(Baonghean) - Hôm ngược dốc lên với bảnTham Pạng (xã Mường Lống-Kỳ Sơn), gặp Bí thư chi bộ Lầu Chá Tổng, anh bảo: Nhà báo ở lại với bản, xem chọi trâu nhé!”. Đây là thú chơi không thể thiếu trong đời sống văn hóa của đồng bào Mông xã Mường Lống (Kỳ Sơn).

Già bản Tham Pạng, cụ Lầu Gà Lầu, khấn trước buổi lễ rất thành kính: "Lúc trước, tôi đã giao cho các ngài, các vị vật sống, giờ đây những quân sai, quân khiến đã hóa kiếp con vật thành vật chín cả, các ngài, các vị đừng tham lòng, tham dạ nữa, hãy vui lòng nhận lấy phần ngon của mình…

Nhận phần rồi, các ngài phù hộ cho dân bản Mông khỏe mạnh, không mắc bệnh tật gì, không gặp hoạn nạn, bão dông, lũ ống, lũ cuốn. Cầu cho năm mới bản làng sẽ an lạc hơn, được mùa hơn để rồi đến giờ này năm sau, dân bản Mông lại kính cẩn có lễ dâng lên...".

787634_small_88435.jpg

Gay cấn các pha trong hội chọi trâu ở bản Tham Pạng (Mường Lống)

Theo anh Cự Và Tủa, ủy viên Văn hóa xã cho biết, tục chọi trâu đã có từ năm 1925, được lưu truyền cho đến hôm nay. Thường thì nhà có chút của ăn của để mới dám đầu tư nuôi trâu chọi. Giá trâu cao, cách nuôi nấng, chăm sóc đòi hỏi công phu và tốn kém. Vì thế, những người giữ nếp xưa thường phải lặn lội vất vả để tìm được một “ông trâu” ưng ý mang về chăm bẵm, nâng niu cho ngày ra mắt (thường vào dịp đầu năm Dương lịch). Mỗi ngọn cỏ thơm được gia chủ vào tận thung sâu, rừng xa để kiếm về. Chăm bẵm các “ông trâu” từng ống cháo gạo, ngô, khoai, cám trộn mật mía...



Hai "ông trâu" hăng máu, tiến đến tận hàng rào



Khán giả của bản hăng hái cổ vũ các "ông trâu"

Ngày chọi trâu là ngày hội của bản làng, của bà con lân cận từ già đến trẻ dù mưa hay nắng, đi lại khó khăn cũng phải đến tận mắt chứng kiến. Bãi chọi thường là khoảng cỏ rộng hoặc là những thửa ruộng bằng phẳng liền nhau vừa thu hoạch lúa. Ngay từ sáng sớm, bà con đã tụ tập đông đủ với trang phục màu sắc sặc sỡ đổ về khu vực chọi bò.

Tan hội, có “ông trâu” thắng, “ông trâu” thua, đọng lại vẫn là niềm vui. Như lời già bản Tham Pạng Lầu Gà Lầu đã nói hôm ở bản: “Hội chọi trâu xong, vụ mới lại nhiều lúa đó, bà con người Mông vui nhiều mà...”.


Trần Hải