(Baonghean) - Lần đầu tiên đến Tam Hợp (Tương Dương) cách đây 3 năm, chỉ mới đến được bản Phồng, nơi cư ngụ của người Tày Poọng. Câu chuyện của các anh lính biên phòng về bản người Mông trên cổng trời quanh năm mây phủ, khiến tôi muốn quay lại. Ngày ấy, chưa đến nhiều với xứ sở của người Mông trên núi cao nên với tôi nó quả là thơ mộng. Về Tam Hợp, điều khiến khách ở xa ngần ngại nhất là đường sá rất khó khăn. Trước đây, chưa quen chạy xe máy đường núi, tôi phải mất 2 giờ mới đến trung tâm xã. Lần này, tôi chỉ mất nửa thời gian ấy.
Đến nơi đã quá 16 giờ chiều, tôi tranh thủ ghé ủy ban xã "trình diện" lãnh đạo. Lần đầu gặp mặt, lại biết tôi là "anh dân tộc" đi viết báo, Chủ tịch xã Vi Cảnh Toàn cởi mở từ đầu cuộc chuyện. Ông vào vấn đề: "Hiện xã đang rất lúng túng trong việc phát triển kinh tế, các anh ạ. Giao thông không thuận lợi, lại chưa có điện nên làm gì cũng khó".
Rồi ông thông tin thêm: Tam Hợp tách từ xã Tam Thái (Tương Dương) năm 1987, khoảng thời gian đủ cho một sự trưởng thành, nhưng vẫn trong diện nghèo với tỷ lệ trên 70%. Xã chỉ có 413 hộ, khoảng độ nghìn con người, nên cán bộ xã gần như nắm rõ gia cảnh của từng hộ.
Bản Huồi Sơn vẫn chưa thể thoát nghèo
Xã có 2 bản Mông, 2 bản Thái và 1 bản người Tày Poọng. Mỗi tộc người một tính nết, một thói quen sinh hoạt. Lối canh tác cũng không ai giống ai, chung quy lại tất cả đều sống dựa vào phát nương làm rãy. Toàn xã chỉ có 20ha ruộng nước, năng suất 34 tạ/ha, lúa rãy có đến hàng trăm ha. Mỗi năm, lại thêm những cánh rừng bị chặt, bị đốt trụi để trồng lúa rãy. Mỗi mảnh nương trỉa được một mùa lúa, rồi phải phát cái rãy khác vì màu mỡ đã bị rửa trôi theo nước mưa. Lúa trỉa xuống có lên mầm, cỏ cũng lấn át, có nhổ sạch được cỏ khi lúa kết đòng bông ngắn tũn, hạt lép nhiều hơn hạt chắc. Bây giờ rừng cũng đã lùi xa hơn, muốn mảnh nương tốt phải lội cả nửa ngày đường vào chỗ rừng già mà phát rãy. Nhưng giờ đất làm rãy đã được quy hoạch, không ai còn được phép phát bừa bãi như trước nữa.
Người dân muôn đời chỉ quen làm rãy, chăn nuôi theo lối quảng canh, địa hình núi cao khó làm ruộng nước, vì vậy tìm ra một hướng phát triển kinh tế phù hợp luôn là trăn trở của các khóa lãnh đạo xã. Ông Toàn bảo, không còn nhớ đã có bao nhiêu mô hình kinh tế được triển khai cho người dân trong xã. Nhưng rồi đều thất bại! Những năm trước, phong trào trồng bí xanh khá phổ biến ở những xã vùng cao Kỳ Sơn, Tương Dương và thế là Tam Hợp cũng hưởng ứng trồng theo. Quả là bí xanh rất thích hợp với thổ nhưỡng vùng cao, không phải nhọc công chăm sóc, chỉ cần trồng xen với lúa rãy cũng xanh tươi ngút mắt. Nhìn những vườn bí xanh lúc lỉu trái như bầy lợn con, ai nấy mừng thầm, chắc phen này trúng lớn! Nhưng rồi khi bí đến ngày thu hoạch, chờ mãi vẫn không ai đến mua, thế là người thồ xe, kẻ gồng gánh ra chợ huyện cách bản ba chuc cây số ngồi bán. Phần vì không quen viêc chợ búa, phần vì bị ép giá, người ta bỏ mặc cho bí xanh thối ngoài rãy, không mấy ai đoái hoài đến nữa. Chỉ sau một vài năm, từ hàng chục ha bí xanh, nay chỉ còn chưa đầy 2 ha dân các bản trồng phục vụ cho nhu cầu bản thân.
