Đây là một trong những giải pháp để cùng với các loại hình tổ chức tín dụng khác của ngành ngân hàng góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức.
Thời hạn cho vay tối đa nâng lên 120 tháng
Thời gian qua, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Nghệ An đã tranh thủ kịp thời sự quan tâm của Ngân hàng Trung ương, tích cực tham mưu nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ của địa phương, đồng thời đẩy mạnh huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Nhờ đó, đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu huy động vốn được giao, đến ngày 31/12/2018, tổng nguồn vốn đạt 7.770 tỷ đồng.
Về sử dụng vốn, Chi nhánh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ, đối với các địa bàn có dư nợ thấp, khó tăng dư nợ do đối tượng ít được tập trung ưu tiên nguồn vốn nhằm đảm bảo ổn định mức dư nợ hợp lý.
Đến nay, dư nợ toàn chi nhánh đạt 7.746 tỷ đồng, tăng khoảng 546 tỷ đồng, tăng trưởng ước khoảng 7,6%, hoàn thành xấp xỉ 100% kế hoạch được giao. Chi nhánh đã tham mưu chỉ đạo công tác cho vay kịp thời, đạt kết quả tốt: Doanh số cho vay đạt trên 2.705 tỷ đồng, bằng 114% năm 2017. Doanh số thu nợ đạt 2.175 tỷ đồng, bằng 111% năm 2017.
Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, ngay sau khi Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH ký Quyết định số 12/QĐ-HĐQT ngày 22/2/2019 về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc thực hiện nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.Theo đó, kể từ ngày 01/3/2019, các chương trình tín dụng tại Ngân hàng CSXH bao gồm: Chương trình cho vay hộ cận nghèo; Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016, được Thủ tướng Chính phủ quy định mức cho vay tối đa không vượt quá mức cho vay tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/ hộ vay không phải bảo đảm tiền vay.
Đối với thời hạn cho vay, Ngân hàng CSXH nâng thời hạn cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo lên 120 tháng, theo đó, chương trình cho vay hộ cận nghèo có thời hạn cho vay thực hiện như cho vay hộ nghèo được nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng.
Đối với thời hạn cho vay, Ngân hàng CSXH nâng thời hạn cho vay tối đa đối với chương trình cho vay hộ nghèo lên 120 tháng, theo đó, chương trình cho vay hộ cận nghèo có thời hạn cho vay thực hiện như cho vay hộ nghèo được nâng thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng.
Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với từng hộ vay được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, vốn tự có, khả năng trả nợ của hộ vay và nguồn vốn cho vay của Ngân hàng CSXH.
Trường hợp hộ vay thuộc đối tượng của các chương trình tín dụng nêu trên đang sử dụng vốn vay có hiệu quả, thực hiện trả lãi đúng kỳ hạn theo thỏa thuận, nếu có nhu cầu vay thêm vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh có khả thi thì có thể vay bổ sung nhưng mức dư nợ không vượt quá 100 triệu đồng/hộ.
Chính sách mới tiếp sức cho người nghèoỞ huyện Quỳ Châu, năm 2011 ông Vũ Đức Quý (SN 1950) trú tại bản Mới, xã Châu Phong, vay 20 triệu đồng từ chương trình sản xuất kinh doanh. Cùng với một ít vốn tích lũy được, ông mua 2 con dê, đào ao thả cá, trồng keo trên rừng nhà. Nhờ chăm chỉ làm ăn, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất nên đàn dê sinh sản liên tục, ao cá mang lại thu nhập tốt, rừng keo lớn nhanh, trung bình mỗi năm trừ chi phí cũng mang lại thu nhập cho gia đình 80 triệu đồng. Đến năm 2015 ông trả đầy đủ gốc và lãi cho Ngân hàng CSXH và xin vay thêm 20 triệu đồng Chương trình sản xuất kinh doanh để mua 4 con bò giống đến nay đàn bò của gia đình đã sinh sản được 8 con mang lại thu nhập cao.
Nói về chính sách mới của Ngân hàng CSXH về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, ông Quý cho biết: Chúng tôi biết ơn và trân trọng những đồng vốn của Ngân Hàng CSXH, tuy không lớn nhưng được xem như “cần câu” giúp ông và những người dân nghèo vươn lên trong cuộc sống và đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội. Với chính sách mới sẽ tạo thêm động lực, cơ hội để người dân tiếp cận và phát huy tốt hơn nguồn vốn vay.
Lên Quế Phong hỏi gương đoàn viên phát triển kinh tế, nhiều người giới thiệu anh Thái Hữu Trọng, sinh năm 1992, ở xóm Hải Lâm 1, xã Quế Sơn. Ấp ủ làm kinh tế trang trại, năm 2017 anh bắt tay vào triển khai nhưng khó khăn về nguồn vốn. Năm 2018, Trọng vay 100 triệu đồng khai hoang phát triển trang trại rộng 6 ha để chăn nuôi gà vịt, ngan lợn, trồng rừng.
Trọng chia sẻ: Từ nguồn vốn 100 triệu của Ngân hàng CSXH (trong đó 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, 50 triệu đồng vốn thoát nghèo), trang trại đã được gây dựng; năm 2018 vừa đầu tư vừa sản xuất nhưng bước đầu cho thu nhập 150 triệu đồng.
“Hiện em đang cùng với 6 thanh niên khác trên địa bàn liên kết với một doanh nghiệp ở Hà Nội để chăn nuôi lợn rừng. Doanh nghiệp sẽ cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm. Em mong muốn Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục ưu tiên vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, tập trung vào sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế của địa phương như trồng chanh leo, thâm canh vườn mía, mở rộng nuôi ong, gà đen, vịt bầu...”- Trọng cho biết thêm.
Ngân hàng CSXH huyện Quế Phong luôn đồng hành với các cấp, các ngành, thực hiện lồng ghép nguồn vốn ưu đãi với việc đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào đồng ruộng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách chuyển đổi diện tích trồng lúa kém năng suất sang trồng lúa cao sản và chăn nuôi các cây, con đặc sản. Năm 2018, tổng doanh số cho vay đạt 67.187 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quế Phong cho biết: Trong năm 2018, Ngân hàng CSXH đã tập trung ưu tiên cho vay xóa đói, giảm nghèo, cho vay phát triển kinh tế tại các vùng nghèo, ưu tiên cho vay tại những xã, những thôn bản có đề án về đích Nông thôn mới, đồng thời tăng nhanh nguồn vốn hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn sản xuất, xây dựng và cải tạo nhà ở với số vốn đầu tư trên 67 tỷ đồng phục vụ 2.553 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, thoát nghèo và gia đình chính sách được vay vốn... Nhờ vốn vay ưu đãi của Nhà nước nên nhiều hộ gia đình nghèo đã có mô hình làm ăn hiệu quả, có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu như anh Thái Hữu Trọng ở Hải Lâm, Quế Sơn; ông Hà Văn Viết là thương binh ở bản Na Xai, Hạnh Dịch...
Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH chi nhánh Nghệ An, việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Ngân hàng CSXH nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân tại mọi vùng miền trong toàn quốc là một trong những giải pháp để cùng với các loại hình tổ chức tín dụng khác của ngành Ngân hàng, góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức.