Mặc dù giá vàng có xu hướng đi lên nhưng sản lượng của nhà sản xuất vàng này lại đi xuống. Barrick Gold cho biết, họ đã sản xuất 1,041 triệu ounce vàng trong quý II năm nay, giảm hơn 5% so với năm ngoái.
Trên trang Capital.com, các chuyên gia cho rằng, do nhu cầu tích cóp và đầu tư vàng tăng khiến quý kim này có thể quay trở lại mốc 2.000 USD/ounce trong năm 2021, sau khi chạm mốc cao nhất trong lịch sử 2.063 USD/ounce vào tháng 8/2020.
Vàng và các kim loại quý khác thường được coi là thị trường trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Môi trường giao dịch chứng khoán đầy rủi ro và kỳ vọng thắt chặt tài khóa của các ngân hàng trung ương đang hạn chế đà tăng của thị trường. Triển vọng thị trường vàng trong thời gian còn lại của năm 2021 được đánh giá là khá sáng sủa. Có hai động lực chính hỗ trợ xu hướng gia tăng của giá vàng, đó là: nhu cầu đầu tư và nhu cầu tiêu dùng.
Không giống như tiền tệ, giá vàng ít bị kiểm soát bởi những biến động tiền tệ, lãi suất thấp và lạm phát gia tăng khi các nhà đầu tư đang tìm cách bảo toàn giá trị vốn của họ. Xu hướng giá vàng tăng trong một thời gian dài từ giữa năm 2018, vượt qua đỉnh đã từng thiết lập hồi tháng 9/2011, đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 8/2020. Vào thời điểm đó, giá vàng đã tăng 35% so với đầu năm 2020 và tăng 40% so với mức thấp nhất hồi tháng 3/2020.
Tính theo quý, giá vàng đã tăng ở 16 trong tổng số 22 quý kể từ đầu năm 2016. Giá vàng ban đầu lao dốc vào cuối tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, dẫn đến một đợt bán tháo mạnh mẽ trên nhiều loại tài sản. Tuy nhiên, vàng đã nhanh chóng thiết lập lại trạng thái trú ẩn an toàn, phục hồi vào đầu tháng 4/2020 trước khi tiến lên mức cao mới.
Các biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có mà các chính phủ đưa ra vào đầu đại dịch đã khiến giá vàng tăng mạnh. Song, một số nhà phân tích cho rằng sự quan tâm đến đầu tư vàng cũng bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của tiền điện tử khi Bitcoin được xem là "vàng kỹ thuật số".
Giá vàng cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu vật chất đối với kim loại quý, vốn được sử dụng trong điện tử, y học và trang trí, cũng như trong đồ trang sức. Ở các thị trường tiêu dùng vàng lớn nhất thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ, việc mua đồ trang sức bằng vàng đều mang tính mùa vụ cao. Mùa lễ hội và mùa cưới ở Ấn Độ và Trung Quốc được tổ chức nhiều vào nửa cuối năm khiến người tiêu dùng mua nhiều, đẩy giá đi lên.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động mua bán và giảm thu nhập của người dân trong năm 2020 và 2021 khiến đà tăng của giá vàng chững lại so với các năm trước đó./.