi lễ chùa vào giờ hành chính. Phải nắm chắc các thông tư của Bộ để triển khai thực hiện và giải quyết dứt điểm các tồn tại trong công tác quản lý lễ hội năm 2017; kiên quyết không để các hoạt động lễ hội biến tướng, gây phản cảm cho du khách…
Đề nghị các địa phương cần quy hoạch bố trí các khu vực để giảm ách tắc giao thông; bố trí nguồn nhân lực trong xử lý môi trường, an ninh trật trự; quản lý tiền công đức… Bộ VH-TT&DL cũng nêu các nhiệm vụ trong thời gian tới, từ đó định hướng các giá trị của lễ hội và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo giá trị truyền thống của lễ hội truyền thống.
Về vấn đề bất cập trong công tác quản lý lễ hội, đồng chí Lâm Phương Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu: Các báo cáo viên cần tuyên truyền quan điểm về chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về quản lý lễ hội; Tuyên truyền ý nghĩa tốt đẹp lễ hội, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân.
Đồng chí cũng chỉ rõ, trách nhiệm của cơ quan tổ chức và địa phương trong tổ chức lễ hội cần phải được thực hiện đồng bộ từ khâu cấp phép, hướng dẫn kiểm tra, chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra hiện tượng phản cảm, thương mại hóa trong các lễ hội.
Định hướng công tác tuyên truyền trong tháng 3/2017, đồng chí Lâm Phương Thanh đề nghị các báo cáo viên cần tập trung tuyên truyền kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm. Quan tâm tuyên truyền có định hướng về một số vấn đề về tình hình biển Đông; tuyên truyền chống lại các quan điểm sai trái. Đồng chí Lâm Phương Thanh cũng lưu ý, các báo cáo viên cần quan tâm tuyên truyền các hoạt động của hội nghị APEC, sự tích cực, chủ động và đóng góp của Việt Nam trong tổ chức hội nghị APEC, đưa hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè thế giới; tuyên truyền về chuyến thăm của Nhật Hoàng tới Việt Nam và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam và Nhật Bản. Tuyên truyền về kết quả của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ XII, ... đưa công tác tuyên truyền tạo hiệu ứng cao trong toàn xã hội. |
Thanh Lê