Việc giá thép xây dựng tăng liên tục trong thời gian qua đang khiến hàng loạt doanh nghiệp trong ngành xây dựng lao đao, thậm chí có thể phá sản nếu giá cả nguyên vật liệu tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Khó khăn, thua lỗ là tình trạng chung của doanh nghiệp xây dựng trong thời điểm này, bởi hầu hết các dự án, công trình đều được thỏa thuận từ trước. Giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay.
Năm 2021, dự kiến thép xây dựng của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3% so với năm 2020, tương đương khoảng 11 triệu tấn. Trong khi đó, năng lực sản xuất trong nước khoảng 14 triệu tấn, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, dù nguồn cung không thiếu, nhưng giá thép vẫn liên tục tăng trong thời gian qua, có thể do một số nhà đầu cơ tích trữ nguồn thép và có sự tăng giá đồng loạt.
Để ổn định cung-cầu trong thời gian tới và không để giá thép gây ra tâm lý lo lắng trong dư luận xã hội, Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, đã có công văn gửi các doanh nghiệp thành viên khuyến nghị tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam có kiến nghị: “Cũng có những tác động nhất định từ thị trường thép trong khu vực, nhưng việc tăng đến 40% thì chúng tôi cho rằng con số này cần phải được chính các nhà sản xuất thép cung cấp. Chúng tôi cho rằng, hiện nay gần như là sự tăng giá đồng loạt, vì vậy cần có biện pháp hữu hiệu từ các cơ quan quản lý”.
Vấn đề hiện nay là các cơ quan quản lý Nhà nước cần có giải pháp hữu hiệu để giảm giá thép, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cũng là giải pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, những giải pháp hành chính được đưa ra phải phù hợp với diễn biến chung của thị trường trong nước và khu vực.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng: “Đợt sốt giá thép vừa rồi không phải mang tính lâu dài, cũng không phải là căn cứ để ta phải điều chỉnh chính sách ngay lập tức. Biến động giá thép nó mang tính lâu dài. Nếu giá tiếp tục tăng lên thì cũng cần sự điều chỉnh về chính sách thuế nhập khẩu để làm sao cho giá trong nước tăng chậm hơn giá thế giới”.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tại nhiều địa phương, các sở xây dựng công bố giá vật liệu xây dựng còn chậm, chưa cập nhật kịp thời biến động giá hoặc đã cập nhật nhưng chưa sát diễn biến thị trường. Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá mới, tránh tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá vật liệu xây dựng.
Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động giá lớn như thép, trường hợp cần thiết phải công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn./.