(Baonghean) - Vào đầu vụ ép năm 2016 - 2017, giá mía nguyên liệu tăng khá cao so với năm trước. Điều đó, cùng với những chính sách ưu đãi của các doanh nghiệp đang là tín hiệu kích thích người dân đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu mía.

Người trồng mía có lãi hơn

Những ngày này, bà con nông dân Tân Kỳ đang tập trung thu hoạch 5.400 ha mía nguyên liệu niên vụ 2016 - 2017. Năm nay do thời tiết nắng hạn kéo dài làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng phát triển cây trồng, năng suất mía bình quân chỉ đạt 55 tấn/ha, bằng niên vụ mía 2015 - 2016. Tuy năng suất không đạt nhưng bà con nông dân Tân Kỳ phấn khởi bởi giá mía năm nay tăng cao so với mọi năm 60.000 đồng/tấn.

Gia đình anh Trương Văn Hoàng ở xóm Đồi Chè, xã Giai Xuân, có tổng diện tích mía gần 5 ha, hiện anh đang thuê lao động thu hoạch diện tích mía lưu gốc năm thứ 3. Anh cho biết: “Năm ngoái, giá mía thời điểm cao nhất là 860.000 đồng/tấn, nhưng năm nay đã đạt mức 920.000 đồng/tấn, mỗi ha với năng suất bình quân 52 - 55 tấn, gia đình thu được 253 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng một nửa...”. Đây là khoản thu nhập đáng kể trong một năm qua, nhất là đối với đồng bào dân tộc Thổ như anh Hoàng. Đến thời điểm này, xã Giai Xuân đã thu hoạch được 250/1.000 ha, dự kiến tổng sản lượng mía toàn xã đạt 57.700 tấn.

images1791228_bna_586bb44d312ae.jpgMía về Nhà máy đường Sông Con. Ảnh: Châu Lan

Còn tại xã Tân Xuân, niềm vui của bà con được nhân đôi bởi giá mía tăng so với năm ngoái và mô hình trồng mía thâm canh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất với giống mía Thái Lan hiệu quả, tạo động lực cho người trồng mía. Mô hình thực hiện trên diện tích 50 ha tại xóm Thanh Trà, hiện nay mía đã đến kỳ thu hoạch, năng suất bình quân ước đạt gần 100 tấn/ha. Tính ra 1 ha đạt hơn 100 triệu đồng, mía lại lưu gốc được thêm 2 năm nữa, người trồng mía lãi hơn 50 triệu đồng/ha. Đối với diện tích mía mô hình thâm canh, Công ty cổ phẩn Mía đường Sông Con tăng mức giá thu mua mía lên 10% so với giá mía hiện tại.

Ông Trương Văn Thúy - Xóm trưởng, chủ hợp đồng thu mua mía xóm Thanh Trà, xã Tân Xuân cho biết: “Xóm Thanh Trà có 62 ha mía, trong đó có 50 ha mô hình trồng mía thâm canh. Bà con trồng mía rất vui bởi năng suất cao, nhất là công ty thu mua mía trong diện tích mô hình với giá 1.012.000 đồng/tấn, trong khi năm 2015, giá mía thời điểm cao nhất chỉ đạt 860.000 đồng/tấn".

Riêng niên vụ 2016 - 2017, toàn xã Tân Xuân có 356 ha mía, chiếm tới 60% tổng diện tích đất canh tác. Niên vụ 2017- 2018, diện tích mía toàn xã lên 450 ha, chú trọng nhân rộng mô hình thâm canh đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên diện tích 100 ha để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Lê Hồng Văn - Chủ tịch UBND xã Tân Xuân cho hay “Đối với xã, cây mía được xem là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo và chưa có cây gì có thể thay thế được. Bằng những chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình thâm canh cây mía, đặc biệt là tăng giá mía lên đã giúp người dân nơi đây gắn bó với cây trồng này hơn". Toàn huyện Tân Kỳ hiện có 5.400 ha, hiện nay, bà con Tân Kỳ phấn khởi tập trung thu hoạch mía nguyên liệu niên vụ 2016 - 2017 và tiếp tục trồng mới hơn 2.700 ha mía vụ Xuân 2017 đảm bảo đúng thời vụ. 

