(Baonghean) - Trong 10 ngày qua, đã có 8 thuyền viên người Việt Nam đi xuất khẩu lao động làm việc trên các tàu cá xa bờ của Đài Loan nhảy xuống biển, bỏ trốn. Trong số này có 6 người Nghệ An, Hà Tĩnh 1 người và 1 ở Khánh Hòa. Rất may là các lao động đã được cứu sống, song đây có lẽ không phải là giải pháp hay bởi việc này không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà còn vi phạm luật lao động.
Có hiện tượng lao động bị ngược đãi?
Rạng sáng (20/8), 4 thuyền viên quê ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu nhảy xuống biển bỏ trốn khỏi tàu cá Đài Loan là: Lê Đức Chính (22 tuổi), Đào Ngọc Trung (27 tuổi), Trần Văn Dương (21 tuổi) và Hồ Thanh Tùng (30 tuổi) đã về đến nhà. Vẻ mệt mỏi sau hành trình dài từ Panama về Việt Nam, anh Đào Ngọc Trung, trú tại thôn Đại Hải, xã Quỳnh Long, cho biết: Tháng 6/2012, anh nộp 11,5 triệu đồng cho môi giới để đi xuất khẩu lao động, làm thuyền viên trên tàu cá Đài Loan có tên Cheng Cheng Shipping đi đánh cá ngừ đại dương. Trên tàu có tất cả 25 người, trong đó có 4 người Việt Nam, 16 người Philippines, 1 người Indonesia và 4 người Trung Quốc. Sau khi xuất bến tại cảng cá ở châu Phi, con tàu này bắt đầu hành trình đi đánh cá ngừ. Nhiệm vụ của anh Trung là đầu bếp, 3 thuyền viên người Việt Nam còn lại là làm mồi, buông câu và lấy câu, ướp cá ngừ. Người có thời gian làm việc lâu nhất là hai chú cháu Đào Ngọc Trung và Trần Văn Dương (14 tháng), 2 người còn lại mới lên tàu được 9 tháng.
Đêm 14/8, khi tàu cá này cập cảng ở kênh đào Panama, nhân lúc không có ai để ý, cả 4 người đã dùng can nhựa và áo phao nhảy xuống biển bơi vào bờ. Sau nhiều giờ lênh đênh giữa biển thì 4 người phát hiện một chiếc cọc tiêu phân luồng. Cả 4 liền bơi lại phao, thay nhau nằm nghỉ và chờ đợi. 6h sáng 15/8, các thuyền viên phát hiện có tàu hải quân đi tuần tra liền ra hiệu xin cứu. Thuyền viên Đào Ngọc Trung cho biết, sau khi được Hải quân Panama đưa vào bờ, cả 4 người được đưa đi khám bệnh và được cán bộ Đại sứ quán Việt Nam đến giúp đỡ, mua quần áo, thức ăn và liên hệ với chủ tàu mua vé máy bay để về nước.
Trước đó, trưa ngày 8/8, 4 thuyền viên người Việt Nam trên tàu cá Đài Loan đang đánh bắt xa bờ cũng ôm phao bơi nhảy xuống biển và được Cảnh sát biển của Pháp cứu sống. Trong số 4 thuyền viên nhảy trốn, có 2 người Nghệ An là Hoàng Văn Hậu trú tại bản Hạnh Tiến, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu và Trần Văn Dũng, trú tại xóm 5, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu.
Các thuyền viên kể lại hành trình nhảy tàu, trốn về nước.
Khi về đến nhà, anh Đào Ngọc Trung (27 tuổi) ôm chầm lấy vợ con, không cầm được nước mắt kể về chuyến đi biển vất vả, khó khăn của mình. Trước khi lên tàu cá Đài Loan mang tên Cheng Cheng Shipping, anh Trung từng 3 lần đi làm thuyền viên cho tàu cá Đài Loan. Những lần trước, chủ tàu và các tàu trưởng đối xử rất tốt, môi trường làm việc không quá khắc nghiệt và anh đều hoàn thành hợp đồng một cách nghiêm túc rồi mới về nước.
Là người có vốn tiếng Trung khá nên anh Trung thường được thuyền trưởng giao nhiệm vụ làm đầu bếp. Đợt đi xuất khẩu lao động này cũng không ngoại lệ, đầu bếp như anh Trung được chủ tàu Cheng Cheng Shipping trả lương 500 USD/tháng, thuyền viên làm việc lâu, giỏi nghề được trả 450 USD, còn thuyền viên mới sang được khoảng 400 USD, hàng quý hoặc hàng tháng, công ty môi giới xuất khẩu lao động sẽ chuyển lương về cho người thân ở Việt Nam. Trên tàu cá Cheng Cheng Shipping, anh Trung cho biết, các thuyền viên bị đối xử rất tệ, nhất là chế độ ăn uống và thời gian làm việc. “Là đầu bếp nhưng em được giao cá làm mồi câu hoặc mực đã ươn nát trong kho để nấu cho thuyền viên ăn, thỉnh thoảng mới có thịt đông lạnh nhưng rất hiếm. Mỗi khi đến giờ ăn, ai cũng lắc đầu ngao ngán”, anh Trung kể. Thuyền viên Trần Văn Dương cho biết, mỗi ngày, họ phải thức dậy từ lúc mờ sáng, làm việc quần quật liên tục khoảng 16 – 18h trong khi chế độ ăn uống quá cực khổ.
Nếu như 4 thuyền viên người Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) trên tàu cá Cheng Cheng Shipping giải thích nguyên nhân khiến họ nhảy xuống biển để trốn thoát là do thời gian làm việc quá vất vả, khẩu phần ăn khắc khổ thì các thuyền viên nhảy xuống vùng biển nước Pháp để trốn là do bị đánh đập, ngược đãi một cách rất thậm tệ, họ phải tự nhảy xuống biển để tự cứu lấy mình.
