Tiếp tục phiên chất vấn, chiều nay Giám đốc Sở Công Thương Hoàng Văn Tám và Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An Bành Hồng Hiển đã đăng đàn giải trình những vấn đề "nóng" liên quan về công tác quản lý điện trên địa bàn tỉnh.

bna_1857014092849_2172020.jpegGiám đốc Sở Công Thương Hoàng Văn Tám báo cáo giải trình các nội dung mà HĐND tỉnh chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Bất cập trong hoàn trả lưới điện nông thôn

Chất vấn Giám đốc Sở Công Thương, đại biểu Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) đặt câu hỏi tại các kỳ họp HĐND tỉnh, đặc biệt là kỳ họp ngày 19/7/2018, Sở Công Thương và Công ty Điện lực trả lời tại phiên chất vấn rằng sẽ làm việc với Bộ Công Thương và Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc để có giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quy định Thông tư 32 để hoàn trả tiền hạ áp lưới điện nông thôn cho người dân. Vậy trong thời gian qua Sở và ngành Điện Nghệ An đã thực hiện đến đâu và kết quả như thế nào?

Đại biểu Đinh Thị An Phong chất vấn về bất cập hoàn trả lưới điện nông thôn. Ảnh: Thành Cường

Theo đại biểu An Phong, tại huyện Nghi Lộc ngành Điện lực nhận quản lý 23 đơn vị, nhưng có 20 đơn vị không phải hoàn. Có 3 đơn vị Nghi Lâm, Nghi Kiều, Nghi Kiều phải hoàn trả nhưng từ khi bàn giao đến nay cả 3 xã chưa được hoàn trả.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phan Thị Thanh Thủy (thị xã Thái Hòa) phản ánh tình trạng chậm bàn giao lưới điện cho Nông trường Đông Hiếu. Đại biểu này cho biết, hiện nay nhiều vị trí cột điện chưa đảm bảo.

Làm rõ băn khoăn của các đại biểu, Giám đốc Sở Công Thương Hoàng Văn Tám cho biết, trước kỳ họp tháng 7/2018, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo và gửi Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị với Quốc hội. Quốc hội giao cho Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu trả lời các quy định trong Thông tư 32.

Hai bộ này đã trả lời và gửi văn bản cho Sở Công Thương Luật Tài sản và Luật Ngân sách, cho nên việc sửa đổi chưa được thực hiện vì đang thực hiện theo Luật hiện hành. UBND tỉnh, Sở Công Thương và Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh đã gửi trả lời các địa phương.

Đại biểu Lô Thị Kim Ngân (đơn vị Quế Phong) chất vấn bao giờ thôn, bản chưa có điện sẽ có điện lưới Quốc gia. Ảnh: Thành Cường

Làm rõ thêm ý kiến các đại biểu, ông Bành Hồng Hiển – Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An cho biết, từ tháng 7/2018 đến nay Công ty Điện lực và tỉnh có nhiều nỗ lực để hoàn trả lưới điện. 

Kết quả 60 xã được hoàn trả, trong đó có 17 xã đã hoàn trả bằng tiền trong năm 2019, còn 43 xã đang chờ phê duyệt nhận tiền trong năm 2020. Đó là thành quả của việc Công ty Điện lực Nghệ An và UBND tỉnh Nghệ An tích cực làm việc với đơn vị chủ tài sản tiếp nhận là Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc.

Giám đốc Điện lực Nghệ An Bành Hồng Hiển làm rõ thêm những nội dung đại biểu HĐND tỉnh chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Giám đốc Điện lực Nghệ An cho biết, hiện nay còn 28 xã nộp hồ sơ, chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương các cấp phối hợp chỉ đạo các đơn vị đang còn chưa có hồ sơ, để công ty thực hiện trách nhiệm của mình và cố gắng hoàn trả 28 xã này trước tháng 5/2021. 

Khắc phục bất cập trong giá bán điện

Đại biểu Lô Thị Kim Ngân (Quế Phong) đặt câu hỏi: “Đến bao giờ người dân các bản chưa có điện sẽ được dùng lưới điện Quốc gia”.

Một số đại biểu HĐND tỉnh cũng nêu băn khoăn về giá bán điện. Việc này ở Nghệ An triển khai như thế nào, Sở có giám sát thu giá điện ở các nhà trọ chưa?.

Đại biểu Nguyễn Tử Phương chất vấn về giá bán điện nhà trọ cho sinh viên và công nhân. Ảnh: Thành Cường

Làm rõ băn khoăn của đại biểu, Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: Về kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về điện lực, sau khi chất vấn năm 2019, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương chủ trì và yêu cầu UBND các huyện, thành, thị thành lập các đoàn kiểm tra để đi xử lý vi phạm.

Qua kiểm tra, các đơn vị khu chung cư hiện nay đang có tình trạng vận dụng quy định tại Luật Bất động sản cho phép các đơn vị quản lý các khu chung cư được thu thêm. Đây là bất cập trong việc bán giá điện.

Đối với việc bán giá điện ở các nhà trọ, ông Tám cho biết, sau khi có Thông tư 25, Chỉ thị 17 của Bộ Công Thương, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh ban hành công văn, hướng dẫn các đối tượng là chủ nhà trọ thực hiện bán giá điện ưu đãi cho sinh viên, công nhân ở trọ theo đúng quy định.

Năm 2019, đoàn kiểm tra của Sở đã đi kiểm tra một số nhà trọ. Hiện nay đang hướng dẫn các nhà trọ nắm chắc quy định này để bán điện cho người ở trọ.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường kết luận nội dung chất vấn về công tác quản lý Nhà nước về điện lực. Ảnh: Thành Cường

Trả lời câu hỏi khi nào thôn, bản chưa có điện đến khi nào sẽ có điện lưới Quốc gia, ông Bành Hồng Hiển cho rằng, đây là vấn đề lớn. Năm 2013 khi Quyết định 2081 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng trạm cấp điện cho các thôn, bản, hải đảo kết thúc vào năm 2020.

Về lý thuyết, chủ trương là như vậy, nhưng từ năm 2014 khi tiếp nhận dự án Quyết định 2081 đến nay chúng ta mới thực hiện cấp điện 16 trung tâm xã và 43 thôn, bản. Giai đoạn này công ty đang triển khai cấp điện cho 40 bản khu vực lòng hồ Bản Vẽ của các huyện Tương Dương, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, còn lại 150 bản theo Chương trình 2081 phải chuyển sang giai đoạn 2020- 2025.

Ngoài ra, các ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh đã được Giám đốc Sở Công Thương và Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An tiếp thu giải trình, trả lời, làm rõ.

Điện lực Thanh Chương nâng công suất TBA Trung gian Thanh Hà từ 1.800kvA lên 2.500kvA, chống quá tải mùa Hè 2020. Ảnh: pcnghean

Kết luận nội dung chất vấn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường khẳng định, tại phiên chất vấn các nội dung đã được Giám đốc Sở Công Thương và Giám đốc Công ty Điện lực Nghệ An trả lời thẳng thắn, chất lượng.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh làm việc với Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc và ngành Điện lực Nghệ An đẩy nhanh tiến độ phê duyệt hồ sơ, sớm hoàn trả vốn cho chủ đầu tư lưới điện; đồng thời xử lý các vướng mắc, bất cập trong quá trình hoàn trả do tăng, giảm vốn.