Theo báo cáo về kịch bản điều hành giá điện năm 2019 mới đây của Bộ Công Thương: Trên cơ sở các yếu tố đầu vào, dự kiến giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tăng khoảng 8,36% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh), tương ứng giá bán lẻ điện bình quân 2019 khoảng 1.864,44 đồng/kWh.

Như vậy, giá bán lẻ điện bình quân dự kiến tăng thêm 143,79 đồng/số.

Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giá bán lẻ điện trong khoảng thời gian từ ngày 20 - 30/3. 

a3781350_532019.jpgGiá bán lẻ điện bình quân dự kiến tăng thêm 143,79 đồng/số trong tháng 3/2019.

Về nguyên nhân tăng giá điện, Bộ Công Thương đưa ra phân tích hàng loạt yếu tố tác động tới giá điện 2019. Cụ thể như, về các yếu tố đầu vào của giá điện 2019: Giá than nội địa đã thực hiện điều chỉnh bước 1 với mức tăng bình quân 5%, làm chi phí mua điện tăng thêm khoảng 3.183 tỷ đồng; giá than pha trộn giữa than nhập khẩu với than sản xuất trong nước từ ngày 16/1 có giá cao hơn giá than nội địa, làm chi phí mua điện tăng thêm khoảng 1.921 tỷ đồng...

Trong phương án giá điện năm 2019 cũng đưa vào tính toán các chi phí nhiên liệu được Chính phủ cho phép điều chỉnh đồng bộ khi điều chỉnh giá điện như: Giá than nội địa bán cho sản xuất điện điều chỉnh bước 2 theo mức tăng theo lộ trình do Chính phủ phê duyệt. Khi đó, chi phí mua điện tăng thêm khoảng 2.230 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện điều chỉnh giá khí một số nhà máy điện, qua đó 100% nhà máy tuabin khí sẽ thực hiện mua khí theo giá thị trường. Việc điều chỉnh giá khí trong bao tiêu theo thị trường này làm chi phí mua điện tăng thêm khoảng 5.852 tỷ đồng.

Ngoài ra, phương án giá điện năm 2019 cũng đưa vào tính toán các khoản chi phí chênh lệch tỷ giá còn treo chưa được tính vào giá điện.

Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Giá điện tăng làm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 tăng thêm 0,29%, tác động rất thực tiếp đến nền kinh tế của chúng ta. Giá cả mặt hàng nào lên cũng ảnh hưởng đến CPI, ít nhiều ảnh hưởng đến GDP cả. Về lâu dài, chúng ta cần có ngành điện với năng lực tài chính lành mạnh để đủ sức đầu tư vào các dự án điện, để có điện cho các ngành kinh tế khác phát triển.

“Vì nếu không có điện ảnh hưởng của nó còn lớn hơn việc tăng giá điện. Tăng giá điện làm GDP giảm 0,22% nhưng nếu không có điện thì có khi giảm tới mấy phần trăm. Đó là điều chúng ta phải cân nhắc để có ngành điện ổn định”, ông Vượng nói.