(Baonghean) - Theo quan niệm của nhiều người, sử dụng thuốc bắc hay thuốc nam có lợi hơn nhiều so với thuốc tây, bởi đây đều là những nguyên liệu tự nhiên, dễ uống, dễ sử dụng, giá thành lại rẻ. nên rất nhiều người có thói quen sử dụng thuốc đông y để điều trị bệnh. Thế nhưng, tai biến là một điều rất dễ xảy ra nếu người bệnh chủ quan, tùy tiện trong sử dụng thuốc...
Nửa năm trước, bệnh nhân Lê Văn Hoàng, phường Hưng Bình (TP. Vinh) bị ngã khi đang chơi bóng. Sau đó, đi chụp phim và được chẩn đoán bị bong gân nên anh sang Hà Tĩnh mua thuốc của một lương y khá nổi tiếng về uống. Thế nhưng, uống gần 10 thang, bệnh tình của anh chỉ đỡ một thời gian ngắn, đến khi chuyển mùa thì đau nhức, không đi lại được. Anh đến Bệnh viện Đa khoa Nghệ An chụp cắt lớp và được chẩn đoán là đứt dây chằng, cần phải mổ ngay vì đã để quá lâu. Anh cũng được bác sỹ cảnh báo: Những trường hợp đã bị đứt dây chằng thì không có giải pháp nào tốt hơn là mổ để nối lại dây.
Còn việc sử dụng thuốc nam hay các loại thuốc dân gian khác chỉ có tác dụng hỗ trợ, giảm đau nhất thời khiến người bị bệnh tưởng mình đã khỏi bệnh mà không cần đến bác sỹ để khám. Bác sỹ Hoàng Hoa Thám, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh cột sống, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An cho rằng: Theo quan điểm của Lương y Hải Thượng Lãn Ông, nếu sử dụng y học dân tộc kết hợp với y học hiện đại để điều trị bệnh là rất tốt. Tuy nhiên, gần đây việc sử dụng thuốc bắc và thuốc nam khó kiểm soát được, đặc biệt là về nguồn gốc nên có thể dẫn đến tác dụng ngược. Cũng không phải bệnh nào cũng có thể sử dụng Đông Y mà phải sử dụng đến các phương pháp khoa học hiện đại, nếu để lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tại khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bác sỹ Vũ Ngọc Lân, Trưởng khoa cho biết: Mỗi năm, khoa điều trị hơn chục bệnh nhân phải cấp cứu vì bị suy tuyến thượng thận. Trong số này đa số là bị bệnh đau khớp, do thói quen của người dân thường mua thuốc nam về điều trị. Sử dụng trong một vài tuần thì bệnh thuyên giảm nhanh nhưng sử dụng kéo dài thì hết sức nguy hiểm vì thực chất gọi là thuốc nam nhưng nhiều thầy lang lại thường tán thuốc ra rồi pha với thuốc dexamethazone giúp giảm đau nhanh. Dùng một thời gian bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như mặt phù, bủng beo nhưng các chi teo tóp lại gọi là hội chứng giả cơ sinh. Khi bệnh đã ảnh hưởng đến thận sẽ xảy ra những biến chứng về tim mạch, không cứu chữa được.
Một số trường hợp khác nếu sử dụng không đúng cách cũng gây biến chứng nguy hiểm. Đơn giản như khi bị bong gân, nhiều người hay dùng lá hơ nóng cùng với muối để đắp lên chân nhưng đắp lâu quá khiến vùng da bị phồng rộp, đỏ bỏng nước, sưng tấy... có thể dẫn đến nhiễm trùng máu gây tử vong. Người dân cũng có thói quen dùng các loại mật gấu, rượu ngâm hạt gấc, dầu cao… xoa vào vết thương vì cảm giác rất dễ chịu. Tuy nhiên, họ không hiểu rằng, làm vậy bệnh không giảm mà còn có nguy cơ dẫn đến xơ hoá dây chằng gây đau mạn tính, cứng khớp, teo cơ, phải phẫu thuật để tạo hình lại dây chằng.
