Điều này đã khiến dư luận chỉ trích các nhà báo có liên quan và đặt câu hỏi về các giá trị đạo đức cũng như tinh thần chuyên nghiệp của các kênh, ấn bản.
Nhất là hôm 8/7, xảy ra 2 trường hợp truyền thông lạm quyền, châm ngòi giận dữ trong công chúng: họ sử dụng thiết bị bay không người lái tới gần máy bay trực thăng đang thực hiện chiến dịch giải cứu và cản trở thông tin liên lạc qua sóng radio của những người đang thực hiện nhiệm vụ.Bắt đầu chiến dịch thứ 3 giải cứu đội bóng Thái Lan, nỗ lực cứu 5 thành viên còn lại
Một kênh tin tức, trong nỗ lực chụp các bức ảnh 4 cậu bé đầu tiên được cứu ra từ hang động ngập nước, đã cho thiết bị bay tới gần máy bay trực thăng được sử dụng để đưa các cậu bé tới bệnh viện ở Chiang Rai. Người điều khiển thiết bị bay đó khẳng định đã xin phép sỹ quan không quân, tuy nhiên Không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) sau đó đã bác thông tin này.
RTAF đang phối hợp với Cơ quan Hàng không Dân sự Thái Lan (CAAT) để điều tra làm rõ thêm vụ việc.
Một trường hợp khác cũng gây náo động là khi một kênh tin tức truyền hình phát đi đoạn trao đổi giữa các sỹ quan tham gia chiến dịch, mà đoạn băng này có được bằng cách can thiệp vào sóng radio của họ.
Thiếu tướng Churat Pan-ngao, phó chỉ huy trưởng Cảnh sát khu vực 5 của tỉnh Chiang Rai, người giám sát đội quân truyền thông bám tại hang động, hôm 9/7 đã yêu cầu họ ngừng tìm cách thu thập thông tin bằng việc sử dụng các biện pháp nói trên.
Thiếu tướng Churat khẳng định nếu họ tiếp tục làm vậy, ông sẽ cân nhắc liệu các hành động của họ có bất hợp pháp hay không. Nếu phi pháp, ông sẽ tìm cách truy tố các kênh truyền thông ấy.
Banyong Suwanpong, một thành viên ủy ban đạo đức của Hiệp hội Nhà báo Thái Lan (TJA), cho rằng truyền thông cần giữ các giá trị đạo đức chuyên nghiệp và nhất quán khi đưa tin, dù đó là tin nóng tới mức nào.
“Họ phải tôn trọng các sỹ quan và làm việc theo cách thức không can thiệp vào chiến dịch giải cứu hay những người có liên quan. Họ cũng phải tôn trọng quyền và sự riêng tư của các cá nhân, đặc biệt là các thiếu niên và thân nhân của họ”, ông Banyong nói, đề cập tới tin tức truyền thông mới nhất tại hang Tham Luang.
Ngoài ra, ông cho rằng các phóng viên phải có trách nhiệm, không chỉ với các tổ chức truyền thông của mình, mà còn với cộng đồng Thái Lan, và không nên chỉ tập trung vào việc trở thành bên đầu tiên có được thông tin.
Ông nói thêm, để ngăn truyền thông vượt quá giới hạn, chủ và người điều hành mỗi kênh tin cần đặt ra các chính sách quy định rõ ràng để các phóng viên tuân thủ. “Cạnh tranh là bình thường, tôi hiểu ai cũng muốn tạo ra lợi nhuận. Nhưng không nhất thiết phải ích kỷ làm như vậy. Cần đúng phương pháp, chứ không phải xâm hại quyền của những người khác”.
"Không nhất thiết phải ganh đua trở thành người nhanh nhất."
Với các câu hỏi về trình tự giải cứu các cậu bé, Tiến sỹ Boonruang Triruangworawat, Tổng Giám đốc Vụ Sức khỏe Tâm thần thuộc Bộ Y tế Thái Lan khẳng định các gia đình chưa từng đặt nghi vấn về kế hoạch giải cứu vào bất kỳ thời điểm nào. Ông Boonruang cho biết trình tự được xác định dựa trên điều kiện thể chất của mỗi cậu bé, và những ai cần chăm sóc y tế nhất sẽ được đưa ra trước.