Số phận của 12 bé trai cùng huấn luyện viên đội bóng thiếu niên thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế sau khi họ bị mắc kẹt trong hang động ngập nước suốt hơn 2 tuần lễ. Những cầu thủ nhí này có độ tuổi từ 11 đến 16.
4 cậu bé đã được giải cứu hôm 8/7, và theo một nhân chứng làm việc cùng đội cứu hộ, thêm 4 cậu bé nữa được đưa ra khỏi hệ thống hang động ngập nước hôm 9/7, tức còn 4 bé khác và huấn luyện viên vẫn kẹt lại bên trong.
Đội chuyên gia lặn hang động gồm 13 người đến từ nhiều nước cùng 5 thành viên Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã tiến vào hệ thống đường hầm ngầm ngập nước dưới dãy núi Mae Sai để tiếp cận đội bóng hôm 8/7. Các thợ lặn đã di chuyển qua một loạt chặng đường tối tăm, ngập nước, bùn trong thời gian gần 6 giờ đồng hồ.
Cuộc giải cứu gồm 2 nhánh: giúp đỡ các cậu bé đã được đưa ra khỏi hang động, song song với việc tiếp tục nỗ lực giải cứu các cậu bé còn lại và huấn luyện viên vẫn kẹt bên trong. Chiến dịch tạm ngừng trong đêm 8/7 để các nhân viên cứu hộ nghỉ ngơi và nạp đầy các thiết bị, chẳng hạn bình oxy, và tạm dừng ngày 9/7 sau khi đã cứu thêm được 4 nạn nhân.
Các chuyên gia y tế cho biết, trước tiên sẽ cần kiểm tra mức độ thiếu oxy khi ở trong hang của các cậu bé đã được giải cứu. Giới chức Thái Lan hôm 6/7 tiết lộ ngưỡng oxy trong không khí trong hang giảm xuống mức nguy hiểm 15%.
“Một trong những quan ngại chính hiện nay là về oxy. Bọn trẻ ở trong một khu vực mà mức oxy rất thấp”, Tiến sỹ Darria Long Gillespie thuộc Trường Y của Đại học Tennessee nói với CNN. “Ngay khi chúng thoát ra, đó là điều cần phải kiểm tra: mức oxy và hô hấp của bọn trẻ”.
Các cậu bé cũng sẽ được kiểm tra mức độ thiếu dinh dưỡng, mất nước và một loạt tác động sức khỏe khác.
Tiến sỹ Carole Lieberman, nhà tâm thần học đồng thời cũng là một người yêu thích bộ môn lặn, gọi đây là “một chiến công tuyệt vời” khi một số cầu thủ nhí đã được giải cứu. Bà cho biết các cơ quan chức năng sẽ cần kiểm tra căng thẳng hậu chấn thương và các tác động tâm lý khác đối với các cậu bé.
Bà khẳng định, việc thiếu oxy trong hang động “khiến con người cảm thấy ít tỉnh táo hơn. Nó khiến người ta di chuyển chậm chạp hơn. Một số người miêu tả tình trạng giống như say xỉn, và cũng kéo tụt tâm trạng của họ”.
Bà nói thêm, việc chuyển tin tức tốt đẹp về những cậu bé được cứu đầu tiên tới những người còn kẹt lại trong hang là hết sức quan trọng.
“Điều đó sẽ giúp tăng thêm lòng tin cho họ”, Lieberman nói.
4 bé trai được cứu hôm 8/7 đang được điều trị trong phòng cách ly tại một bệnh viện gần đó và chưa được gặp bố mẹ. Thân nhân của một thành viên đội bóng hôm 9/7 cho biết, họ chưa được biết danh tính những cậu bé đã được giải cứu, và ai còn mắc kẹt bên trong.
Bộ trưởng Y tế Thái Lan, Tiến sỹ Jessada Chokedamrongsook khẳng định các cậu bé có thể không được gặp cha mẹ trong 1-2 ngày sau khi được giải cứu do phải trải qua điều trị tại bệnh viện.
Các cầu thủ nhí “sẽ được các bác sỹ kiểm tra trong 5-7 ngày”, Bộ trưởng nói. “Các cháu sẽ được theo dõi từng ngày”.
Bệnh viện cũng đưa ra thông báo, nói rằng “bước kế tiếp là bảo đảm các cậu bé và gia đình được an toàn, bởi sống trong hang động có môi trường khác biệt, có thể chứa những động vật có khả năng truyền bất kỳ bệnh nào”.
“bất cứ ai từng tiếp xúc với các bé, bao gồm gia đình, sẽ được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo họ không nhiễm bệnh”, bệnh viện cho biết. “Họ đã được thông báo để gọi vào đường dây nóng kiểm soát bệnh… nếu họ xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, giãn cơ hay khó thở”.
Người đứng đầu Hải quân Hoàng gia Thái Lan là Aphakorn Yoo-kongkaew hôm 6/7 cho biết mức oxy trong hang đã giảm xuống chỉ còn 15%. Theo Bộ Quản lý Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp của Mỹ, “ngưỡng tối ưu” của lượng oxy cần trong không khí để 1 người hít thở và duy trì chức năng bình thường nằm giữa 19,5% và 23,5%. Nếu oxy giảm xuống thấp hơn, cơ thể bắt đầu xảy ra những biến đổi và có thể đối diện với nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu oxy.
Tiến sỹ Norman H. Edelman, cố vấn khoa học cấp cao của Hiệp hội Phổi của Mỹ, khẳng định khả năng sống sót của các cậu bé “tất cả phụ thuộc vào các cơ chế thông gió và độ lớn của không gian”.
Vì các cầu thủ nhí và huấn luyện viên bị kẹt trong hang hơn 2 tuần lễ, Edelman “đặt giả thuyết” rằng có thể có hệ thống thông gió, dù ông thận trọng nói rằng mình không nắm rõ tình hình.
“Điều đầu tiên xảy ra với cơ thể khi mức oxy giảm là người ta có tín hiệu buộc mình hít thở nhiều hơn. Việc đó hoàn toàn tương tự như leo núi và lên độ cao lớn hơn thì áp suất oxy giảm”, Edelman nói.
“Vì thế điều đầu tiên người ta cảm thấy là cần phải hít thở nhiều hơn, có thể cảm thấy hơi lâng lâng, hơi chóng mặt. Người ta có thể khó ngủ, có thể đau đầu khi ngủ”, ông nói.
Vấn đề khác mà các cậu bé có thể trải qua khi oxy giảm là tăng cacbonic, khí mà con người thải ra khi thở, Edelman nói.
“Khi cacbonic tăng lên, khiến người ta bắt đầu cảm thấy thở dốc, có thể choáng váng, có thể hoảng hốt, nhưng nếu nó xảy ra đủ chậm, người ta sẽ thích nghi. Giống như leo núi thôi, người ta cuối cùng sẽ thích nghi với mức oxy thấp, dĩ nhiên trừ khi là quá thấp”.
Gillespie tại Đại học Tennessee lại cho rằng, chính độ tuổi của các cậu bé là lợi thế giúp chúng sống sót. “Chúng đang ở thời kỳ sức khỏe đỉnh cao”, bà nói. “Nếu ai đó có thể chịu đựng những khoảnh khắc oxy hạ thấp và những thách thức thể chất khác như vậy, thì đó sẽ là những cậu thiếu niên trẻ tuổi”.