Những ngày đầu tháng 8/2021, giá vàng thế giới cũng như trong nước liên tục biến động. Mở màn cho phiên giao dịch đầu tháng vàng quay đầu giảm giá sau thời gian liên tục tăng giá mạnh, theo đó, mức giá niêm yết tại các tập đoàn vàng bạc uy tín tại Nghệ An xoay quanh mức 57,5 -57,7 triệu đồng/lượng (bán ra) và 56,9 -57 triệu đồng/lượng (mua vào). Trong 2 ngày 2 và 3/8, giá vàng tiếp tục giảm, duy trì ở mức 57 – 57,3 triệu đồng/lượng (bán ra) và 56,5 triệu đồng/lượng (mua vào).
Tuy nhiên, đến sáng 4/8, giá vàng lại có dấu hiệu tăng trở lại, mức tăng nhẹ, chỉ khoảng 120.000 -150.000 đồng/lượng. Theo đó, tại các công ty vàng bạc đá quý ở Vinh niêm yết giá vàng SJC là 56,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Mặc dù giá vàng nhích nhẹ sau một thời gian dài biến động và giữ ở mức cao so với những tháng trước đó, song lượng người đến giao dịch tại các tiệm vàng rất ít, thị trường vàng khá ảm đạm, trầm lắng.
Trước cổng chính chợ Vinh, nơi tập trung các doanh nghiệp vàng bạc đá quý lớn của Nghệ An chỉ một vài quầy hàng lác đác người đến giao dịch, các cửa hàng nhỏ lẻ vắng hoe. Anh Đặng Tuấn Vũ, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý ở đường Cao Thắng (TP.Vinh) cho biết: “Từ sau khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở trong nước và nhiều địa phương trong tỉnh thì việc mua bán vàng cũng bị tác động mạnh. Theo đó, lượng khách giảm nhiều”.
Theo phân tích của anh Vũ thì nguyên nhân chính là do kinh tế khó khăn, ít người còn dư giả để đầu tư vào kim loại quý này, hơn nữa, giá vàng liên tục biến động, khó lường nên những người có tiền cũng e ngại khi mua vàng cất trữ. Trong khi đó, tại các nước trên thế giới, dịch bùng phát mạnh, việc làm của nhiều lao động xuất khẩu bị đình trệ, lương thưởng cũng bị cắt giảm khá nhiều nên lượng kiều hối gửi về cũng giảm, người dân không có nguồn tài chính dôi dư để mua vàng cất trữ.
Còn những nhà đầu tư, có vàng dự trữ thì thời điểm này họ chưa vội bán vì chưa đủ chốt lời và nếu bán vàng thì cầm tiền cũng chưa biết đầu tư vào lĩnh vực gì khả thi trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh mang lại.
Theo tìm hiểu, thời gian gần đây, khách đến giao dịch chủ yếu là khách lẻ tới mua vàng trang sức hoặc mua một vài chỉ để dành. Và với họ, giá cả lên hay xuống cũng không quá quan trọng. Chị Nguyễn Hoàng Thu Dung, một khách hàng cho biết: “Tôi vừa nhận tiền chế độ chi trả một lần và đến lượt nhận tiền phường, tổng cũng được gần 60 triệu đồng. Có số tiền dư đó nên tôi mua vàng cất trữ. Giá vàng tăng một vài trăm nghìn đồn/lượng cũng không quan trọng, vì mua làm “của để dành” khi ốm đau, hoạn nạn nên không quá chú tâm vào việc lên xuống của vàng”.
Trong khi đó, những mặt hàng trang sức như nhẫn, bông tai có sức giao dịch tốt hơn. "Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, một số nơi, hoạt động cưới hỏi trở lại nên mặt hàng nhẫn tròn, vàng trang sức bán chạy hơn song không có giao dịch lớn”, chị Mạnh Mỹ Duyên, chủ một tiệm vàng bạc trên đường Trần Phú cho biết.
Ngày 3/8, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phê duyệt 650 tỷ USD hỗ trợ một số quốc gia bị ảnh hưởng Covid-19, đồng USD đã suy yếu so với nhiều đồng tiền khác nhưng giá vàng thế giới vẫn đi xuống. Một số nhà phân tích nhận định, thông tin này có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có hay không giảm dần động thái tung ra thị trường mỗi tháng 120 tỷ USD để thu mua các loại tài sản hỗ trợ nền kinh tế vượt qua dịch bệnh. Khi đó, thị trường tiền tệ sẽ có phản ứng nhất định, tác động mạnh mẽ đến xu hướng của giá vàng.
Thế nên, tại thời điểm này giới đầu tư tài chính tập trung vốn vào chứng khoán giúp giá cổ phiếu trên thị trường quốc tế tăng mạnh. Điều này cho thấy dòng vào thị trường vàng hết sức khiêm tốn. Giá vàng thiếu động lực để bật tăng.