(Baonghean) Trước thực trạng những cánh rừng đầu nguồn ở các huyện Quế Phong, Thanh Chương đang ngày đêm bị “lâm tặc” ào ào đốn hạ. Các xưởng cưa “nuốt” gỗ lậu làm gia tăng thêm nạn phá rừng, cùng sự buông lỏng quản lý của một số bộ phận chức năng đã tiếp tay cho “lâm tặc”. PV Báo Nghệ An đã có các cuộc trao đổi với các đơn vị, chủ rừng liên quan.

-->> Xem Kỳ IV: Cần có giải pháp chuyển đổi ngành nghề bền vững

Vận chuyển gỗ lậu, mọi người dân biết, chỉ… một số kiểm lâm không biết?


Khi đề cập đến vấn đề các loại xe tự do vận chuyển gỗ qua các trạm kiểm soát lâm sản trên đường Cửa khẩu Thông Thụ về xuôi, ông Nguyễn Trọng Lễ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quế Phong cho rằng: Chở gỗ về xuôi thì không có đâu, có lẽ chở về khu tái định cư thôi. Ông Lễ cũng cho rằng, khu tái định cư thì phải có xưởng cưa. Còn gỗ thì có loại vẫn được phép khai thác chứ có phải loại nào cũng trái phép đâu.

Ông Phan Thanh Quang - Trưởng BQL rừng phòng hộ Quế Phong thì thừa nhận có tình trạng lâm tặc ngày đêm tàn phá rừng. “Lợi dụng chính sách tận thu lâm sản vùng lòng hồ và cho người dân địa phương khai thác gỗ làm nhà nên người dân địa phương và một số đối tượng ở nơi khác đã vào rừng khai thác rồi trà trộn vào trong số gỗ của dân để đưa ra khỏi rừng, dù thời gian qua, lực lượng của Ban và kiểm lâm phối hợp với một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn đã truy quét quyết liệt.

778934_small_78361.jpg

Gỗ lậu chất đống bên đường Cửa khẩu Thông Thụ - Quế Phong chờ tẩu tán về xuôi.

Ông Quang không quên than thở những khó khăn như “14 lao động hợp đồng hưởng lương của đơn vị thì từ đầu năm đến giờ không có lương. Bên cạnh đó, quần áo, công cụ hỗ trợ đều rất thiếu. Nhiều lúc đi rượt đuổi lâm tặc lại bị lâm tặc rượt lại. Chúng tôi khổ lắm… chưa kể là diện tích rừng quản lý rộng (trên 50.000 ha), lực lượng mỏng, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây tỷ lệ đói nghèo rất cao, khiến công tác bảo vệ rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Hồ Văn Hải, Trưởng BQL rừng phòng hộ Thanh Chương cũng thừa nhận: Có nắm được thông tin nhưng các anh qua kiểm lâm nắm cho khách quan”. Ông Hải cũng phàn nàn nhiều khó khăn mà Ban gặp phải: “Công nhân đi làm không có đồng lương nào cả. Chúng tôi quản lý gần 14.000 ha rừng, kéo dài theo đường biên giới, chuyển từ lâm trường sang nên lực lượng quá đông nhưng tự trang trải là quá lớn, đồng bào dân tộc di cư về nên tình hình trên địa bàn phức tạp…Ông Hải khoe, trong thời gian vừa qua, BQL rừng phòng hộ đã phát hiện được nhiều vụ vi phạm lâm luật. Tuy nhiên, thông tin cụ thể là rừng bị chặt phá ở các tiểu khu nào thì anh Hải bảo đang bận họp và tắt máy.

Còn ông Nguyễn Thế Thành - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Thanh Chương thừa nhận có hiện tượng lâm tặc vào rừng khai thác gỗ. Tuy nhiên, ở Thanh Chương không có mấy…”. Rồi ông Thành từ chối cung cấp thông tin vì … kiểm lâm là nghề nhạy cảm.

Chúng tôi đã 2 lần gọi điện thoại xin phép được phỏng vấn ông Lê Cao Bính - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm về công tác bảo vệ rừng nhưng ông Bính từ chối vì mắc đi công chuyện và bận họp.

