(Baonghean) - Với sự đam mê và trân trọng giá trị đặc sắc của văn hoá quê hương, cả 4 người trong gia đình ông Phạm Tài Khoản đã miệt mài tạo dựng để ca trù còn mãi với thời gian. v
xCa trù chảy trong huyết quản
Ca trù du nhập vào Diễn Châu từ rất sớm. Tuy nhiên theo thời gian, ca trù có lúc bị lãng quên, nhưng với sự đam mê và trân trọng giá trị đặc sắc của văn hoá quê hương mà cả 4 người trong gia đình ông Phạm Tài Khoản ở xóm 10, xã Diễn Yên đã miệt mài tạo dựng để ca trù còn mãi với thời gian.
10 tuổi, ông Khoản đã được nghe ông bà, bố mẹ hát ca trù, ông lại là người hát hay và mê ca hát nên không biết từ bao giờ, ca trù đã ngấm dần vào tâm khảm. Ở đâu đó, ca trù đã trôi vào dĩ vãng, nhưng với gia đình ông, mạch sống của thể loại âm nhạc đặc biệt này vẫn luôn được duy trì bằng tình yêu, sự đam mê kỳ diệu.
Tình yêu ấy như được tiếp thêm động lực khi ông được cử đi học lớp đào tạo đàn và ca nương 3 tháng. Ông Khoản tâm sự: “Ca trù ở đây do dòng họ Trần thành lập, đứng đầu là ông Trần Mập - một quản giáp nổi tiếng ngự giáo phường (tức là phường ca trù hát ở cung đình). Từ đó sinh ra một dòng họ cầm ca lừng lẫy, sắc vua ban tới tước Hầu. Hiện nay, nhà thờ họ Trần vẫn còn lưu giữ 12 đạo sắc Vua phong cho các quản giáp tài ba của dòng họ.
Đình Cháy là một trong những “nhân chứng” còn lại của giáo phường xưa. Nơi đây nhiều năm về trước đã từng vang lên tiếng đàn, tiếng hát của các đào kép trong các dịp tế thần, thánh, thăng quan tiến chức, giao lưu giữa các giáo phường đại hàng Cổ Đạm (Hà Tĩnh), đại hàng Cát Ngạn, đại hàng Kẻ Gám... Tại đình còn lại 3 chữ: Chiêu kỳ văn (nghĩa là họp lại để sinh hoạt văn hoá).
Ca trù thấm đẫm trong huyết quản của ông Phạm Tài Khoản từ rất sớm, thế nhưng để lan toả tình yêu ca trù đến với mọi người là chuyện không đơn giản. Ban đầu, ông Khoản vận động vợ con trong gia đình trước. Lâu dần, mọi người còn “say” ca trù hơn cả ông.
Ngồi cạnh chồng, bà Lê Thị Phùng - vợ ông Khoản hồ hởi tiếp lời: “Nghe bà cố 90 tuổi đi tham gia gánh hát đại hàng Kẻ Lứ hát bài “Hồng hồng tuyết tuyết”, tôi tưởng đó là bài hát ru, lập tức dã thấy mê, càng ngày càng nghe càng thích, càng mê say, sau này mới biết đó là bài hát ca trù nổi tiếng, từ đó trở đi tôi cũng tập hát”.
Tiếp đó, ông bà lại vận động con trai, con dâu cùng tham gia “gánh hát gia đình”. Hình ảnh chồng đánh trống, vợ và con dâu cất tiếng hát, còn con trai nhịp nhàng tấu đàn đã trở nên quen thuộc với người dân Diễn Yên.
Khi cả gia đình đã đàn hát thành thạo, ông Khoản mạnh dạn tham mưu với ban văn hóa xã vận động những người có năng khiếu để thành lập CLB ca trù, nhằm khôi phục môn nghệ thuật truyền thống của quê hương.
Sứ mệnh lan tỏa
Ca trù không phải là loại hình dễ học, dễ thuộc, yêu cầu phải có năng khiếu và trên hết là lòng đam mê. Việc “truyền nghề” của gia đình ông Khoản cũng lắm gian nan, có lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc nhưng tâm nguyện muốn giữ lại nghề tổ cho đời sau đã giúp vợ chồng ông vượt qua tất cả.
Với niềm say mê và sự kiên trì của mình, ông bà đã nhen nhóm và thành lập được câu lạc bộ với sự tham gia của 4 ca nương, 3 kép đàn.
Bà Hạnh, một thành viên câu lạc bộ ca trù chia sẻ: “Hồi xưa, tôi cũng không thích ca trù đâu, sau được anh Khoản đến động viên, rồi chị Phùng nhiệt tình bày hát, đánh phách nên dần dần cũng thấy ca trù hay, hát nhiều, nghe nhiều thấy như ngấm vào máu thịt. Bây giờ tôi vận động cả chồng cùng tham gia câu lạc bộ, anh ấy rất thích và thường là người đệm đàn cho tôi hát”.
Tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011, gia đình ông Khoản đảm nhiệm một tiết mục hát nói được khán giả đánh giá cao. Tại liên hoan này, anh Phạm Tài Bá - con trai ông bà là một kép đàn đã vinh dự nhận giải tài năng trẻ, đem niềm vui về cho cả huyện, cả tỉnh.
Từ niềm say mê và sự nỗ lực vận động của gia đình ông Khoản mà đến nay, xã Diễn Yên đã thành lập được CLB ca trù với 8 thành viên độ tuổi từ 20 đến 60, hoạt động đều đặn và chất lượng.
Ông Trần Cảnh Yên - Chủ nhiệm CLB ca trù Diễn Châu cho biết: “Đối với gia đình có 2 thế hệ hát ca trù đam mê như gia đình ông Khoản là rất hiếm có. Gia đình ca trù nàyh còn hát được nhiều thể loại, có thể đảm nhiệm được trọn vẹn một tiết mục như tiểu hàng ca trù ngày xưa”.
Đại hàng Kẻ Lứ đã đi vào dĩ vãng nhưng bằng tấm lòng nhiệt huyết của gia đình ông Phạm Tài Khoản đã góp phần gìn giữ làm “sống lại” bộ môn nghệ thuật truyền thống của cha ông.
Mai Giang
TIN LIÊN QUAN |
---|