Trao đổi với Bác sỹ Hoàng Thị Hiệp, Khoa Truyền nhiễm Bệnh nhiệt đới, được biết: Nhiều trường hợp bị viêm gan, viêm gan B nặng trước khi được điều trị tại khoa đều đã có nhiều năm uống thuốc bắc. Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm mà còn có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Như trường hợp của bệnh nhân Hoàng Thế Thường, ở huyện Diễn Châu. Vì dùng thuốc bắc trong một thời gian dài nên khi vào viện chẳng những bị tổn thương gan, ông còn bị ngộ độc chì khiến da xạm đen lại. Hệ chức năng của gan kém hơn và suy giảm khả năng thải độc. Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi cảnh báo: Người dân không tự ý điều trị sởi bằng các phương pháp cổ truyền như xông, tắm bằng lá mùi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Vì ở tuổi này làn da các cháu rất nhạy cảm, khả năng bảo vệ kém nên không tránh khỏi dị ứng khi tắm lá. Hạt mùi, lá mùi chứa nhiều tinh dầu có tính kích ứng da cao. Chưa kể, trong quá trình tắm, việc kỳ cọ gây trầy xước da; hoặc da trẻ bị phát ban nhiều, trầy xước, lở loét… sẽ làm bệnh nặng hơn và rất dễ dẫn đến nhiễm trùng. Riêng với trường hợp bệnh sởi bị biến chứng đường hô hấp như viêm phổi, việc hít quá nhiều tinh dầu từ hạt mùi, lá mùi sẽ làm bệnh tiến triển nhanh, có thể dẫn đến suy hô hấp.
Thực tế, Đông Y có nhiều loại thuốc bổ nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể dùng được. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Hoàng Đăng Hảo, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Nhược điểm của thuốc Đông Y là việc kiểm soát chất lượng khó, không thể định lượng được chính xác tỷ lệ của các vị thuốc. Điều đáng lo ngại là hiện tại trên địa bàn Nghệ An có gần 400 cơ sở hành nghề Đông Y, nhưng chỉ có khoảng 30% cơ sở được cấp phép. Còn lại đều không đủ điều kiện. Việc thanh, kiểm tra cũng chỉ dừng lại ở việc có hay không có giấy phép còn để kiểm định chất lượng thì rất khó vì không định lượng hóa được các chất trong các vị thuốc.
Vì vậy, để tránh ảnh hưởng sức khỏe khi dùng thuốc Đông Y, theo quan điểm của bác sỹ Vũ Ngọc Lân, Trưởng khoa cấp cứu nhiễm độc, bệnh nhân cần phải tuân thủ triệt để hướng dẫn của thầy thuốc, không tùy tiện sử dụng đông dược khi không có chỉ định, không tự ý nâng liều và kéo dài ngày dùng. Một số vị thuốc và bài thuốc đơn giản theo kinh nghiệm dân gian có thể tự dùng, nhưng tốt nhất vẫn nên có sự tư vấn đầy đủ của thầy thuốc chuyên khoa. Khi sử dụng, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì phải ngừng thuốc ngay và báo lại cho thầy thuốc biết để xử trí kịp thời. Ngoài ra, khi đi khám bệnh, bệnh nhân cần đến những cơ sở hợp pháp, có uy tín. Với thầy thuốc, phải khám xét tỉ mỉ, nắm được tiền sử dị ứng của bệnh nhân, trọng dụng các xét nghiệm hiện đại cần thiết để biết được tình trạng của các cơ quan quan trọng và tiên lượng được kết quả khi dùng thuốc, hết sức thận trọng trong việc kê đơn những vị thuốc có độc, hướng dẫn bệnh nhân chu đáo cách thức dùng thuốc, không phối hợp thuốc tây và thuốc ta một cách cẩu thả, kiểm tra kỹ chất lượng thuốc trước khi cân đơn cho người bệnh.
Bài, ảnh: Mỹ Hà