Còn nhiều vướng mắc, khó khăn ở cơ sở
Đây là lần thứ 2 ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị đối thoại với cán bộ nhà giáo, người lao động và là lần đầu tiên với các huyện thuộc khu vực đồng bằng. Tại cuộc đối thoại, rất nhiều các ý kiến đến từ các nhà trường và các Phòng Giáo dục và Đào tạo đã được gửi đến nhà trường.
Trong đó, tập trung nhiều đến vấn đề thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở các bậc mầm non và tiểu học. Trong khi đó, ở các phòng giáo dục, hoạt động gặp nhiều khó khăn do không bố trí đủ biên chế.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tất Tây – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương cho biết: Đã 14 năm nay, bậc THCS huyện Đô Lương không tuyển giáo viên nhưng vẫn thừa giáo viên THCS, trong khi đó bậc tiểu học lại thiếu và đang không tuyển được giáo viên, nhất là khi quy định mới yêu cầu phải có bằng đại học.
Gần đây nhất, phòng có 8 chỉ tiêu cho giáo viên tiểu học nhưng chỉ tuyển dụng được 4 giáo viên. Riêng với phòng giáo dục, phòng chỉ có 3 biên chế và có tới 8 biệt phái. Điều này khiến cho hoạt động của phòng rất vất vả và biến động thường xuyên. Trước đây, ngành Giáo dục Nghệ An cũng đã có văn bản xin Bộ Nội vụ bổ sung hơn 7.400 biên chế nhưng cho đến nay vẫn chưa được bổ sung, gây khó khăn cho quá trình tổ chức dạy học ở các nhà trường.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các giáo viên đến từ xã vùng khó của huyện Anh Sơn và Tân Kỳ cũng bày tỏ lo ngại, khi hiện nay đang trong giai đoạn “giao thoa” để xét công nhận địa bàn đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, rất nhiều trường việc tổ chức bán trú đang phụ thuộc trợ cấp của Nhà nước. Từ năm 2021 nếu các trường này không nằm trên địa bàn được ưu tiên thì việc tổ chức bán trú sẽ không còn khả thi.
Liên quan đến hội nghị đối thoại, trước đó Công đoàn ngành Giáo dục cũng đã lấy ý kiến của cán bộ, nhà giáo, người lao động ở 4 huyện Đô Lương, Anh Sơn, Thanh Chương và Tân Kỳ.
Qua đó, có 52 ý kiến kiến nghị liên quan đến các vấn đề về công tác tài chính và các chế độ, chính sách cho cán bộ, nhà giáo, người lao động, công tác tổ chức bộ máy, cán bộ, công tác chuyên môn, Công tác thi đua khen thưởng và một số vấn đề khác như việc sử dụng các phần mềm trong nhà trường, quy định về chuyển trường ở các đơn vị trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo, hình thức đánh giá, xếp hạng cho các năm học...
Tại hội nghị đối thoại, với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, đại diện các phòng ban của Sở Giáo dục và Đào tạo đã trực tiếp giải đáp thắc mắc ý kiến của các nhà giáo. Một số ý kiến vượt tầm của ngành, ngành cũng đã tiếp thu, tổng hợp để gửi lên các ban, ngành liên quan.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh ghi nhận và đánh giá cao chương trình đối thoại do ngành Giáo dục tổ chức. Điều đó thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm và tinh thần cầu thị, lắng nghe cơ sở.
Kết luận chương trình đối thoại, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành chia sẻ với những khó khăn, bất cập. Trên cơ sở các ý kiến của các giáo viên, Giám đốc Sở cũng đã đưa ra những giải pháp trong thời gian sắp tới. Đó là tiếp tục tham mưu để xin bổ sung thêm biên chế cho ngành Giáo dục.
Đồng thời, thời gian tới sẽ quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, đặc biệt là từng bước sáp nhập những trường lớp có quy mô nhỏ, điểm trường lẻ để nâng cao hiệu quả giáo dục. Đây cũng là cơ sở để ngành quy hoạch lại đội ngũ, quy hoạch lại vấn đề về chuyên môn...
Thông qua hội nghị này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Đây là kênh quan trọng để ngành Giáo dục nắm bắt được thực tiễn từ cơ sở. Qua đó, bằng trách nhiệm của mình, Sở sẽ tranh thủ chỉ đạo chính quyền các cấp và các ban, ngành liên quan để từng bước tham mưu, tháo gỡ những khó khăn để công tác giáo dục ngày càng hiệu quả và đạt được mục tiêu đã đề ra.