Vừa nguy hiểm, vừa vi phạm pháp luật
Nghệ An là địa phương có số lượng lao động đông đảo đang làm việc trên các tàu cá của nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đa số các lao động đi xuất khẩu lao động trên tàu cá là những thanh niên vùng biển các huyện Nghi Lộc (nhiều nhất ở các xã Nghi Thiết, Nghi Tiến, Nghi Quang), Quỳnh Lưu (nhiều nhất ở các xã Sơn Hải, Quỳnh Long, Quỳnh Tiến, Quỳnh Phương) và một số xã, phường của huyện Diễn Châu và Thị xã Cửa Lò. Hầu hết là các lao động nghèo, không có tiền để mua sắm tàu cá đánh bắt trên biển quê hương. Hàng tháng hoặc hàng quý, người thân ở nhà nhận tiền lương từ 5 – 7 triệu đồng/tháng.
Mấy năm trước, nổi lên tình trạng các tàu cá có người Việt làm việc bị bắt cóc, bị bão đánh chìm. Thời gian gần đây, lại xẩy ra tình trạng lao động bị ngược đãi phải nhảy xuống biển để bỏ trốn khiến người thân ở nhà hết sức lo lắng. Ông Trần Quang Vệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho biết, tại xã có khoảng 750 người đang đi xuất khẩu lao động, cách đây gần 1 năm đã có 2 thuyền viên người trong xã cũng nhảy xuống biển ở Hàn Quốc, đến nay địa phương và gia đình vẫn chưa xác minh được thông tin.
Ông Vệ cho rằng, việc những thuyền viên cho rằng mình bị ngược đãi, bị đánh đập, làm việc quá hà khắc, ăn uống cực khổ nên đã nhảy tàu về nước không phải là một việc làm đúng đắn, chín chắn và thông minh. Nếu gặp trường hợp như vậy, các thuyền viên có thể tìm cách liên lạc với công ty cung ứng lao động ở đất liền để thông báo tình hình, có thể liên lạc với gia đình, địa phương để tìm cách giúp đỡ. Khi nhảy xuống biển, đồng nghĩa với việc các thuyền viên chỉ có hai con đường, hoặc chết, hoặc sống, điều này hết sức nguy hiểm. Không chỉ nguy hiểm đến tính mạng, việc các thuyền viên nhảy xuống biển để trốn thoát khỏi tàu cá là việc làm vi phạm luật lao động, vi phạm hợp đồng.
Một số trường hợp, nếu không có sự can thiệp, giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam ở các nước, những lao động này thậm chí có thể sẽ bị phạt tù, bị đưa vào các trại tị nạn. Khi đã trở về được nhà, họ sẽ đối mặt với những rủi ro, thậm chí có thể bị chủ lao động kiện và chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đòi quyền lợi của mình, bởi các lao động khi bỏ trốn đều đang bị chủ tàu nợ tiền lương...
Một thực tế không thể phủ nhận là, những người đi xuất khẩu lao động, làm thuyền viên trên các tàu cá nước ngoài đều có sức khỏe tốt, giỏi nghề biển nhưng trình độ học vấn thường không cao, nhiều người trong số họ chưa tốt nghiệp THPT, không thành thạo ngoại ngữ và đi theo các công ty môi giới. Trước khi lên tàu cá, nhiều người đã không được trang bị các kỹ năng về ứng xử, về ngoại ngữ cũng như một số kiến thức về văn hóa của các quốc gia sử dụng lao động, về môi trường làm việc để những lao động này có thể ứng phó được trong các tình huống bất trắc. Đây chính là trách nhiệm của các công ty môi giới, công ty cung ứng xuất khẩu lao động.
Đối với những người đi xuất khẩu lao động trên bờ, làm việc trong các công ty, các phân xưởng, trước khi lên máy bay, họ được trang bị khá tốt về kỷ luật lao động, về giờ giấc nhưng khi làm việc trên các tàu cá có những đặc thù riêng về thời gian, về môi trường, về cơ hội tiếp cận thông tin, điện thoại, vì vậy, những công ty xuất khẩu lao động cần phải trang bị nhiều hơn cho các lao động của mình thông qua các lớp học hướng nghiệp, học ngoại ngữ trước khi đi.
Ông Nguyễn Đăng Dương, Trưởng phòng Lao động - Việc làm- Tiền lương Sở LĐ,TB&XH Nghệ An cho biết: Hiện nay, có khoảng 4700 lao động người Nghệ An làm việc trên các tàu cá nước ngoài. “Việc đi xuất khẩu lao động trên các tàu cá vất vả gấp hàng trăm lần so với trên bờ, thu nhập cũng không cao. Điều này các lao động đều biết và đều chấp nhận từ khi đang làm thủ tục để đi.
Làm việc trong một môi trường vất vả, quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển như vậy, những sự cố ngoài hợp đồng là điều rất khó tránh khỏi. Quan trọng nhất, người lao động cần phải bình tĩnh xử trí, có cách ứng xử hợp lí trong những tình huống. Nếu cảm thấy bị ngược đãi, họ có thể tìm cách liên lạc với công ty, với đại sứ quán, thậm chí với cảnh sát các nước mà tàu cá cập bến. Việc nhảy xuống biển để bỏ trốn hoặc có mục đích gì khác không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà còn vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến hình ảnh lao động người Việt Nam nói chung, lao động người Nghệ An nói riêng trong mắt bạn bè quốc tế”, ông Dương khẳng định.