(Baonghean) - ...Đến Tương Dương, nhận được tin ở bản Piêng Cọc, xã biên giới Mai Sơn đang có dịch sốt phát ban dạng sởi, với 48 cháu mắc bệnh... Hỏi đường đi Piêng Cọc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tương Dương - anh Trần Văn Công nói rằng chỉ có cách thuê thuyền theo đường thủy lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ hết khoảng 4 tiếng; hoặc đi đường bộ ngược Kỳ Sơn rồi vòng xuống Piêng Cọc hết hơn 3 tiếng. Vào chốn núi cao thâm u, để đỡ cô quạnh, chúng tôi chọn đi đường bộ...

Đêm Piêng Cọc
 
13h30 phút ngày 14/10, tôi lên đường cùng với một cựu chiến binh ở Thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) hành nghề xe ôm. Qua Thị trấn Mường Xén, các xã Tà Cạ, Phà Đánh, Huồi Tụ, Mỹ Lý của huyện Kỳ Sơn rồi mới xuôi xuống Mai Sơn. Để vào trung tâm xã Mai Sơn, phải đi đò qua sông Nậm Nơn tại Trạm Biên phòng Nhôn Mai, đóng ở bản Huôi Mựn. Và để vào đến Piêng Cọc, nơi 100% đồng Mông sinh sống phải mất thêm 1 tiếng đồng hồ. Hơn 6 giờ chiều, nhưng trời đã tối sập, và se sắt lạnh. 
images1066634_anh_3.jpgCác y, bác sỹ bệnh viện dã chiến kiểm tra bệnh tình cho các cháu
Để chống dịch phát ban ở Piêng Cọc, lúc này, huyện Tương Dương đã thành lập bệnh viện dã chiến tại điểm trường tiểu học. Ở đây, ngoài 12 cán bộ y, bác sỹ của Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện Đa khoa huyện Tương Dương, Trạm Y tế xã Nhôn Mai, Trạm Y tế xã Mai Sơn, còn có thêm cán bộ của Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh và 2 cán bộ truyền thông y tế. Dân bản Piêng Cọc và cán bộ xã, ban quản lý ai cũng mừng khi có thêm cán bộ, bác sỹ của tỉnh tăng cường. Những cái bắt tay trong đêm thật chặt, như gửi gắm những niềm mong. 
Theo dõi các ca nặng trong đêm
Piêng Cọc cũng như toàn xã Mai Sơn, hiện chưa có điện lưới mà sử dụng máy thủy điện mi ni bà con bắt dọc khe. Dưới ánh sáng nhạt, 2 bác sỹ Bệnh viện Sản - Nhi dù mệt mỏi bởi chặng đường xa, nhưng đã khẩn trương cùng cán bộ y, bác sỹ Bệnh viện Tương Dương kiểm tra bệnh tình cho từng cháu nhỏ độ tuổi từ 1 - 14 được bố trí điều trị trong 2 phòng học. Một phòng gồm 7 cháu đang bị bệnh nặng, và phòng còn lại là 9 cháu đã cơ bản ổn định. Trên nền gạch men, nơi các cháu nằm chỉ đơn sơ chiếc chiếu và những chiếc chăn len. Theo bác sỹ người Mông Và Bá Tủa - Trạm trưởng Trạm Y tế Nhôn Mai được điều động sang giúp đỡ Mai Sơn, từ ngày 10 - 12/10, có tới 3 phòng điều trị, bởi lúc đó có 48 cháu bị bệnh. Hiện 32 cháu đã thuyên giảm hẳn, được cho về nhà để theo dõi.
Hỗ trợ sữa cho các cháu ở Piêng Cọc
 
Trong đêm 14/10, các cháu nhỏ dù còn rất mệt, nhưng hầu như không còn tình trạng sốt li bì. Theo Bác sỹ Trần Văn Cương, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi, qua kiểm tra lâm sàng, các cháu nhiều khả năng mắc bệnh sởi. Với loại bệnh này, các y, bác sỹ phải tuân thủ phác đồ điều trị của ngành Y. Tôi tranh thủ hỏi chuyện cán bộ phụ trách bệnh viện dã chiến ở Piêng Cọc, là bác sỹ Lô Văn Hùng - Khoa Nội nhi Bệnh viện Đa khoa Tương Dương. Bác sỹ Hùng kể: 9 giờ sáng 10/10, tôi nhận được chỉ đạo của huyện, tập trung người, chuẩn bị một cơ số thuốc rồi lên đường. Đến 21h thì đến được Piêng Cọc. Lúc này, các cháu sốt li bì, nhìn hết sức nóng ruột và khám, vừa cho các cháu uống thuốc, đoàn công tác vừa liên lạc với huyện để thành lập phòng khám dã chiến ở điểm Trường Tiểu học khối Piêng Cọc. Ngày 10/10, có 38 cháu bị bệnh, trong đó có 11 cháu bị rất nặng. Rạng sáng ngày 11/10, chúng tôi phát hiện thêm 10 cháu trong tình trạng sốt cao. Sau khi hội ý, báo cáo về Trung tâm Y tế, Bệnh viện huyện, dù chưa kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, nhưng chúng tôi chẩn đoán các cháu bị sởi và cho sử dụng thuốc hợp lý. Lên đây 5 ngày, thì cả 5 ngày tất cả thành viên của đoàn đều “3 cùng” với các cháu. Và đêm nay cũng vậy...
Một số cháu bệnh thuyên giảm được trở về gia đình
Gần nửa đêm, chúng tôi được cán bộ bệnh viện dã chiến bố trí nghỉ ngơi ở một phòng học sát phòng các cháu bị bệnh nặng. Nơi nghỉ là manh chiếu mỏng trên nền gạch, mấy tấm chăn cũng mỏng manh. Bác sỹ Và Bá Tủa, y sỹ Kha Văn Đậu nằm kế bên, trùm chăn kín mặt để chống muỗi và phân bua về “sự khó” ở nơi heo hút này: "Các anh cố gắng chợp mắt, chứ chúng tôi chỉ nằm vậy thôi. Lát nữa lại phải dậy kiểm tra cho các cháu". Càng về khuya, Piêng Cọc càng lạnh. Phòng bên, các cháu nhỏ thi thoảng lại ho, khóc gắt. Mỗi lần như vậy, bác sỹ Tủa, y sỹ Đậu lại trở dậy...
Đoàn công tác Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hội ý
Khó trăm bề
 
