(Baonghean) Theo Dự án 600 trí thức trẻ tình nguyện về làm phó chủ tịch xã ở 62 huyện của cả nước, Nghệ An được phân bổ 26 người, 23 gương mặt xuất sắc, xứng đáng nhất đã được lựa chọn, trong đó có 8 đội viên đã được phân về với huyện nghèo Kỳ Sơn, 13 đội viên về huyện Tương Dương và 5 đội viên về huyện Quế Phong, bổ sung nguồn cán bộ, thực hiện chương trình XĐGN nhanh và bền vững cho các địa phương. Sau gần 2 tháng nhập cuộc, hầu hết các trí thức trẻ đã thể hiện được năng lực của bản thân dù thực tế công việc và cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.
Với Lưu Đức Cường, tân Phó Chủ tịch xã Tây Sơn (Kỳ Sơn) thì đây xem như là thử thách và cũng là bước ngoặt trong đời. Sinh năm 1983 tại xã Xuân Lâm (Nam Đàn), tốt nghiệp ngành kinh tế NN&PTNT, Đại học Kinh tế Huế. Sau khi đăng ký và được chọn trở thành đội viên của Dự án Đưa trí thức trẻ về công tác tại các xã nghèo huyện miền núi cao, được tham gia lớp học bồi dưỡng gần 2 tháng ở Quảng Bình và đi thực tế tại địa phương, Cường được bố trí về thực tập tại địa bàn Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn.
Đối với một sinh viên mới ra trường lại khác biệt về địa bàn, văn hóa, tưởng chừng những điều đó sẽ gây khó khăn trong công việc của một phó chủ tịch xã nơi vùng miền núi cao này. Thế nhưng, với quyết tâm cao, Lưu Đức Cường đã từng bước khẳng định được năng lực bản thân bằng những cách làm hiệu quả. Cường chia sẻ: “Tây Sơn nằm cách trung tâm huyện 12 km, điều kiện giao thông đi lại hết sức khó khăn, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn. Chính vì vậy, khi được phân công về đây, em xác định sẽ gặp nhiều khó khăn mà khó khăn đầu tiên là chưa thông thạo tiếng đồng bào, chưa am hiểu phong tục tập quán địa phương”...
Với những khó khăn trước mắt, đã có thời điểm Cường cảm thấy hết sức băn khoăn không biết có thể hoàn thành nhiệm vụ hay không. Từ đó, Cường xác định trước hết phải biết tiếng đồng bào để tiếp xúc với bà con, lắng nghe xem bà con cần, mong muốn gì. Cường đã đi nhiều hơn, “học nói” nhiều hơn để hiểu thêm về đời sống hàng ngày của nhân dân. Ban đầu, Cường xác định làm những việc vừa sức để đảm bảo tỷ lệ thành công cao, nhằm tạo uy tín với bà con, có như vậy mới mong bà con nghe và làm theo. Cường đã xây dựng đề án "Đẩy mạnh phát triển đàn bò trên địa bàn xã" và được đánh giá là khả thi. Vì thế đến nay, sau 2 tháng trong vai trò Phó Chủ tịch UBND xã Tây Sơn phụ trách mảng kinh tế, ANQP, nông lâm ngư nghiệp, các dự án đầu tư của Chính phủ, đôi chân Lưu Đức Cường đã thuộc hầu khắp các con đường trong xã. Đến nay, Cường đã có thể giao tiếp với bà con bằng tiếng Mông, nên làm việc với bà con dễ dàng hơn.
Trong số 5 phó chủ tịch xã được chọn ở Quế Phong thì Trần Điệp Tùng Dương là người ở xa xôi nhất về mặt địa lý. Dương là người huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế, tốt nghiệp ĐH Nông lâm Huế tìm về Quế Phong lập nghiệp. Tuy nhiên, không vì vậy mà Dương “tụt” lại khi ngồi vào “chiếc ghế nóng”, bởi đã có 4 năm anh phụ trách công tác nông nghiệp xã Quế Sơn. Bây giờ làm Phó Chủ tịch xã Quế Sơn, Dương hào hứng cùng cộng sự bắt tay thực hiện tiếp Đề án phát triển kinh tế, xã hội 3 cụm Nam Sơn mà trước đó mình là người phụ trách chính. Những giống cá, gà, vịt… được đưa về tận những hộ dân nghèo, cùng sự hướng dẫn kỹ thuật tận tình của anh và đồng nghiệp đang giúp bà con ở 3 xóm bản thuộc diện khó khăn này thay đổi nếp nghĩ, cách làm từng ngày. Dương cho biết: “Bây giờ, mặc dù hai vợ chồng đang ở nhà tập thể của cơ quan nhưng phấn đấu làm việc, rèn luyện bản lĩnh thật tốt bởi đây là quê hương thứ 2 của mình”.
Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, Lô Thị Trà My quê ở Chi Khê- Con Cuông “đầu quân” làm cán bộ phụ trách 30a của xã Thạch Giám huyện Tương Dương. Trên ruộng rau của hay vườn rừng đến trang trại chăn nuôi của bà con đều in bóng dáng của cô kỹ sư nông nghiệp trẻ. Trà My đem hết kiến thức mình được trang bị ở trường cùng với kinh nghiệm học hỏi tích lũy tận tình hướng dẫn cho bà con.
