(Baonghean) - Ở Khu tái định cư (TĐC) Thuỷ điện Bản Vẽ, huyện Thanh Chương, đồng bào dân tộc Thái, Khơ mú gọi ông Vi Tuyền Quynh bằng rất nhiều “biệt hiệu” như là: ông Quynh lúa nước, ông Quynh chè, Ông Quynh gà, thầy lang Quynh… bởi vì từ nhiều năm nay ông là người luôn đi đầu và thành công trong phát triển kinh tế.
Cách đây hơn 10 năm, cùng với hàng trăm hộ dân khác ở các xã Kim Đa, Kim Tiến và Yên Na, huyện Tương Dương, già bản Vi Tuyền Quynh cùng gia đình về định cư ở bản Tân Lập, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. Tài sản ban đầu chỉ là một căn nhà mà Ban Quản lý thủy điện xây cho. Mặc dù tuổi đã trên 60, nhưng ông Quynh vẫn hăm hở gây dựng lại cuộc sống. Đầu tiên ông cùng gia đình cải tạo vùng hóc chọ làm ruộng trồng lúa nước. Do lạ đất và điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên các vụ lúa đầu tiên của ông thường thất bại, bị sâu bệnh phá hoại. Không nản chí, ông đi tìm người bản địa và cán bộ khuyến nông tìm hiểu mới biết rằng khác với lúa nương, trồng lúa nước phải đúng thời vụ, ruộng phải luôn có nước và phải phun từng loại thuốc đối với từng loại sâu bệnh.
Thấy ông Quynh trồng lúa nước thành công nhiều hộ dân như ông Lay Thanh Phùng, Lương Hà Tĩnh ở bản Kim Chương và nhiều hộ khác cũng đã làm theo. Tiếp đó ông trồng chè. Từ 1 sào, 2 sào đến nay ông đã có hơn 1 ha chè công nghiệp. Nhờ cách chăm sóc đúng kỹ thuật, chè của ông Quynh phát triển tốt.
Cảm phục tinh thần và nhận thấy uy tín của ông với dân bản, những năm gần đây, UBND huyện Thanh Chương đã tin tưởng giao cho ông thực hiện dự án ươm hom chè giống để cung ứng cho bà con trong vùng. Mỗi năm ông đã ươm được từ 30 - 40 vạn bầu giống. Với giá bán 700 đồng/bầu, đưa lại nguồn thu nhập cho gia đình ông trên 250 triệu đồng mỗi năm.
Vài năm gần đây, khi huyện Thanh Chương có chủ trương triển khai dự án nuôi gà đồi hình thành thương hiệu “gà Thanh Chương”, ông Quynh lại là người hăng hái đi đầu. Hiện tại, trong nhà ông luôn có hàng ngàn con gà thịt và gà giống. Không dừng lại ở đó, ông còn đào ao nuôi cá và trồng cây ăn quả. Mô hình VACR của ông quanh năm xanh mướt, hiệu quả, trở thành địa chỉ thường xuyên để người dân đến học tập.
Ông Quynh cho biết: “Ngày mới về đây, đồng bào ta ai cũng đói... Cái đói khiến đầu ta phải nghĩ. Hơn nữa, mình là bí thư chi bộ nên phải đi đầu trong mọi việc. Ta đã khuyên đám đàn ông trong bản uống ít rượu để dành tiền mà mua phân bón cho lúa; để sức mà trồng chè, trồng ngô, sắn. Cái tay phải chăm làm, cái đầu phải nghĩ mới có ăn được”. Học tập và làm theo ông Quynh, bà con dần yên tâm hơn với vùng quê mới, không còn nhiều người bỏ về quê cũ như những năm trước nữa.
Ngoài sự năng động trong sản xuất, ông Vi Tuyền Quynh còn được biết đến là một người thầy thuốc giỏi. Ông bốc thuốc nam chữa bệnh cứu người nhưng không quảng cáo, hoặc đặt biển hiệu như những cơ sở khác. Tiếng lành đồn xa, nhiều người bệnh đã tìm đến ông để lấy thuốc. Đồng bào thôn bản quý mến ông vì bản tính năng động hay lam hay làm, lại là người giàu lòng nhân đức, giúp đỡ, chữa bệnh cứu người, gọi ông là “già bản nhiều giỏi'’.
Ngoài sự ghi nhận của cộng đồng dân bản, sự tiêu biểu trong lời nói và việc làm của ông Vi Tuyền Quynh cũng đã nhiều lần được huyện và tỉnh tuyên dương. Ông đã được nhận 5 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, 5 lần được dự Hội nghị điển hình cấp tỉnh, năm nào cũng được dự hội nghị điển hình cấp huyện và mới đây ông là 1 trong 2 cá nhân được Đảng bộ huyện Thanh Chương suy tôn đi dự Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp tỉnh.
Đã hơn 70 tuổi đời, cái tuổi được nghỉ ngơi nhưng hàng ngày ông Vi Tuyền Quynh vẫn cần mẫn với ruộng nương. Với 5 sào ruộng nước, gần 2 ha chè và hệ thống vườn - ruộng - ao - chuồng xanh mát bốn mùa, đem lại thu nhập cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng, tuy chưa nhiều nhưng đó là công sức, mồ hôi, là thành quả của những suy nghĩ và hành động đúng của ông.
Trong lúc nhiều người dân bản vẫn còn loay hoay tìm kiếm cái ăn, cái mặc thì những gì mà ông Vi Tuyền Quynh có được thật đáng khâm phục, tự hào. Ông thực xứng đáng với các danh hiệu, xứng danh với lời nhận xét của cộng đồng dân bản: “Già bản nhiều giỏi”.
Trần Đình Hà
(Đài Thanh Chương)
TIN LIÊN QUAN |
---|