(Baonghean) - Những người đàn bà mặc áo xanh ngồi nhìn ra bùng binh “Tam giác quỷ” từ bao giờ, tôi cũng không biết rõ. Xưa có thời ở nhà tập thể Quang Trung, sáng dậy theo ông đi tập thể dục đã thấy họ ngồi chầu chực ở đó. “Ai thế hả ông? - Các bà, các cô cửu vạn đấy cháu ạ”. Tôi reo lên đắc thắng: “Giống như quân cửu vạn trong bộ lèo mà ông hay chơi chắn phải không ông? Quân cửu vạn vẽ hình ông người vác bao hàng trên vai ông nhỉ?...”.
Hôm nay trời oi bức quá. Đã thế lại chẳng có ai đến thuê việc gì. Phàm người ta có việc thì dù nắng bể đầu cũng cứ vui phơi phới, bằng không cứ thấy thời tiết sao mà bức bí, ngột ngạt kiểu gì! Một bà lôi đùm ổi với con dao con ra, cặm cụi gọt. Quả ổi hãy còn ương, gọt mãi không xong, cơ man nào là vỏ vụn như ông thợ mộc bào gỗ.
Mấy bà còn lại bày mấy cái cốc nhựa ra đất, đoạn lôi từ trong chiếc thúng con ra một cái bọc gì kín mít. Lần giở 5, 7 lượt bao, thì ra là một chai nước. “Bọc kín hè, nhà mệ ni sướng có tủ lạnh được uống nước đá bay ạ”, bà-gọt-ổi ngừng gọt, xuýt xoa nhìn những cốc nước vừa rót đã thấy hơi bám trên thành cốc. “Lắm chuyện, gọt nhanh để ăn đi mệ nớ! - Thì từ từ, mệ mô cho con dao cùn đạ gớm, mà vội làm chi, việc thì không có!”. Mấy bà kia im lặng không nói gì, một bà giở nón ra quạt vài ba quạt, chán chường nhìn toà nhà cao tầng đang thi công ở phía bên kia đường. Tất nhiên, những người đàn bà cửu vạn biết chẳng bao giờ họ lọt được vào những công trình lớn như thế. Vả chăng, bây giờ làm gì có việc to, việc nhỏ? Có việc hoặc không có việc. Mà thường là không, bởi người ta đã có máy móc hiện đại, chạy ro ro nhanh ơ, chứ mấy khi cần đến dân cửu vạn?
Họ im lặng, rệu rạo cắn từng miếng ổi cứng, khô không khốc. Cái thứ ổi nhạt phèo, ăn như ăn khoai sống, có lẽ vì thiếu bàn tay người chăm bón. Những bàn tay suốt đời chỉ đào, xúc, gánh, gồng, chắc chẳng bao giờ có thời gian và hơi sức để chăm lo vườn tược. Ấy thế mà những quả ổi xanh lè cũng được mấy bà chia nhau ăn hết, lại thêm mấy cốc nước chè xanh, thế là ngang bụng!
Một ông xe ôm vè vè lướt qua, tấp lên vỉa hè, nhìn đống vỏ ổi tiếc rẻ: “Mấy mệ ni hư ăn thôi rồi, vừa có khách chạy đi một lát mà ăn hết cả đùm ổi, không chừa cho người ta miếng mô!”. Nói rồi ông nằm vắt chân lên tay lái, rút bao thuốc bẹp dúm ra, chậm rãi hút một điếu vẻ dè sẻn. Một người đàn ông phanh xe “kít” một cái, điệu bộ dò hỏi. Mấy bà đang ngồi nói chuyện phiếm, đứng bật cả dậy, hớn hở: “Việc chi đó chú ơi? - Chị cho em hỏi chợ Vinh đi đường mô ạ? - Đi lại đèn xanh đèn đỏ, rẽ trái là thấy!”. Ông xe ôm nhìn mấy người đàn bà thất thểu đi vào, châm chọc: “Làm việc thì không làm, mấy mệ ni toàn ngồi đây làm từ thiện!”. Một bà lườm sắc lẻm, bật lại: “Hỏi đường choa là đúng rồi chi nữa, đến cảnh sát cũng không thạo đường như choa mô”.
