Bà con diêm dân xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu sản xuất muối. Ảnh: Xuân Hoàng Tại cánh đồng muối của xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bà con diêm dân vẫn tích cực sản xuất muối, dù giá hạ chạm đáy. Vụ muối năm nay được diêm dân đánh giá có nhiều thuận lợi, bởi nắng nóng và độ mặn của nước biển khá cao nên thời gian kết tinh của muối nhanh. Tuy vậy diêm dân buồn hơn là vui bởi đang gặp phải điệp khúc được mùa mất giá.
Bà Hồ Thị Tùng, một diêm dân, cũng là thương lái thu mua muối ở xóm Nghĩa Phú, xã Quỳnh Nghĩa cho biết: Giá muối hiện đã hạ xuống mức thấp nhất, từ 800 - 1.000 đồng/kg và sức tiêu thụ cũng rất chậm, khiến các kho muối trên địa bàn xã ứ đọng.
Để làm ra hạt muối, bà con diêm dân phải đổ nhiều công sức, nhưng giá thấp nên thu nhập thấp. Ảnh: Xuân Hoàng "Trước đây giá muối từ 1.500 đến 2.500 đồng/kg, diêm dân phấn khởi vì thu nhập tương xứng với công sức bỏ ra. Nhưng từ khi muối hạ giá mạnh, nhiều diêm dân chán nản, tuy nhiên vẫn bám đồng muối vì đây là nghề" - bà Tùng chia sẻ.
Huyện Quỳnh Lưu là địa phương có sản lượng muối hàng năm nhiều nhất tỉnh. Theo ông Bùi Xuân Trúc - Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, 7 tháng đầu năm bà con diêm dân trên địa bàn huyện đã sản xuất được 40 nghìn tấn muối. Tuy nhiên, giá muối từ đầu năm đến nay giảm mạnh nên người làm muối thu nhập thấp.
Kho muối của gia đình bà Hồ Thị Tùng ở xóm Nghĩa Phú, xã Quỳnh Nghĩa đã đầy nhưng chưa tiêu thụ được. Ảnh: Xuân Hoàng Tương tự tại huyện Diễn Châu, giá muối cũng giảm sâu; tuy nhiên, theo ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho hay: Đặc thù nghề muối của Diễn Châu là bà con làm ra không bán nhập cho thương lái, mà bán lẻ cho những người chuyên vận chuyển muối lên miền núi tiêu thụ, nên giá muối ở đây bán tại đồng cao hơn chút ít, 1.200 đồng/kg. Trong 7 tháng đầu năm 2020, huyện Diễn Châu sản xuất được 5 nghìn tấn muối.
Nguyên nhân khiến giá muối trên địa bàn Nghệ An giảm sâu, một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, trong khi đó, năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, nên bà con diêm dân sản xuất được nhiều muối, dẫn đến "cung vượt cầu".