Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư của công dân thời gian gần đây được tỉnh và các huyện, thành, thị xã quan tâm thực hiện, nên số công dân đến các kỳ tiếp công dân ở tỉnh, cấp huyện cũng như các vụ việc phức tạp giảm dần.
Từ năm 2017 đến hết quý I/2019, cơ quan Nhà nước các cấp trong tỉnh đã tiếp 14.063 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và 23 lượt đoàn đông người. Tổng số đơn thư các cơ quan tiếp nhận là 16.469 đơn; trong đó nội dung chủ yếu liên quan đến đất đai, chiếm 64,1%.
Theo báo cáo từ Ban Tiếp công dân tỉnh, đơn thư của công dân được các cấp tiến hành giải quyết đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay, dù tỉnh đã giải quyết đúng quy định, hết thẩm quyền, nhưng vẫn còn một số vụ việc kéo dài, vượt cấp ra Trung ương.
Mặt khác, hiện vẫn đang còn một số đơn thư tồn đọng, phức tạp, nhất là đơn thư liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng Dự án Quốc lộ 1A.
Trên cơ sở khảo sát thực tế công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, phản ánh của công dân tại một số địa phương, tại cuộc làm việc, một số thành viên Thường trực HĐND tỉnh đã nêu tồn tại, hạn chế trong công tác này.
Đó là, tại một số địa phương việc phân loại đơn chưa chính xác, từ đơn khiếu nại, tố cáo chuyển thành kiến nghị, đề xuất để đơn giản hóa quy trình giải quyết và khi phân loại không trúng thì xử lý cũng không đúng.
Mặt khác, việc giao thẩm quyền giải quyết đơn thư ở một số trường hợp cũng chưa chính xác; việc giải quyết đơn thư chưa hết nội dung và chưa giải quyết đến cùng vụ việc, dẫn đến công dân tiếp tục gửi đơn. Liên quan đến các vụ việc do HĐND tỉnh chuyển, một số ý kiến của HĐND tỉnh khẳng định đang còn chậm và chưa hồi âm kịp thời.
Thừa nhận một số tồn tại, hạn chế trong giải quyết đơn thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho rằng, công tác giải quyết đơn thư là vấn đề khó, đặc biệt liên quan đến đất đai lại càng khó khăn, phức tạp, bởi có những vụ việc phát sinh cách đây 20, 30 năm, trong khi đó chính sách về đất đai thay đổi liên tục và công tác quản lý nhà nước trong vấn đề này cũng đặt ra nhiều bất cập, hạn chế.
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm và quyết liệt hơn trong công tác này, gắn trách nhiệm cụ thể của từng cấp, từng ngành và cá nhân phụ trách, nhằm tạo bước chuyển.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đánh giá cao sự quan tâm, nỗ lực của chính quyền các cấp trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư của công dân.
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, quan điểm trong giải quyết đơn thư, bên cạnh đòi hỏi phải đúng luật, an dân, thì điều quan trọng hơn là phải giải quyết dứt điểm vụ việc, đi đúng bản chất và tận cùng vấn đề, tránh trả lời vòng vo không đi thẳng vào vấn đề khiến công dân bức xúc, khiếu kiện, phản ánh kéo dài, phức tạp.
Muốn vậy, UBND tỉnh cần chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư của công dân; quá trình giải quyết chú trọng đối thoại, hòa giải, đồng thời chủ động nhận diện đúng những vụ việc phức tạp để tập trung và đôn đốc giải quyết các đơn thư phức tạp, kéo dài.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các địa phương khắc phục một số tồn tại liên quan đến giải quyết một số vụ việc còn chồng chéo; phân loại đơn và phân thẩm quyền xử lý đơn thư chưa chính xác...