Tại thị trường Việt Nam, dịch tả lợn lan rộng khiến giá heo giữa các vùng miền biến động thất thường. Hiện, giá bình quân ở thị trường phía Nam khoảng 28.000 - 35.000 đồng một kg, còn phía Bắc khoảng 38.000 - 42.000 đồng một kg.
Theo các doanh nghiệp cung ứng thịt lợn, mức giá trên còn thấp nhưng thời gian tới giá lợn hơi sẽ tăng do tổng đàn heo trong nước đã giảm đáng kể. Mặt khác, giá thịt lợn nhập khẩu cũng đang tăng mạnh.
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết, nếu đầu năm giá lợn nhập khẩu chỉ ở mức 40.000 - 50.000 đồng một kg thì nay đã tăng lên 80.000 đồng. Giá heo nhập chưa dừng lại ở mức này và sẽ tăng cao khi dịch tả lan rộng ở nhiều nước trên thế giới.
Theo ông Phú, Trung Quốc là nước có nguồn heo lớn nhưng sau khi bị tác động của dịch tả thì nguồn lợn của nước này cũng giảm mạnh và giá lợn hơi tại Trung Quốc đang leo thang.
Cụ thể, giá lợn hơi nước này đang dao động ở 19 - 22 nhân dân tệ một kg (64.000 - 74.000 đồng). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc (MARA), giá thịt lợn bán buôn trung bình trong tháng 6/2019 tại Trung Quốc đã tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 21,59 CNY (khoảng 3 USD) một kg. MARA nhận định nguồn cung thịt lợn bị thắt chặt sẽ khiến giá tiếp tục tăng trong những tháng tới.
"Giá thịt lợn tại Trung Quốc trong 6 tháng cuối năm 2019 có thể tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước, lên mức cao kỷ lục lịch sử, do nguồn cung sụt giảm nghiêm trọng" ông Tang Ke, Vụ trưởng MARA dự báo. Còn theo Ngân hàng Nomura, nửa cuối năm giá thịt lợn tại Trung Quốc có thể tăng thêm 40% nữa.
Cũng chung xu hướng, giá lợn miền Bắc - nơi khởi nguồn của dịch tả tại Việt Nam đang tăng mạnh và dự báo tiếp tục đi lên trong nửa cuối năm nay.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 6 tháng đầu năm tổng đàn lợn cả nước giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hiện, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28 triệu con. Đến ngày 15/7, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 62 tỉnh, thành phố trên cả nước, số lợn bị bệnh phải tiêu hủy là hơn 3,3 triệu con, chiếm trên 10% đàn lợn trên cả nước. Đặc biệt, dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng tấn công vào những trang trại chăn nuôi có quy mô rất lớn.
Công ty nghiên cứu Ipsos Business Consulting Ipsos ước tính tổng đàn nái cả nước tại thời điểm tháng 6/2019 đã giảm tới 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiếu các biện pháp phòng ngừa và an toàn sinh học thấp. Theo Ipsos, đến cuối năm 2019, đàn nái của phân khúc chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chỉ còn dưới 40% trên tổng đàn.
Trước những diễn biến trên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, 6 tháng cuối năm giá thịt lợn sẽ biến động mạnh, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Việc giảm cung không chỉ xảy ra ở thị trường nội địa mà còn ở nhiều nước khác cũng chịu thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi. Ipsos cũng dự đoán cuối năm 2019 đến gần Tết Nguyên đán 2020, Việt Nam có thể thiếu hụt tới 500.000 tấn thịt lợn, chiếm gần 20% tổng nhu cầu./.