Sau khi thi tuyển, tập huấn thực tế, qua bầu cử của HĐND xã, em được phân công làm Phó Chủ tịch xã Xá Lượng huyện Tương Dương. So với những đội viên khác, Trà My có thuận lợi hơn bởi được nhận công tác sau khi làm cán bộ 30a. Bên cạnh đó, em nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bản thân lại là người dân tộc Thái vì vậy không phải mất thời gian để học tiếng, phong tục tập quán cũng vậy. “Tuy nhiên, với em khó khăn cần phải vượt qua đó chính là làm sao để bà con nghe và tin tưởng mình, bởi em còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều. Hơn nữa, thực tế việc học tại trường và công tác tại địa phương hoàn toàn khác nhau, vì thế làm sao để vận dụng được những kiến thức đã học để phục vụ cho nhiệm vụ được giao là phụ trách mảng kinh tế, thực hiện các dự án trên địa bàn xã, là điều quan trọng nhất”.
Phó Chủ tịch xã Xá Lượng (huyện Tương Dương) Lô Thị Trà My (phải) về cơ sở với bà con. Ảnh: Thanh Lê
Hiện Trà My đang cùng với địa chính xã Xá Lượng thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo của xã. Chỉ đạo bà con trồng rừng, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã. Ông Lương Văn Phan- Chủ tịch UBND xã Xá Lượng- Tương Dương cho biết: “Phát triển các mô hình kinh tế trồng rừng, chăn nuôi lợn rừng, nuôi nhím, trồng cà ngọt, cà chua… được xác định là hướng đi trong phát triển kinh tế của xã. Tuy nhiên Xá Lượng đang thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ kỹ thuật để hướng dẫn, tập huấn cho bà con. Việc tăng cường phó chủ tịch xã phụ trách mảng nông lâm nghiệp đã bổ sung nguồn cán bộ còn thiếu và yếu của xã nhà nhất là trong giai đoạn đang đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, XĐGN. Chúng tôi rất vui mừng khi được đón các trí thức trẻ về làm việc trên địa bàn xã, nhờ đó mà chúng tôi học hỏi từ họ được tiếp cận nhiều kiến thức mới hơn”.
Ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch huyện Tương Dương cho biết: “Chủ trương đưa các trí thức trẻ về làm việc tại các xã nghèo miền núi, là một bước đột phá trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Huyện Tương Dương có thêm 13 cán bộ có trình độ chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau để tăng nguồn lực lãnh đạo, tuyển chọn cán bộ cho nhiệm kỳ sắp tới… Chính sách cho các đội viên tham gia dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quy định rất rõ. Trong thời gian thực hiện dự án, nếu đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong ít nhất 3 năm hoặc hoàn thành nhiệm vụ trong 5 năm thì được địa phương tiếp tục quy hoạch, bố trí sử dụng nếu đội viên đó có nhu cầu ở lại địa phương công tác, hoặc xét chuyển cho đội viên trở thành công chức và bố trí công việc tại tỉnh. Nếu đội viên không có nhu cầu làm việc tại tỉnh thì đánh giá, nhận xét về quá trình công tác của đội viên và viết giấy giới thiệu về tỉnh khác mà đội viên tới làm việc. Điều quan trọng là sự phấn đấu, sự cống hiến, trưởng thành của mỗi đội viên. Tương Dương sẵn sàng tạo điều kiện và giúp đội viên trưởng thành và cống hiến”. Đánh giá bước đầu về các phó chủ tịch xã, ông Lữ Đình Thi - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: “Đối với Quế Phong, các phó chủ tịch xã được chọn đều có chuyên môn về nông nghiệp, lâm nghiệp nên khi tiếp quản vị trí này, tất cả đều hòa nhập nhanh vào guồng máy hoạt động, kết quả bước đầu khá khả quan. Về lâu dài, huyện sẽ tiếp tục theo dõi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các phó chủ tịch xã phát triển và sẽ bố trí công việc ở cấp huyện nếu kết quả làm việc tốt”.
Dự án nhằm thực hiện 3 mục tiêu: Tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển; tạo nguồn cán bộ trẻ và góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ. Sau khi tiếp nhận, chúng tôi đã cho các em có điều kiện tìm hiểu về địa phương nơi các em về công tác, phân công cán bộ giúp đỡ, đồng thời, trong quá trình công tác sẽ có sự đánh giá để sớm bồi dưỡng đưa các đội viên đứng vào hàng ngũ của Đảng, giúp các đội viên trưởng thành nhanh hơn- đó là ý kiến của ông Bùi Trầm- Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn.
Tuy nhiên, có thể thấy, dù đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, nhưng hiện nay các tân phó chủ tịch xã vẫn chưa được nhận một khoản lương, phụ cấp nào, điều này đã khiến họ gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Theo chủ trương chung, các đội viên được hỗ trợ ban đầu 10 tháng lương tối thiểu, và cấp hàng tháng bằng 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Thế nhưng, chúng tôi được biết, tiền lương của các đội viên theo quy định là nhận tại xã, nhưng nguồn chi trả phải thực hiện theo Luật Ngân sách.
Năm 2011 và đầu năm 2012, khi các em về các xã, Sở Tài chính và Sở Nội vụ sẽ tổng hợp danh sách, báo cáo Bộ Tài chính thẩm tra và cấp theo luật. Trong khi đó, dự toán ngân sách cho năm 2012 đã được HĐND các địa phương phê duyệt từ năm 2011. Vì vậy, trong khi còn vướng mắc theo quy định, nên chăng các địa phương cần vận dụng các nguồn ngân sách khác để chi trả tiền lương cho các đội viên, có như vậy họ mới thực sự yên tâm công tác.
Ghi nhận bước đầu
Nhóm PVTS