Ông xe ôm không buồn trả treo, cười hề hề, nhả một hơi khói dài khoái trá. Lại một chiếc xe nữa đỗ xịch bên đường, mấy người đàn bà ùa ra, khấp khởi mừng rỡ. Hai người phụ nữ to béo đẫy đà nhìn khắp một lượt, ông xe ôm bây giờ cũng nhổm dậy khỏi chiếc xe máy cà tàng, mon men đến nhập hội. Hai người phụ nữ nói câu gì không nghe rõ, rồ ga phóng đi. Ông xe ôm lật bật tròng mũ bảo hiểm lên, không kịp cài khuy đã vào số chạy vè vè, vẫy tay ra hiệu cho nhóm xe ôm cách đó một quãng. Một bà không kịp chạy ra, hớn hở hỏi: “Việc chi rứa bay? - Thuê đàn ông thôi, bốc sắt! - Bốc sắt à? Ta có mần được không? Sắt to hay sắt nhỏ?”. Không ai buồn trả lời, bà chán chường kéo ghế con ra ngồi, chống cằm nhìn dòng xe cộ.
Một chốc, nắng lên. Nhóm người thất thểu kéo ghế chạy theo bóng nắng, dời mấy chiếc xe đạp vào bóng râm kẻo nắng chiếu thiu mất cặp lồng cơm trưa. Cũng chẳng có gì, chỉ cơm với rau và cà, sáng dậy nấu vội. Họ ăn vội vàng, qua quýt như thể không có thời gian, rồi lại ngồi túm tụm, hóng một chiếc xe nào đó tách ra khỏi dòng xe cộ và đoái hoài đến họ.
Những người đàn bà “cửu vạn” ngồi chờ việc.
Cuộc đời qua con mắt họ như cuốn băng tua vội, chỉ thấy những chiếc xe lạnh lùng phóng qua trước mắt nhạt nhoà không rõ hình thù và màu sắc trong một vòng xoáy luẩn quẩn. Họ cứ ngồi nhìn trời, nhìn đất, nhìn nắng, nhìn mưa, rốt cuộc đừng hỏi họ thấy gì vì sẽ là vô ích. Hoặc giả họ nhìn cuộc đời qua một lăng kính khác. Ví dụ như họ cứ mong trời thật là nắng, để người ta không tự làm được mà phải thuê cửu vạn.
Hoặc họ thích những người chủ nghèo hơn là chủ nhà giàu, vì “nhà nghèo họ thương”, lo nước nôi và trả tiền hậu, còn những nhà giàu chính ra lại rất khắt khe, hay yêu cầu hạch sách, mà lúc trả tiền công lại khó chịu như thể người ta lấy không của mình.
Tất nhiên cũng có những lúc đầu óc họ tạm xa những gánh đất, đá, đấy là lúc họ nghĩ về đứa con học xong cấp 3 rồi sẽ làm gì? Làm đầu, buôn bán nếu là con gái, xe ôm, thợ xây nếu là con trai? Nhưng nhất nhất phải cố để nó không phải đi làm cửu vạn như mẹ nó! Muốn cho nó đi xuất khẩu lao động để thoát ly khỏi cái xóm nghèo muôn đời làm nghề cửu vạn này nhưng lấy đâu ra tiền bây giờ? Lấy đâu ra tiền? Họ thảng thốt nghĩ đến buổi chợ chiều, lần mò những đồng tiền còm cõi cả ngày trời vẫn y nguyên không mảy may suy chuyển.
