(Baonghean.vn) - Thông thường trên các thiết bị điện tử như smartphone hay tablet..., chúng ta hay bắt gặp một số các ký hiệu khá lạ nằm ở mặt sau. Để hiểu rõ vì sao các ký hiệu đó đóng một vai trò thiết yếu đối với những thiết bị công nghệ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa của chúng.

Ký hiệu RoHS

images2009693_rohs__3__resize.jpg

Ký hiệu RoHS hoặc RoHS Compliant - Đây là tiêu chuẩn của châu Âu, những thiết bị có nhãn này đã được chứng nhận là không sử dụng các chất liệu nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe con người, như cadimi, thủy ngân, chì... Mọi thiết bị bày bán ở châu Âu đều phải đạt tiêu chuẩn này, nhưng không phải bao giờ ký hiệu này cũng được ghi rõ trên sản phẩm.

Nhãn Energy Star

Đây là một tiêu chuẩn chứng nhận đã có từ năm 1992, được sử dụng ở các quốc gia phát triển như Liên minh châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Úc và New Zealand. Những sản phẩm có chứng nhận này thường tiêu thụ năng lượng ít hơn 20-30% so với tiêu chuẩn.

Ký hiệu TÜV Rheinland

Đây là chứng nhận chỉ được sử dụng tại thị trường Đức, do tập đoàn tiêu chuẩn chất lượng TÜV Rheinland của Đức cấp. Tuy chỉ là tiêu chuẩn Đức, nhưng rất được các nhà sản xuất trân trọng vì đây là tiêu chuẩn chặt chẽ và đáng tin cậy cho người dùng.

Ký hiệu UL

UL - viết tắt của chữ Underwriters Laboratories - là ký hiệu cho biết sản phẩm đã được chứng nhận về độ an toàn, được kiểm tra và phân tích chặt chẽ về mức độ nguy hại đến con người. Chứng nhận UL thường xuất hiện trên các thiết bị được bán ra tại Mỹ, Mexico và Canada. Hầu hết những đồ công nghệ được bán ra tại Bắc Mỹ như máy ảnh kỹ thuật số, headphone, màn hình OLED, đàn guitar điện đều phải được kiểm tra và cấp chứng chỉ UL nhằm đảm bảo chúng phù hợp với các quy định bảo vệ người tiêu dùng cũng như những thoả thuận quốc tế.

Ký hiệu CSA

CSA - ký hiệu đại diện cho chứng chỉ được cấp bởi công ty CSA International, một công ty kiểm tra và chứng nhận độ an toàn của các sản phẩm tiêu dùng và công nghiệp. Tại Mỹ và Canada, những vật dụng như đường ống dẫn nước, hệ thống HVAC (hệ thống điện lạnh), và những đồ điện tử khi có ký hiệu CSA, tức là chúng đã đáp ứng hoặc vượt qua các tiêu chuẩn thông thường.

Ký hiệu FCC

FCC - ký hiệu rất quen thuộc đối với các bạn xài smartphone - đây là chứng chỉ được cấp bởi Uỷ ban Truyền thông Liên Bang Hoa Kỳ (Federal Communications Commission). Ý nghĩa: Cho biết thiết bị của bạn không phát ra mức sóng radio quá cao - có thể gây hại cho cơ thể con người và gây nhiễu loạn những đồ điện tử khác. Để có thể bán ra ngoài thị trường (hay được thương mại hoá), tất cả những thiết bị phát ra sóng vô tuyến phải đáp ứng các yêu cầu từ FCC.

Ký hiệu CCC

CCC - China Compulsory Certificate - là chứng nhận sản phẩm công nghệ đó đáp ứng tốt hai chứng chỉ về độ an toàn ở Trung Quốc được cấp bởi CCIB (công ty quản lý độ an toàn của sản phẩm tiêu dùng trong nước) và hệ thống CCEE (cho biết thiết bị điện tử đó đủ an toàn để bán ra tại Trung Quốc). Hầu như tất cả vật dụng, hàng hoá (trừ lốp xe ôto và các công cụ nông nghiệp) nhập vào Trung Quốc đều phải có ký hiệu trên nếu như muốn lưu hành trên thị trường.

Ký hiệu Ba mũi lên xoay vòng

 

Biểu tượng "có thể tái chế" được sử dụng từ những năm đầu thập niên 70. Ba mũi lên xoay vòng tượng trưng cho nguồn tài nguyên có thể tái chế, và màu xanh của nó đại diện cho môi trường, thiên nhiên.

Biểu tượng cảnh báo bức xạ

 

Biểu tượng cảnh báo bức xạ được thiết kế vào những năm 1946 sử dụng hình ảnh mang đầy tính hóa học với lõi là hạt nguyên tử, xung quanh là 3 nguyên tố bức xạ hạt nhân Alpha, Beta, Gamma.

Biểu tượng nhánh 3 chạc

 

Biểu tượng nhánh 3 chạc trên mỗi đầu cắm USB là hình ảnh tái hiện cây đinh ba của thần Poseidon cho thấy sức mạnh của một thiết bị có thể kết nối với bất kỳ máy tính nào.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN