(Baonghean) - Thời gian gần đây, tình trạng trộm cắp thiết bị, vật tư, phá hoại đường sắt trên địa bàn tỉnh ta đang có chiều hướng tăng mạnh với nhiều diễn biến phức tạp. Việc này đang đe dọa nghiêm trọng đến an toàn cho các đoàn tàu, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.


Trộm cắp xảy ra liên tục


Nghệ An có gần 100 km đường sắt Thống Nhất Bắc Nam - "mạch máu" giao thông quan trọng đi qua địa bàn các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, TP Vinh, Hưng Nguyên, Nam Đàn. Công ty Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh đã tìm mọi biện pháp nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông xảy ra như tuần tra kiểm soát, tuyên truyền pháp luật về ATGT đường sắt. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của đơn vị này vẫn chỉ là "muối bỏ biển" khi mà tình trạng ăn cắp vật tư, phá hoại đường sắt ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Trong năm 2011, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 40 vụ tháo trộm, lấy đi 878 bộ phụ kiện tà vẹt và 80 loại vật tư phụ kiện khác của đường sắt. Có những vụ rất nguy hiểm, như ngày 29/10/2011 ở Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) xảy ra vụ lấy trộm 28 bộ phụ kiện tà vẹt bê tông liên tục ở một bên đường ray; ngày 4/9/2011 tại xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) xảy ra vụ tháo trộm 26 bộ phụ kiện tà vẹt bê tông dự ứng lực đều bị tháo liền nhau từ thanh tà vẹt số 1 đến thanh tà vẹt số 18 trên cầu ray số 17, nếu không phát hiện kịp thời những trường hợp này thì chắc chắn đoàn tàu đi qua sẽ bị lật! Có những địa bàn trở thành "điểm nóng" liên tục xảy ra tình trạng mất cắp vật tư, thiết bị đường sắt như: Hưng Mỹ (Hưng nguyên) xảy ra 12 vụ, Nam Cường (Nam Đàn) 4 vụ, Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu) 3 vụ, Hưng Đông (TP. Vinh) 4 vụ, Diễn Hồng (Diễn Châu) 3 vụ...


773819_small_72198.jpg

Những đoạn đường sắt đi qua khu vực vắng, khuất lấp thường là nơi hay xảy ra các vụ mất cắp thiết bị

Trong khi các cơ quan chức năng đang loay hoay tìm giải pháp để hạn chế tình trạng trộm cắp và phát hiện, răn đe những đối tượng vi phạm thì ngay đầu năm 2012, nạn mất trộm thiết bị vật tư đường sắt lại tái diễn: Chỉ riêng địa bàn xã Hưng Mỹ (Hưng Nguyên) từ ngày 6/1/2012 đến ngày 24/2/2012 liên tục xảy ra 4 vụ, mất 43 bộ thiết bị. Ngày 1/3/2012, trên địa bàn xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) xẩy ra một vụ mất 29 bộ phụ kiện tà vẹt, bê tông.

Ông Trần Bá Hạ-Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết, những vụ mất trộm các thiết bị này đều được lực lượng tuần đường của công ty kịp thời, phát hiện và khắc phục kịp thời nếu không thì tai nạn thảm khốc đã xảy ra với các đoàn tàu chở hàng ngàn hành khách hay những đoàn tàu hàng chở các hoá chất độc hại nguy hiểm! Tuy chưa xảy ra tai nạn đáng tiếc, nhưng mỗi vụ trộm cắp cũng gây thiệt hại rất lớn cho ngành Đường sắt vì gián đoạn thời gian chạy tàu và phải mua bổ sung, sửa chữa lại các thiết bị đã bị mất.


Lực lượng chức năng bất lực?


Điều đáng nói là số vụ mất cắp thiết bị đường sắt xảy ra nhiều, nhưng phát hiện lại rất ít. Trong năm 2011, trên địa bàn Nghệ An xảy ra 40 vụ, nhưng các lực lượng chức năng mới chỉ phát hiện và làm rõ được 6 vụ, xử lý hành chính 10 đối tượng. Riêng các vụ xảy ra đầu năm 2012 đến nay vẫn chưa phát hiện được đối tượng trộm cắp. Có những địa bàn xảy ra nhiều vụ như Hưng Mỹ, Hưng Đông... nhưng vẫn chưa phát hiện được đối tượng nào.


Theo ông Trần Bá Hạ thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Nghị định 126/2008/NĐ-CP không xếp đường sắt vào hạng mục công trình an ninh quốc gia, nên sự tham gia bảo vệ của các cơ quan chức năng không được chú trọng như trước nữa, cộng với đó, các hành vi trộm cắp ở công trình đường sắt cũng không có mức phạt nặng như trước, nên tính răn đe hạn chế.


Cũng theo ông Hạ, sau mỗi vụ mất cắp, Công ty Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh đều làm công văn đề nghị các lực lượng chức năng điều tra xử lý, nhưng rất ít khi phát hiện được các đối tượng, nếu phát hiện được thì thường là trẻ em đang ở tuổi vị thành niên nên việc xử lý cũng gặp rất nhiều khó khăn. Để hạn chế tình trạng mất cắp xảy ra, công ty phối hợp với công an cử người canh gác, tuần tra ở những "điểm nóng", nhưng những đoạn đường sắt thường xảy ra mất cắp là ở những nơi vắng vẻ, do đó khi lực lượng chức năng tổ chức tuần tra kiểm soát (thậm chí căng cả lều bạt túc trực) thì các đối tượng trộm cắp không dám hoạt động, còn khi lực lượng này rút đi thì tình trạng mất cắp lại tiếp diễn.


Anh Kiều Đình Đông - Phó Phòng Kỹ thuật và ATGT đường sắt, công ty quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh cho biết: "Thiết bị đường sắt mà đối tượng trộm cắp hay lấy là các thiết bị cố định giữa thanh ray và tà vẹt bao gồm ốc vít, bu lông, ômêga (hay còn gọi là cóc đàn hồi), những thiết bị này cả bộ cũng chỉ khoảng chừng 1 kg, nếu bán sắt vụn thì giá cũng chỉ vài chục ngàn. Nhưng đây là thiết bị rất quan trọng để cố định đường ray, nếu những thiết bị này bị mất, khi tàu chạy qua rất dễ trật đường ray và dẫn đến lật tàu!".


Anh Đông cho biết, do giá trị của các thiết bị đường sắt mà các đối tượng trộm cắp lấy thường chưa đủ mức để xử lý hình sự, mà mới chỉ nằm ở mức xử phạt hành chính, nên vẫn xảy ra tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa" với các đối tượng trộm cắp. Cùng với đó, các cơ quan, ban, ngành và các địa phương vẫn chưa chú trọng đến việc tuyên truyền ATGT đường sắt (mới chỉ quan tâm đến đường bộ, đường thuỷ) nên việc ngăn chặn tình trạng trộm cắp thiết bị vật tư đường sắt còn gặp rất nhiều khó khăn.


Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh và quyết liệt để ngăn chặn, điều tra làm rõ nhanh những vụ mất vật tư thiết bị đường sắt, tránh nguy cơ mất an toàn giao thông cho những chuyến tàu. Chính quyền địa phương, trường học cũng cần vào cuộc và có sự tuyên truyền tích cực, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ ATGT đường sắt, tránh để xảy ra tình trạng do thiếu hiểu biết dẫn tới phá hoại đường sắt.


Đức Chuyên