Cần “thanh lọc” những “con sâu” khoác áo bảo vệ rừng

Sau vụ kiểm lâm “nhúng chàm” ở Khu BTTN Pù Huống thì hiện nay “máu rừng” vẫn đang tiếp tục chảy và chảy rất mạnh. Gỗ lậu vận chuyển về xuôi bằng đủ hình thức, xe máy, xe máy lôi, xe tải, xe khách, đóng bè trôi sông… Một nghịch lý là, gỗ lậu không phải là loại khó phát hiện nhưng vẫn chui được qua những “lỗ kim” để rồi “lọt ” qua hàng loạt chốt trạm dày đặc của cơ quan chức năng liên quan. Có thể kể đối với địa bàn Quế Phong, tại xã Thông Thụ có Trạm Biên phòng Thông Thụ, Trạm Bảo vệ rừng Đồng Văn; tại xã Hạnh Dịch có Đồn Biên phòng Hạnh Dịch. Trên QL 48 có Hạt Kiểm lâm Quế Phong, Trạm Kiểm lâm cơ động rừng Lát (Quỳ Châu), Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu, Hạt Kiểm lâm Nghĩa Đàn, Hạt Kiểm lâm Thị xã Thái Hoà. Đặc biệt là Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 3 chốt chặn điểm cuối cùng trên QL 48 ở Tuần - Quỳnh Lưu. Tuy nhiên, hàng ngày khá nhiều xe ô tô khách “nhét” gỗ lậu vào gầm xe ngang nhiên chạy qua các Đội Kiểm lâm cơ động này. Đối với rừng Thanh Chương, tại các cửa rừng đều có trạm chốt, như ngay tại cửa rừng Thanh Thuỷ có Trạm Kiểm soát lâm sản Thanh Thuỷ, tại Ngọc Lâm có Trạm QLBVR Khe Máng.

Tham gia vào việc phá rừng, ngoài “lâm tặc” còn có sự tiếp tay của một bộ phận lực lượng kiểm lâm. Như trong năm 2011, đã xử lý 8 cán bộ công chức kiểm lâm vi phạm (1 hạt trưởng và 7 kiểm lâm viên), trong đó chuyển 1 công chức kiểm lâm vi phạm pháp luật để cơ quan công an xử lý. Tiếp theo các vụ kiểm lâm bị bắt hoặc bị xử lý kỷ luật ở Quế Phong 2 người, Đô Lương 1 người, một số kiểm lâm đã bị khởi tố. Từ đầu năm 2012 đến nay, danh sách cán bộ công chức kiểm lâm vi phạm pháp luật lại dày thêm. Ngày 14/4, cơ quan cảnh sát điều tra quyết định khởi tố bị can Lê Quang Thắng là Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đô Lương về tội nhận hối lộ. Một số cán bộ kiểm lâm ở Quế Phong bị xử lý kỷ luật vì để xẩy ra tình trạng khai thác rừng trái phép ở vùng tái định cư Thuỷ điện Hủa Na… Bên cạnh đó, một số chủ rừng (Ban quản lý rừng phòng hộ hoặc nông - lâm trường) cấu kết phá rừng, khiến cuộc chiến bảo vệ rừng càng thêm phức tạp. Một thực tế đặt ra hiện nay là lực lượng kiểm lâm đang rất mỏng, một bộ phận phẩm chất kém, chưa kể là trang thiết bị cho đấu tranh bảo vệ rừng kém, trong khi phải đối mặt với lâm tặc nguy hiểm.

Để những cánh rừng mãi xanh tươi, rất cần tuyên dương, đãi ngộ xứng đáng những tấm gương đẹp về lực lượng kiểm lâm không quản gian khổ hiểm nguy bảo vệ rừng, thậm chí phải đổ máu hi sinh tính mạng vì rừng. Nhưng cũng cần phải mạnh tay “thanh lọc” loại khỏi hàng ngũ những “con sâu” trong lực lượng kiểm lâm “bắt tay” với “lâm tặc” để phá rừng.


Nhóm Phóng Viên