Những ngày này, ông Nguyễn Hữu Dương ở xóm 3, xã Nam Anh (Nam Đàn) đang tất bật vệ sinh chuồng trại, chăm sóc đàn lợn của mình. Mặc dù lợn đã đến kỳ xuất bán nhưng khi có thương lái đến hỏi mua, ông không mấy mặn mà.

bna_cham_soc_lon_anh_quang_an7476429_132019.jpgGiá lợn hơi giảm nên nhiều trang trại vẫn giữ nguyên tổng đàn, không mặn mà xuất bán dịp này. Ảnh: Quang An

Ông Dương chia sẻ: Giá lợn hơi thời điểm trong và sau Tết Nguyên đán dao động từ 50.000 - 52.000 đồng/kg, nay chỉ từ 44.000 - 45.000 đồng/kg. Nếu xuất bán với số lượng lớn dịp này sẽ không có lãi. Do đó, tôi đang giữ nguyên tổng đàn, chờ thị trường khởi sắc mới tính chuyện xuất chuồng.

Đó cũng là tâm lý chung của nhiều chủ trang trại, gia trại trên địa bàn xã Nam Anh. Hầu hết người chăn nuôi đều không muốn bán lợn dịp này do giá thấp. Các trang trại hiện đang tập trung chăm sóc, phòng chống dịch tả lợn châu Phi, giữ nguyên tổng đàn để đến lúc lợn hơi tăng giá mới xuất chuồng. 

Theo ông Trần Văn Nam - cán bộ nông nghiệp xã Nam Anh: xã có hơn 100 trang trại, gia trại với tổng đàn lợn hơn 12.000 con, do đó, khi giá xuống thấp, người dân không muốn xuất bán. Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở một số tỉnh nên địa phương cũng siết chặt hoạt động mua bán, kinh doanh, vận chuyển lợn ra khỏi địa bàn.

Hiện lợn hơi trên địa bàn tỉnh đang dao động ở mức 43.000 - 46.000 đồng/kg. Mức giá này được cho là khó có lãi. Ảnh Quang An
Theo báo cáo, toàn huyện Nam Đàn hiện có trên 38.000 con lợn trong đó có 24.000 con lợn thịt. Huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo các xã tập trung phòng chống dịch tả lợn châu Phi; nhất là tại các trang trại, gia trại.
Ở các địa phương khác, giá lợn hơi cũng đang xuống thấp. Theo một số trang trại lợn tại huyện Thanh Chương, giá lợn hơi trong những ngày đầu tháng 3 chỉ ở mức 42.000 - 43.000 đồng/kg, giảm gần 10 giá so với thời điểm đầu tháng 2.

Tại huyện Diễn Châu, hiện nay, giá lợn hơi có nhích hơn một chút (46.000 đồng/kg) nhưng việc mua bán vẫn đang khó khăn.

Người chăn nuôi rắc vôi bột ngay từ ngoài cổng trang trại để chủ động phòng dịch. Ảnh: Quang An
Anh Lê Văn Quang, một thương lái chuyên mua lợn tại xã Diễn Nguyên (Diễn Châu) cho biết: Mỗi ngày tôi nhập hàng chục con lợn của bà con rồi vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên, 1 tuần trở lại đây tôi không thu mua vì giá lợn giảm mạnh, người buôn không có lãi. 

"Hiện các tỉnh đang siết chặt quản lý lợn, nên việc vận chuyển mất nhiều thời gian, thủ tục. Vì thế, nhiều thương lái đang chờ thị trường lợn khởi sắc mới hành nghề trở lại" - anh Lê Văn Quang cho biết thêm.