Sau bí xanh, đến lượt bí ngô cũng không khả quan hơn. Bà con các bản lâu nay quen trồng bí ngô xen với lúa rãy, xã liền triển khai mô hình vì đây cũng là giống cây có thể mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Dân Mông vốn chẳng mặn mà với bí ngô vì lo không bán được như bí xanh, nhưng họ nghĩ bí ngô có thể để cả năm trời trong kho không hỏng. Sau vài chuyến chở ra chợ huyện không bán được, người ta cũng bỏ luôn cây bí ngô. Dân Mông ở các bản Huồi Sơn, Phá Lõm bảo nhau: Cứ trồng lúa rãy là chắc ăn nhất. Bao đời nay, ông bà tổ tiên vẫn làm vậy, dù không khá lên nhưng cũng không đến nỗi quá thiếu đói. Vậy là lúa rãy vẫn là cây trồng chủ lực. Những cánh rừng tiếp tục bị chặt, bị đốt làm nương...
Ngoài lúa rãy ra, hiện chỉ còn cây ngô lai là còn được dân bản chấp nhận. Ngô dễ vận chuyển nên thỉnh thoảng thương lái vẫn tìm đến thu mua. Họ thường chở hàng từ vùng ngoài vào bán và nhân tiện thu mua ngô của bà con. Cứ thế, cây ngô lai do chính quyền xã triển khai mô hình cách đây 3 năm còn được người dân gieo trồng. Hiện cả xã có chừng 50ha ngô lai. Nói như ông chủ tịch xã, dù ngô lai có thể giúp người dân cải thiện thu nhập vẫn chưa thể là cây xóa đói, giảm nghèo.
Mô hình nuôi lợn đen lai lợn rừng ở Tam Hợp
Buổi tối hôm ấy, tôi có thêm một đêm trú lại Đồn Biên phòng Tam Hợp. Vẫn cái lạnh mùa Đông. Chỉ huy hôm ấy là Đồn phó Hơ Bá Mai. Sáng hôm sau, anh Mai bảo: "Có đoàn cán bộ xã về Huồi Sơn, bản Mông anh. Các anh đi cùng họ nhé". Vậy là tôi có dịp theo Phó Chủ tịch xã Nguyễn Anh Minh trong đợt cán bộ về bản Huồi Sơn và Phá Lõm triển khai mô hình nuôi lợn đen lai lợn rừng. Anh cán bộ quê Nghi Trường (Nghi Lộc) đã 5 năm tình nguyện làm "người vùng biên" kể về tuyến đường nối QL 7 với Cửa khẩu Tam Hợp. Dân lái xe chuyển chở gỗ từ Lào về chọn lối đi này dẫu biết là nguy hiểm luôn rình rập bởi nó ngắn hơn đường qua Cửa khẩu Nậm Cắn. Một lý do khác nữa, những chủ xe thường chở quá trọng tải nên họ đi lối tắt này để tránh lực lượng cảnh sát giao thông. Con đường trở nên đặc biệt nguy hiểm vào mùa mưa, mỗi trận mưa dù không lớn nhưng đều khiến một số điểm sạt lở gây tắc đường, nguy hiểm cho người và phương tiện. Mùa mưa vừa qua, có người ở bản Xốp Nặm đi thăm bà con ở bản Huồi Sơn, trên đường về lúc mưa lớn bị đá lăn từ trên núi xuống đè lên chân không sao thoát ra được. Vừa may có người đi quăng chài đêm trở về bắt gặp đã cứu sống. Chỉ một giờ sau đó, tại điểm này núi tiếp tục lở, vùi lấp cả một đoạn đường dài...
