(Baonghean) - Một năm học mới lại đến trong sự háo hức, mong chờ của học sinh thì nhiều bậc phụ huynh lại đối diện với hàng trăm nỗi lo về học phí, quần áo, sách vở, dụng cụ học tập… của con em. Dẫu vậy, họ vẫn cố gắng dè sẻn, gồng gánh để con em mình viết tiếp ước mơ. 

Chợ Phủ Diễn (xã Diễn Thành - Diễn Châu) những ngày này không khí mua sắm dường như sôi động hơn, nhất là ở khu vực bán quần áo, giày dép và đồ dùng thiết bị trường học. Loay hoay mãi trước quầy hàng bán cặp sách, chị Phạm Thị Tâm (ở xóm 8 - xã Diễn Trung) vẫn đắn đo chưa mua chiếc cặp cho cô con gái út. Dù là hàng gia công nhưng chiếc cặp này có giá đến 120.000 đồng, trong khi chị còn phải sắm nhiều thứ khác cho các con bước vào năm học mới. Vợ chồng chị đều làm nghề nông, thu nhập chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng và hơn 1 sào đất màu. Nhà chị, 3 đứa con đều đang đi học, đứa lớn năm nay vào lớp 10, đứa thứ 2 lên lớp 7 và đứa thứ 3 lên lớp 4. Vui vì các cháu đều chăm ngoan, học giỏi, nhưng mỗi dịp vào năm học mới là vợ chồng chị lại chồng chất nỗi lo với khoản tiền mua sắm sách vở, nộp các khoản đóng góp cho con. "Riêng tiền sách vở, áo quần cho con vào năm học mới đã "ngốn" hết số thóc cả nhà cày cuốc một vụ trên gần 2 sào ruộng khoán. Đó là chưa kể các khoản thu khi đi họp phụ huynh đầu năm học nhà trường sẽ công bố. Thú thật, để lo được cho 3 đứa ăn học hết sức vất vả…” - chị Thành chia sẻ. 
images1371030_20150816_074814.jpgChọn mua cặp sách tại Trung tâm phát hành sách Nghệ An (TP. Vinh).
Chị Nguyễn Thị Hoa (xã Hưng Thắng - Hưng Nguyên) cho biết: Con trai lớn của chị năm nay lên lớp 5, còn cháu thứ hai lên lớp 2. Các khoản chi đầu năm học mới luôn là nỗi lo canh cánh. Với mức thu nhập từ nghề đi phụ hồ cho các công trình của cả 2 vợ chồng chị mỗi tháng được khoảng hơn 4 triệu đồng. Với số tiền trên cũng vừa đủ trang trải chi tiêu cho gia đình 4 người. Nhưng năm học mới đến, khoản tiền đó cũng không thấm vào đâu khi phải lo cho các con đến trường. Các khoản như tiền trang bị cơ sở vật chất, tiền bảo hiểm y tế, tiền hội phụ huynh học sinh cùng nhiều khoản phụ phí khác. Tính riêng những khoản tiền này thì không nhiều, nhưng nếu cộng dồn nộp một lúc thì cũng là đáng kể.
 
Đối với người dân nông thôn, để lo cho các con được đến trường, nhiều gia đình phải chắt chiu, dành dụm bán lúa, ngô; lợn, gà… với mong muốn cho con được “bằng bạn, bằng bè”, học lấy cái chữ để sau này “khỏi khổ giống bố mẹ”, để thoát cảnh “chân lấm tay bùn”. Và đó cũng là nỗi lo thường trực đối với những gia đình công nhân thu nhập thấp. Chị Hoàng Hà - công nhân may Công ty C20, có hai con đang học Trường THCS Hưng Lộc (TP. Vinh) than thở: “Đầu năm học trước, cộng tất cả các khoản đóng góp tôi phải nộp gần 2 triệu đồng cho các cháu. Năm nay chưa biết sẽ phải đóng bao nhiêu, nhưng mới mua 2 bộ sách giáo khoa cơ bản cũng đã tiêu tốn hơn 800.000 đồng... Làm cha mẹ, ai cũng muốn con mình được bằng bạn bè, nhưng kinh tế gia đình không cho phép. Để giảm chi phí trong một thời điểm, năm học này tôi tính chỉ mua sách giáo khoa, bút, vở, còn những đồ dùng học tập khác, cặp sách, quần áo thì tạm thời chưa mua, sử dụng lại đồ cũ để đỡ chi phí”.
 
Năm nay, giá bán sách giáo khoa, thiết bị trường học nhìn chung không biến động so với năm trước. Nhưng ước tính, để mua sách, vở, các đồ dùng thiết yếu phục vụ việc học bình quân mỗi gia đình phải tiêu tốn từ 400.000 - 500.000 đồng cho một học sinh. Đó là chưa kể tới việc mua sắm quần áo, giày dép mới để các cháu đến trường với niềm vui trọn vẹn trong năm học mới. Chị Lê Hồng Minh (xóm Hòa Tiến - xã Hưng Lộc) có con trai học lớp 6 rầu rĩ: “Tôi làm nghề tự do, ai thuê gì làm nấy, khi không có việc thì đi thu mua sắt vụn, giấy loại mỗi tháng thu nhập khoảng 2 triệu đồng, phải tằn tiện chi tiêu thì hai mẹ con mới đủ đắp đổi qua ngày. Chuẩn bị cho năm học mới, tôi cũng chỉ mua được cho cháu những loại sách vở, đồ dùng học tập cần thiết. Khi vào năm học, nhà trường thu các khoản phí khác, có lẽ phải nhờ vay mượn người thân, rồi từ từ trả sau... Gia cảnh nghèo khó, lo được cho con đến đâu hay đến đó vậy”.
 
Nhưng điều khiến phụ huynh học sinh lo lắng nhất chính là các khoản thu được cho là “tự nguyện”. Thực tế, vào đầu năm học mới, Sở Giáo dục - Đào tạo cũng có các văn bản quy định cụ thể và hướng dẫn về các khoản thu, song một số trường chưa công khai danh mục các khoản thu khác ngoài học phí, không làm rõ những khoản thu bắt buộc và tự nguyện cũng như thu hộ. Việc sử dụng các khoản thu cũng chưa được minh bạch, công khai mà chỉ được liệt kê chung chung. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh bày tỏ ý kiến mong các trường học cần công khai và cụ thể với các khoản thu đó, tránh tình trạng lạm thu, loạn thu luôn là gánh nặng cho các gia đình mỗi khi vào năm học mới.
 
Mùa tựu trường đang đến gần. Mặc dù vẫn biết gánh nặng đầu năm của phụ huynh có con đi học là lẽ đương nhiên. Để giúp phụ huynh “nhẹ gánh” trong việc lo tiền mua sắm, các khoản đóng góp, mong rằng, ngành Giáo dục cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc quản lý các khoản thu đầu năm.
 
Ngọc Anh