(Baonghean) - Tình trạng tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn Nghệ An có xu hướng gia tăng. Vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trở nên đáng lo ngại. Vậy đâu là giải pháp để hạn chế tai nạn đường sắt?

Con số báo động

Theo thống kê, tổng chiều dài đường sắt Bắc – Nam chạy qua địa bàn Nghệ An là 95,5 km, đi qua địa bàn Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP. Vinh, Hưng Nguyên và Nam Đàn với 233 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Đáng nói là trong số đó có 51 điểm giao cắt với đường ngang nhưng chỉ có 36 điểm có gác chắn và biển cảnh báo tự động. Và còn lại 182 đường dân sinh luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khó lường…Năm 2015, trong khi TNGT nói chung ở Nghệ An giảm cả 3 tiêu chí thì TNGT đường sắt lại gia tăng với 21 vụ, làm chết 13 người, bị thương 10 người (tăng 2 vụ so với năm 2014). Riêng 3 tháng đầu năm 2016, xảy ra 3 vụ tai nạn đường sắt làm 2 người chết, 2 người bị thương. Đây là con số đáng báo động về tai nạn giao thông hiện nay.

images1493683_bna_56fa872788073.jpgHiện trường vụ tai nạn giữa tàu khách và ô tô tháng 11/2015.

Đâu là nguyên nhân?

Bất cập trong hệ thống cơ sở hạ tầng và hạn chế trong ý thức của người tham gia giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Theo ông Võ Minh Đức - Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh, một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng tai nạn giao thông đường sắt là bởi thực trạng của hệ thống đường ngang không có rào chắn, nhiều đoạn còn khuất tầm nhìn, hệ thống biển báo xuống cấp… Nhiều đường dân sinh chưa được xử lý thuận lối đi nên xe qua đường sắt dễ bị mắc kẹt; hoặc cao độ giữa đường sắt và đường bộ chênh nhau dễ gây xung đột với các loại phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1A. Bên cạnh đó, trong khi lưu lượng phương tiện giao thông đường bộ tăng mạnh, ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vẫn còn hạn chế.

Nhiều đường dân sinh giao cắt đường sắt tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (Ảnh chụp tại điểm giao cắt thuộc địa bàn xã Nghi yên, Nghi Lộc).

Nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi

Nhằm hạn chế nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt, những năm qua, hệ thống cơ sở hạ tầng đường sắt đã được quan tâm, đầu tư. Từ năm 2012 đến nay, Công ty MTV Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh khảo sát, đầu tư làm đường gom, nhờ đó đóng được 35 điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; đồng thời, lắp đặt các biển cảnh báo tai nạn giao thông tại 54/182 điểm giao cắt đường dân sinh. Tuy nhiên, hệ thống các đường ngang và đường dân sinh vẫn còn rất nhiều, người dân chưa có biện pháp phòng vệ và hạn hẹp về nguồn kinh phí để đầu tư nên mất an toàn giao thông vẫn là “mối lo”.

Ông Đậu Ngọc Long - Thường trực Ban ATGT huyện Diễn Châu cho biết: “Để hạn chế tình trạng tai nạn ở những điểm giao cắt của đường dân sinh với đường sắt là bài toán khó; các biện pháp bảo vệ, hay cắt cử người canh gác phụ thuộc vào kinh phí, nhiều địa phương không thể kham nổi. Giải pháp cơ bản mà địa phương đang triển khai chủ yếu bằng các hình thức tuyên truyền: phát trên loa phát thanh, căng băng rôn tại các điểm giao cắt…”.

Trung tá Lê Thanh Nghị - Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh khẳng định: “Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông vẫn là giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài, "mưa dầm thấm lâu". Hơn lúc nào hết, người dân cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông nói chung, tham gia giao thông qua các tuyến đường ngang nói riêng để bảo đảm an toàn cho bản thân và trật tự ATGT trong xã hội”.

Ông Võ Minh Đức - Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông cho biết thêm: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành liên quan để rà soát lại các điểm đen gây mất ran toàn giao thông, đề xuất với tỉnh để cải tạo nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông, lập lại kỷ cương trên toàn bộ hành lang an toàn trên tất cả các tuyến đường sắt. Kiến nghị lắp rào chắn, lắp đèn tín hiệu năng lượng mặt trời tại các điểm đường ngang chưa có biện pháp phòng vệ. Bổ sung chỉ giới hành lang giao thông tại các mép đường tàu. Đồng thời kiến nghị các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí làm đường gom, để vừa đóng bớt các điểm giao cắt, vừa có thể trang bị các phương tiện cảnh báo, đảm bảo ATGT”.

Khuyến cáo để phòng, tránh tai nạn giao thông đường sắt: 

Khi bạn gặp đường ngang dân sinh, cần giảm tốc độ, lắng nghe, quan sát cả về 2 phía, nếu thấy an toàn khi đó mới được vượt qua đường ngang. Nếu có đoàn tàu đang tiến tới, đảm bảo bạn đứng cách xa đường sắt ít nhất 5m. Nếu bị kẹt xe khi đi ngang qua đường sắt, cần rời ngay khỏi phương tiện giao thông và lập tức báo với cảnh sát hoặc gọi cứu hộ để được hỗ trợ. Đối với trẻ em sinh sống ở những nơi có đường sắt đi qua, cha mẹ, người thân cần giáo dục những biện pháp để đảm bảo an toàn và phòng tránh tai nạn; không nên để trẻ tự ý qua đường nơi giao cắt với đường sắt.


T.P- N.M

TIN LIÊN QUAN