Kế hoạch nêu rõ yêu cầu: Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp PCMT nhằm ngăn chặn có hiệu quả ma túy thẩm lậu qua biên giới, không để Nghệ An trở thành địa bàn trung chuyển của cả nước; nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh triệt phá các đường dây, ổ nhóm tội phạm, vi phạm về ma túy và tệ nạn ma túy.
Triển khai các giải pháp chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy; tăng cường các giải pháp cai nghiện, quản lý sau cai nghiện và quản lý chặt chẽ người nghiện ngoài xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực về PCMT trên địa bàn tỉnh
Để thực hiện yêu cầu đó, UBND tỉnh đề ra 8 mục tiêu:
- 100% các vụ việc liên quan đến pháp luật và tội phạm về ma túy, nhất là các vụ việc liên quan đến hành vi tổ chức và sử dụng trái phép chất ma túy được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Công tác bắt, giam giữ, điều tra, xử lý tội phạm ma túy đảm bảo đúng pháp luật, không xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm
- 100% xã, phường, thị trấn, trường học… được tuyên truyền pháp luật về PCMT bằng nhiều hình thức khác nhau, ít nhất 01 lần/năm gắn với bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19
- Kìm giữ và làm giảm số người nghiện ma túy so với năm 2021,100% số xã, phường, thị trấn có ma túy được tập trung chỉ đạo để chuyển hóa, phấn đấu giảm địa bàn cấp xã có ma túy năm 2021; cơ bản triệt xóa thành công các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy đã rà soát, thống kê năm 2021
- Thống kê, nắm chắc tình hình người nghiện ma túy, tỷ lệ người nghiện có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy đạt 76%/tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý; tỷ trọng người nghiện tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy trong tổng số người nghiện được cai nghiện đạt 40%
- Làm tốt công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, 80% số người cai nghiện tại các cơ sở có chức năng cai nghiện; 40% số người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được đào tạo nghề. Tiếp tục nâng cao số người được vay vốn, tạo việc làm theo quy định của pháp luật.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở điều trị và điểm cấp phát thuốc Methadone, Buprenophine trên địa bàn tỉnh; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu của chính phủ giao. Nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày trên địa bàn tỉnh
- Kiểm soát, quản lý chặt chẽ các loại tiền chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần, không để xảy ra tình trạng sản xuất, điều chế ma túy tổng hợp, tái trồng cây cỏ chứa chất ma túy.
-Không để tái trồng cây cỏ chứa chất ma túy; kịp thời phát hiện, triệt xóa 100% diện tích trồng, tái trồng cây thuốc phiện có chất ma túy.
Để thực hiện các mục tiêu đó, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các mặt của công tác phòng chống ma túy gắn với các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Công an, Tỉnh ủy về công tác PCMT. Tham mưu BTV Tỉnh ủy sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 36- CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma tiến hành kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW tại huyện Đô Lương.
Chỉ đạo triển khai kế hoạch điều chỉnh Chương trình điều trị thay thế các dạng chất thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Nghệ An và triển khai cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người điều trị nghiện các dạng chất thuốc phiện (khi có chỉ đạo của Bộ Y tế). Tiếp tục chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình kế hoạch, đề án PCMT, đồng thời kiện toàn tổ liên ngành kiểm soát các hoạt động hợp pháp về ma túy và ban hành quy chế phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đối với công tác phòng ngừa xã hội, UBND tỉnh yêu cầu phải thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền PCMT theo hướng đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, đối tượng có nguy cơ cao (học sinh, sinh viên, người thất nghiệp, gia đình, thân nhân người nghiện ma túy…), phù hợp với nội dung, yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tăng cường sử dụng mạng xã hội, ứng dụng công nghệ 4.0 để tuyên truyền PCMT.
Phát huy hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ tổ quốc, vận động nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn ma túy và tham gia giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện, hỗ trợ người nghiện ma túy sau cai tái hóa nhập cộng đồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực nhà nước về công tác đảm bảo ANTT, nhất là công tác quản lý lưu trú, nắm hộ, nắm người, nắm tình hình nhân dân; quản lý chặt chẽ ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT dễ bị tội phạm về ma túy lợi dụng hoạt động; tăng cường công tác tuần tra, bảo đảm ANTT trên các tuyến, các địa bàn trọng điểm, chú trọng phát hiện, bắt giữ tội phạm.
Đối với công tác đấu tranh, xử lý tội phạm ma túy trong năm 2022, kế hoạch 180 KH-UBND của UBND tỉnh nêu rõ: Tập trung triển khai toàn diện các biện pháp phòng chống tội phạm ma túy, “ ngăn chặn nguồn cung và giảm cầu” ma túy. Chủ động lập án đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tiến hành tổng rà soát các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy tại các địa bàn, các cơ sở kinh doanh có điều kiện có nguy cơ tiềm ẩn hoạt động phạm tội về ma túy để phân công, phân cấp, giao trách nhiệm quản lý và tổ chức với lộ trình, thời gian cụ thể nhằm chuyển hóa địa bàn, gắn với trách nhiệm của các lực lượng ở cơ sở; giữ vững và nhân rộng các xã, phường thị trấn không có ma túy.
Tăng cường phối hợp đấu tranh, truy quét vũ trang bắt giữ, đẩy đuổi các ổ nhóm, đối tượng sử dụng “vũ khí nóng” tổ chức phạm tội ma túy, đặc biệt tại các địa bàn, tuyến biên giới. Phấn đấu kìm giữ, không để phát sinh mới địa bàn phức tạp về ma túy, kìm giữ và làm giảm tội phạm ma túy, không để Nghệ An trở thành địa bàn trung chuyển ma túy của cả nước. Phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh kịp thời, đúng người, đúng tội đối với các loại tội phạm về ma túy.
UBND tỉnh cũng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện. Quan tâm đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới nhất là những vùng trồng cây thuốc phiện để họ ổn định cuộc sống. Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy, nhất là với nước CHDCND Lào ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trên cơ sở các cơ chế hợp tác về PCMT đã ký kết và tham gia.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của văn phòng liên lạc PCMT qua biên giới (BLO) Quế Phong - Sầm Tớ với các cơ quan chức năng của Lào để tiếp tục triển khai hợp tác có chiều sâu, nhất là trong trao đổi các thông tin, xác lập các chuyên án chung; phối hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh triệt phá tận gốc các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia, các tụ điểm tập kết ma túy dọc theo tuyến biên giới và các đối tượng truy nã đang lẩn trốn tại Lào.
Nâng cao năng lực, hiệu quả của lực lượng làm công tác PCMT các cấp; tiếp tục quan tâm, ưu tiên chế độ, chính sách đối với lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách và những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia PCMT, nhất là cấp xã; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCMT. Tăng mức đầu tư ngân sách, mở rộng các hình thức, biện pháp xã hội PCMT; huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp tham gia công tác PCMT; quản lý, giám sát và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí phục vụ công tác PCMT./.