Không chỉ ở Tân Kỳ, niên vụ 2016 -2017, Nhà máy đường Nghệ An (NASU) cũng đã thu mua mía lên 920.000 đồng/tấn, tăng hơn năm ngoái 70.000 đồng/tấn. Ông Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Tổng Giám đốc nhà máy đường Nghệ An cho biết: Hai năm nay công ty có chính sách thưởng cho nông dân đối với mía đạt độ đường cao. Năm 2015, Công ty đã thưởng cho nông dân 9,4 tỷ đồng. Vào vụ ép năm nay, mới gần 20 ngày nhưng Công ty đã thưởng 1,5 tỷ đồng cho nông dân. NASU thanh toán tiền mía theo độ đường, độ đường càng cao nông dân càng có lợi, bởi vậy nếu hộ nào đầu tư thâm canh kỹ lưỡng, mía càng có độ đường cao, thu nhập càng lớn. Giá mía tăng đồng nghĩa với người trồng mía tăng giá trị thu nhập, từ đó bà con phấn khởi, yên tâm mở rộng diện tích mía. 

Thêm nhiều chính sách kích cầu phát triển vùng nguyên liệu

Vụ xuân 2017, Nhà máy đường NASU có nhiều chính sách khuyến khích hấp dẫn. Các DN, HTX, nông dân trong vùng quy hoạch trồng mía của nhà máy có diện tích tối thiểu 0,15 ha được hưởng các chính sách này. Theo đó, NASU phát triển trồng 6.000 ha mía vụ xuân 2017 với những khuyến khích ưu đãi: Hỗ trợ không hoàn lại 2.000.000 đồng/ha; Cho vay tiền làm đất đúng kỹ thuật 5.000.000 đồng/ha. Cho vay tiền mua giống đại trà mức 11.500.000 đồng/ha. 

Chăm sóc mía tại vùng nguyên liệu mía Quỳ Hợp.

Còn Công ty CP Mía đường Sông Con cũng “mạnh tay” ban hành chính sách kích thích cạnh tranh, như: Nông dân được vay vốn mua máy canh tác mía hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian 24 tháng cho những hộ đủ điều kiện. Cùng đó, mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 5 ha; 50 triệu đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 3 ha; thời hạn trả nợ tối đa 24 tháng kể từ ngày chuyển tiền. Công ty cũng cho vay vốn mua máy chăm sóc và máy phun thuốc sâu cho mía; mức cho vay tối đa 10 triệu đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 3 ha; 5 triệu đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 1 ha; 1 triệu đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 2.500m2.

Những hộ trồng mía tập trung, liền thửa từ 50 ha trở lên, ngoài việc hưởng đầy đủ các cơ chế trồng mới nêu trên, hộ trồng mía còn được một khoản hỗ trợ bằng tiền mặt 4 triệu đồng/ha; hỗ trợ 6 tấn bùn mía đã qua xử lý và bổ sung vi sinh vật cho mỗi ha trồng mới...

Giá đường được cải thiện hơn nhiều trong niên vụ này là do nguồn cung về đường trên thế giới đang có dấu hiệu giảm sút mạnh. Tổ chức đường thế giới (ISO) vừa qua cho rằng trong năm 2016 - 2017, thế giới có thể thiếu khoảng 3,8 triệu tấn đường cùng với sự sụt giảm sản lượng tại quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ 2 là Ấn Độ. Với những chính sách kích cầu cùng với giá mía biến động tăng, các công ty mía đường trên địa bàn Nghệ An kỳ vọng sẽ mở rộng thêm diện tích, tăng nguồn nguyên liệu cho sản xuất, phát huy tối đa lợi thế vùng trong cạnh tranh trên thị trường.

Những năm trước, toàn tỉnh Nghệ An có trên 30.000 ha mía, nay chỉ còn 26.500 ha. 

Trân Châu - Cẩm Tú

TIN LIÊN QUAN