P.V:Lâu nay, vấn đề cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh đặt ra nhiều vướng mắc, gây khó khăn, bức xúc cho nhân dân. Xin đồng chí chia sẻ cụ thể hơn vấn đề này?
Đồng chí Hoàng Quốc Việt:Cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh thời gian qua đặt ra nhiều vướng mắc. Không chỉ quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng mà công tác quản lý Nhà nước về đất đai cũng gặp khó khăn. Đây là vấn đề làm phát sinh nhiều đơn thư và cử tri, nhân dân cũng kiến nghị nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử các cấp.
Trong nhiều khó khăn, vướng mắc, mấu chốt nhất là cấp GCNQSD đất ở. Hiện toàn tỉnh đang còn gần 12.000 trường hợp được giao đất không đúng thẩm quyền chưa thể cấp GCNQSD đất do thiếu thủ tục hồ sơ liên quan đến quyết định giao đất của chính quyền hay chứng minh việc đã thực hiện nghĩa vụ tài chính của người dân. Nhiều trường hợp được UBND huyện ban hành quyết định giao đất từ khi thực hiện Luật Đất đai 1993 đến trước ngày 1/7/2014, nhưng hiện nay không có hồ sơ chứng minh hộ gia đình, cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi được giao đất, cho nên không đủ điều kiện được cấp GCNQSD đất.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp, lâm nghiệp sang đất ở mà lâu nay báo chí vẫn phản ánh tình trạng xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Mặt khác, việc quy định trong việc tách thửa, bao gồm tách thửa đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp, lâm nghiệp và tách thửa có mở đường giao thông đang gây khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Cùng với cấp GCNQSD đất ở, việc cấp GCNQSD đất nông nghiệp, việc cấp GCN lần đầu gắn với việc giao đất và cấp GCN đất nông nghiệp theo Nghị định 64 của Chính phủ có nhiều tồn tại. Việc cấp GCNQSD đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền, đổi thửa theo Chỉ thị số 02/CT-TU, Chỉ thị số 08-CT/TU của Tỉnh ủy vướng mắc do quá trình thực hiện chuyển đổi không có phương án dồn điền, đổi thửa được phê duyệt theo quy định… Hay liên quan đến đất của nhà văn hóa ở thôn, xóm, nhiều nơi thực hiện việc đổi đất, đổi thửa cho người dân để xây dựng công trình công cộng, nhưng việc đổi đất cho người dân lại không làm các thủ tục nên việc cấp GCNQSD đất cho người dân chưa được thực hiện.
Những tồn tại, vướng mắc nêu trên do lịch sử quản lý đất đai để lại và hiện nay các quy định pháp luật hiện hành chưa đề cập để tháo gỡ. Từ thực tiễn đó, ngành đã trăn trở để tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định mới vừa không trái với quy định của cấp trên, vừa tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt là đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Trên cơ sở tham mưu của ngành, ngày 17/9/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND về cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
P.V:Thưa đồng chí, trong các tồn tại nêu trên, vấn đề làm đau đầu đối với các địa phương và bức xúc trong nhân dân nhất là giải quyết cấp GCNQSD đất đối với trường hợp cấp đất trái thẩm quyền. Vậy trong Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định giải quyết vấn đề này như thế nào?
Đồng chí Hoàng Quốc Việt: Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành nhiều quy định mới mang tính đột phá. Bên cạnh khắc phục các tồn tại nêu trên, quyết định này cũng quy định cho phép ủy quyền trong việc duyệt và ký cấp GCNQSD đất, thay vì thẩm quyền của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, nay ủy quyền cho Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp thuộc Sở và các chi nhánh cấp huyện. Việc ủy quyền này sẽ cải cách một bước về quy trình, rút ngắn thời gian và đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân trên phạm vi toàn tỉnh. Hay xử lý tình trạng một số cá nhân mua đất của các hộ dân có diện tích lớn để sau đó phân lô bán giống như các dự án bất động sản tại một số địa phương, gây quá tải về hạ tầng điện, giao thông, môi trường…
Liên quan đến trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền trong trường hợp đã nộp tiền để được sử dụng đất nhưng thời điểm đề nghị cấp GCNQSD đất bị mất hoặc thất lạc giấy tờ, nếu có các điều kiện sau sẽ được cấp GCN. Như có hồ sơ sao y giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc giấy tờ, sổ sách chứng minh việc đã nộp tiền tại thời điểm cấp đất của cơ quan, tổ chức. Hoặc có bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định có xác nhận của UBND cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành cấp huyện, cấp tỉnh đối với trường hợp bản gốc giấy tờ này đã bị thất lạc và cơ quan Nhà nước không còn lưu giữ hồ sơ quản lý việc cấp loại giấy tờ đó.
Trường hợp không có các hồ sơ nêu trên thì việc xem xét cấp GCN được thực hiện sau khi có kết luận của UBND cấp huyện thông qua thanh tra, kiểm tra để xác minh và kết luận. Các trường hợp còn lại được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Song song với xử lý các vướng mắc để cấp GCN cho người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham vấn Tổng cục Quản lý đất đai xây dựng dự thảo quy định: Đối với trường hợp giao đất không đúng thẩm quyền từ ngày 1 tháng 7 năm 2004 đến trước ngày 1 tháng 7 năm 2014, giao Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm làm rõ, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật trước hoặc sau khi cấp GCN.
P.V:Vậy vướng mắc trong việc tách thửa đất ở thì được xử lý theo hướng nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Hoàng Quốc Việt:Nghị định 148/2020/NĐ-CP, ngày 18/12/2020 của Chính phủ quy định: “UBND cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất”.
Để triển khai chủ trương của Chính phủ, tại Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND, UBND tỉnh đã ban hành một số quy định cụ thể để thực hiện như sau:
- Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500 hoặc 1/2.000 đối với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ 1/500 đối với quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị) đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp chưa có quy hoạch trên thì căn cứ quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải đảm bảo quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 171, Luật Đất đai năm 2013 và Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015; trong đó, đối với trường hợp thửa đất được tách thành nhiều thửa đất cho các chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong mà không có đền bù; lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên.
- Thửa đất xin tách thửa không phù hợp quy hoạch đã được công bố nhưng chưa có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện để thu hồi hoặc chuyển mục đích thực hiện dự án. Trường hợp đã ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện mà sau 3 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án mà UBND tỉnh không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện.
- Đối với trường hợp khi tách thửa đất ở thành 2 hoặc nhiều thửa đất có mở đường giao thông (người sử dụng đất tự nguyện trả đất để Nhà nước thu hồi đất theo quy định hoặc tặng cho đất để mở đường giao thông) thì người sử dụng đất phải có sơ đồ dự kiến mở đường và được UBND cấp huyện chấp thuận bằng văn bản. Theo đó, đường mới đấu nối với đường hiện trạng có mặt cắt ngang lớn hơn hoặc bằng 4m thì đường đi mới phải có mặt cắt ngang lớn hơn hoặc bằng 4m; trường hợp đường đấu nối nhỏ hơn 4m thì đường mới phải có mặt cắt ngang bằng đường hiện trạng, nhưng tối thiểu phải lớn hơn hoặc bằng 2m…
P.V:Xin chân thành cảm ơn đồng chí!