Từ khi bệnh viện dã chiến được thành lập, trong phạm vi bản Piêng Cọc có lệnh "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Các cháu là người bản Piêng Cọc học THCS tại trung tâm xã phải ở lại nội trú, với các cháu đã lỡ về thì thôi không ra trường. Điểm Tiểu học khối Piêng Cọc cũng nghỉ học để chống lây lan dịch bệnh sang các bản khác.
 
Một vấn đề được mọi người hết sức quan tâm, ấy là, dịch bệnh có nguồn gốc như thế nào? Theo bác sỹ Và Bá Tủa, thì do từ Lào sang. Từ khoảng tháng 8/2014, hai bản Phá Đánh, Póm Bái của nước bạn Lào đã xảy ra dịch phát ban. Ở bản Phá đánh có 4 cháu tử vong; bản Póm Bái có 17 cháu. 2 bản này chỉ cách Piêng Cọc một ngọn núi, đi bộ hết gần 3 giờ đồng hồ. Khi bên Phá Đánh bản Lào có chuyện buồn, các gia đình Piêng Cọc thường địu con cái sang thăm thân. Ngày 22/9, có hai vợ chồng ở bản Phá Đánh đưa 2 con bị bệnh sang Nhôn Mai nhờ bác sỹ Và Bá Tủa chữa bệnh. Để đến Nhôn Mai, 2 vợ chồng này đã ngủ lại Piêng Cọc. "Tôi nghĩ dịch sốt ở Piêng Cọc có nguyên nhân từ đó" - Bác sỹ Tủa nói.
 
Cán bộ y tế bản Piêng Cọc, anh Và Bá Xềnh cũng đồng tình với nguyên nhân Bác sỹ Và Bá Tủa nêu ra. Theo Và Bá Xềnh, vì ở Phá Đánh có nhiều người bị bệnh, nên anh đã sang thăm khám, và cũng điều trị cho một số bệnh nhân...
 
Piêng Cọc có 52 hộ, 375 khẩu nằm trên núi cao, biệt lập, giao thông đi lại hết sức khó khăn, khí hậu lại khắc nghiệt, nóng lạnh bất thường. Đời sống người dân nơi đây rất nghèo, mọi sinh hoạt đơn sơ, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Như các cháu nhỏ mang bệnh sốt cao, cần mặc đủ ấm, nhưng phần lớn chỉ mang trên mình manh áo mỏng. Bữa ăn ngoài cơm là quả đậu chấm muối và nước đậu luộc, do đó thường bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém. Trong thời gian ở Piêng Cọc, chúng tôi đã dùng một bữa cơm tại nhà Trưởng bản Và Xái Chò nên hiểu thấu điều này. Là trưởng bản, nhưng nhà Và Xái Chò cũng giống như các gia đình khác trong bản. Trong căn nhà nền đất, lợp mái gỗ đen bóng đặc trưng của đồng bào Mông, chẳng có vật dụng gì có giá trị, cách sinh hoạt, vệ sinh môi trường còn nhiều bất cập. Bác sỹ Và Bá Tủa cho biết: “Khó quá. Thiết bị, nhân lực y tế hạn chế. Người dân Piêng Cọc quá nghèo, lại hạn chế về nhận thức. Cách thức sinh hoạt chưa thay đổi. Vệ sinh tổng thể thôn, bản đã kém. Vệ sinh cá nhân cũng kém nốt. Vậy nên, công tác phòng, chống các loại dịch bệnh khó trăm bề...". 
 
12h30 ngày 15/10, Piêng Cọc được đón đoàn công tác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Lúc này, 16 cháu còn lưu tại bệnh viện dã chiến chỉ còn lại 3 cháu bị sốt nặng. Những cháu còn lại đã tỉnh táo. Anh Nguyễn Văn Đàn, Trưởng khoa Dịch tễ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Từ khi Piêng Cọc có dịch, anh đã cùng cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy 16 mẫu thử để đem về kiểm tra xét nghiệm. Và đến nay đã cho ra kết quả, 12/16 mẫu thử cho kết quả dương tính. Có nghĩa là Piêng Cọc đang là tâm dịch sởi. Và vì vậy, Đoàn công tác Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngoài tham gia các vấn đề chuyên môn, yêu cầu Trung tâm Y tế Tương Dương, bằng mọi biện pháp không để dịch lây lan sang nơi khác; không chỉ các bản trong xã Mai Sơn, mà còn cả các xã trong khu vực...
 
Sau 20 giờ đồng hồ lưu lại, 13h30 ngày 15/10, chúng tôi rời Piêng Cọc trong những xúc cảm vui buồn lẫn lộn. Vui vì công tác dập dịch đã có nhiều tiến triển, sức khỏe của các cháu nhỏ đã có nhiều chuyển biến tích cực… Băn khoăn, lo lắng vì nơi đây, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, trong khi cơ sở vật chất và nhân lực y tế còn quá khó khăn. Day dứt câu hỏi: Phải làm gì để công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt?!.
 
Bài, ảnh: Nhật Lân