Họ bối rối nghĩ đến đứa cháu chờ bà về, khổ thân nó, cả đời có bao giờ được bà mua cho cái quà, cái bánh? Và họ cầu khấn bằng tất cả lòng nhiệt thành rằng chồng, con họ hôm nay tìm được việc gì đó để bữa cơm chiều có mùi thịt, cá và tạm yên tâm về bữa cơm ngày mai. Họ ngồi bên lề cuộc đời, chờ đợi, hy vọng, thất vọng, lo âu như thế là hết một ngày trời. 4 giờ chiều, vẫn không có ai đến thuê làm việc, họ lục tục rủ nhau ra về, những chiếc gióng gánh kêu cót két đầy buồn thảm theo mỗi vòng quay của chiếc xe đạp cà tàng.
Những bóng người đội nón, khom lưng đạp xe đổ dài xuống mặt đường nhựa nóng bỏng. Ngang qua một đám cốt-pha người ta thải ra, họ dừng lại, nhặt nhạnh chất lên xe, rồi thất thểu đi tiếp. Họ dừng lại ở cổng chợ Đông Vĩnh, xếp xe thành hàng ngay ngắn rồi ùa vào chợ.
Thoáng cái, khu chợ nhỏ đầy những bóng áo xanh. Trông họ như toán lính đội nón đi tuần, có điều ít ồn ào và trông có vẻ gì khắc khổ. Họ túa đi khắp nẻo, người mua cá, thịt, người mua rau, lại có mấy bà xúm vào cặp lồng lòng lợn luộc nóng hổi, ngần ngừ chốc lát trước khi tặc lưỡi mua 10 nghìn bạc. Thoáng qua, cứ cho rằng họ mua bán rất hoang, vì không thấy cò kè ngã giá gì mấy.
Mua cá cho bữa chiều.
Thật ra họ không dám nấn ná lại lâu, nói thách thì họ lỉnh đi, thuận mua thì họ cẩn thận rút những tờ tiền được xếp phẳng phiu ra khỏi ví - tận dụng từ một bao đựng giấy ăn cũ. Nhoằng một cái, “tiểu đội” áo xanh “tập kết” ở cổng chợ, chiếc ghi-đông bây giờ lủng lẳng những bao cá, rau, thịt, lòng - mỗi thứ một nhúm - bên cạnh bao đựng thuốc cảm và những thứ linh tinh mà họ mang theo từ sáng.
Họ cần mẫn đạp xe đi mãi qua Trạm điện Hưng Đông. Họ đi qua những cánh đồng lúa đã bắt đầu chắc hạt - những cánh đồng của dân mạn xóm trên - còn họ, chỉ mảy may khoảng đất vốn để làm lò gạch, toàn hang hốc, ao bãi mà họ cứ lấp dần, tự đổ táp-lô xây nhà. Họ nối đuôi nhau đi trên con đường vào xóm nhỏ, người trẻ nối người già, con gái, con dâu nối mẹ đẻ, mẹ chồng - nào ai phân biệt được, chỉ thấy muôn đời bóng áo xanh và chiếc nón nhấp nhô.
Ông tôi mất đã hơn chục năm rồi. Nếu ông còn sống, có lẽ tôi sẽ khiến ông phải lặng thinh một trưa hè, tôi đem quân cửu vạn trong bộ bài chắn của ông ra mà chất vấn. “Ông xem, rõ ràng toàn đàn bà đi làm cửu vạn, mà họ đi xe đạp, lỉnh kỉnh nào gióng, nào gánh, nào sảo, nào thúng chứ có đi bộ, vác lên vai như thằng người trong quân bài đâu?”. Tôi sẽ bắt ông phải lục lại những câu chuyện thần thoại về những ông khổng lồ, bà khổng lồ gánh đá vá trời, chống trời, để xem lưng họ có còng, vai họ có ngang như những người đàn bà cửu vạn của xóm Mai Lộc ấy? Tôi sẽ hỏi ông rằng, khi đi ngang qua một căn nhà xây dở, hay một đống đất, sỏi, ông có nghe thấy lời gạch, đá ngân nga kể rằng chúng là con của những người “cha xích lô 3 bánh, mẹ gióng gánh cả ngày”? Bởi vì tôi, trong một buổi chiều đi giữa đoàn người áo xanh ấy, đã thấy hình hài của đất, nước trong những chuyến gánh gồng.