Điểm cầu Nghệ An tham gia Hội nghị trực tuyến dưới sự chủ trì của đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Dịch xảy ra tại 7 tỉnh thành, đã tiêu hủy 4.200 con lợn
Theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, đến ngày 3/3, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy tại 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Thanh Hóa. Tổng số lợn mắc bệnh và tiêu hủy là trên 4.200 con với tổng trọng lượng gần 300 tấn.
Đây là bệnh nguy hiểm do vi rút gây ra, lợn bệnh có khả năng chết lên đến 100%, bệnh lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn. Đáng lo ngại nhất là hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị bệnh.
Tại Nghệ An, từ tháng 9/2018, UBND tỉnh đã ra công điện về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. Các biện pháp phòng chống bệnh dịch xâm nhiễm đã được các cơ quan liên quan, địa phương và người chăn nuôi nghiêm túc triển khai. Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện tại Nghệ An, nhưng đã xuất hiện tại huyện Yên Định, tỉnh bạn Thanh Hóa, nên nguy cơ đe dọa đến ngành chăn nuôi lợn ở Nghệ An là rất lớn.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc khẩn trương chống dịch
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Các cấp ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị, người chăn nuôi nghiêm túc thực hiện hiệu quả Chỉ thị 04/CT- Ttg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi; không coi đây là nhiệm vụ của riêng ngành Thú y; những tỉnh, thành chưa có dịch càng phải có các biện pháp phòng, chống mạnh mẽ và đồng bộ nhằm ngăn chặn dịch xâm nhiễm vào địa bàn.
"Tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, Chủ tịch UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng Chính phủ về kết quả phòng chống dịch ở địa phương mình quản lý" - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu: Cần nâng cao nhận thức tới hành động, quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, cảnh giác, không chủ quan trong phòng chống dịch nhưng cũng không gây hoang mang, tránh trường hợp người tiêu dùng “quay lưng” lại với ngành chăn nuôi. Đồng thời kiểm soát tốt chứ không ngăn cấm vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi lợn và người chăn nuôi phát triển kinh tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, ngành và địa phương nghiên cứu, xem xét tình hình thực tế để tham mưu cho Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp trong quy định mức hỗ trợ và các nguồn lực hỗ trợ chống dịch. Đồng thời kiểm soát, giám sát thực hiện để đảm bảo thực hiện tốt các chính sách của nhà nước.
Trong khi bệnh dịch hiện mới xuất hiện ở các tỉnh miền Bắc, các địa phương cần có giải pháp kiểm soát tốt nguồn lợn và sản phẩm từ lợn vận chuyển vào phía Nam; chủ động trích quỹ dự phòng để làm tốt công tác chống dịch. Người chăn nuôi thực hiện “5 không” trong phòng chống dịch.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã lĩnh hội chỉ đạo của Thủ tướng và đề xuất với thủ tưởng các bộ, ban, ngành, địa phương các giải pháp phòng chống dịch trong thời gian tới.