Tôi phóng tầm mắt xuống thung lũng hẹp sâu hun hút phía dưới con đường nơi có bản Văng Môn của người Thái. Những túp nhà sàn nhỏ nhoi thấp thoáng giữa màn sương. Sau hơn nửa giờ bò dốc, chúng tôi cũng đến được bản Huồi Sơn. Đã gần trưa, bản khá vắng lặng. Trưởng bản Vừ Tồng Lông cho biết: Dù đã gặt xong, lúa vẫn ở trong kho trên rãy. Sau gặt là già trẻ, gái trai lại kéo nhau lên rãy. Kẻ gùi lúa, người gùi bí, gùi ngô. Ngày nào không gùi lúa cũng phải có người ở lại trông rãy, nên thường ngày không mấy ai ở nhà. Bản có 54 hộ, đã có 50 ha lúa rãy, chưa đến 5 ha ruộng nước. Cả 2 dòng họ chính trong bản là họ Vừ và họ Xồng đều chăm làm, ai cũng phát nhiều nương, trỉa nhiều lúa ngô. Hiện vẫn còn khoảng 20 hộ vẫn thiếu đói. Lúa rãy năng suất thấp, thường mất mùa. Những nhà này ít nuôi lợn, nuôi bò phải bán lúa để mua dầu hỏa, áo quần và cho con đi học. Có nhà mới ra tháng 2 âm lịch đã thiếu đói. Trong thâm tâm những người Mông bản Huồi Sơn, ai cũng mong sớm thoát nghèo. Mỗi khi chính quyền xã triển khai một mô hình làm kinh tế mới, họ lại thêm lần hy vọng.
Sau nhiều năm tìm tòi, mô hình nuôi lợn đen lai lợn rừng được kỳ vọng sẽ giúp người dân thoát nghèo. Ngoài việc hỗ trợ tiền mua con giống và xây chuồng trại, các hộ tham gia mô hình còn được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi. Con giống huy động từ đàn lợn của các hộ gia đình trong bản nên không phải lo về sức chống chịu của vật nuôi đối với khí hậu vùng cao. Huồi Sơn và Phá Lõm, mỗi bản chọn 6 hộ có kinh nghiệm chăn nuôi nhất triển khai mô hình, sau đó được nhân rộng toàn bản. Thế là thêm một cách thử nghiệm làm kinh tế nữa, được áp dụng cho những bản xa ở Tam Hợp. Nhưng rồi tương lai của mô hình mới này sẽ ra sao, bởi "đầu ra" luôn là vấn đề nan giải đối với nông sản, nhất là với vùng khó khăn về giao thông như Tam Hợp?!
Tôi đem băn khoăn này trao đổi với anh Minh. Anh cho biết, vấn đề này vẫn phải nhờ vào sự năng động của bà con thôi. Ví như hộ anh Lầu Bá Chò ở bản Phá Lõm, cũng tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình và vươn lên thành hộ khá nhất bản. Rồi anh nói thêm: "Người Mông nơi đây vốn rất chăm chỉ và không ngại áp dụng những cách làm ăn mới. Miễn sao mình phải có được niềm tin từ họ, và làm hiệu quả là họ nghe theo thôi. Muốn vậy mình phải thực sự sát sao trong việc chỉ đạo các mô hình làm kinh tế".
Trên đường trở ra trung tâm xã, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Anh Minh mời tôi ghé thăm tổ ấm mới của mình. Trong những năm công tác, anh đã yêu và kết duyên cùng một cô giáo mầm mon vùng cao. "tư dinh" của anh cán bộ miền xuôi rất dễ nhầm lẫn với nhà gỗ của người Mông nơi đây. Túp nhà nằm chon von bên con đường chuyển gỗ, đến giờ vẫn nằm ngoài vùng phủ sóng điện thoại. Phía dưới là bản nhỏ Văng Môn, nép mình bên con suối lớn. Nhìn xuống, những túp nhà sàn bé như đám hộp diêm xếp đều tăm tắp. Anh tâm sự, nhiều khi cũng muốn sửa sang lại nhà cho nó tươm tất hơn, rồi công việc đã chiếm hết thời gian. Có lẽ, sẽ còn phải gắn bó với cái nhà tạm này thêm vài năm nữa.
Chiều muộn, chúng tôi chia tay với những cán bộ vùng cao. Hờ Bá Mai tiễn chúng tôi đi hết một con dốc, rồi như chợt nhớ ra điều gì, anh hứa; "Lần sau, các anh về tôi sẽ dẫn đi tham quan rừng sa mu, đẹp vô cùng! Cây hoang dã mà ngay hàng thẳng lối như rừng trồng, có thể xây dựng khu du lịch sinh thái chứ chẳng đùa". Nghe anh Mai, tôi chợt nghĩ, thì ra, giấc mơ thoát nghèo vốn là nỗi ám ảnh của không chỉ những người dân làm lũ, mà còn là niềm trăn trở của tất cả những người đã đến và gắn bó với đất này!