Vụ 1 năm 2018, huyện Quỳnh Lưu có 465 ha diện tích nuôi tôm. Theo lịch thời vụ, từ ngày 15/3, các hộ dân bắt đầu thả tôm giống và kết thúc vụ 1 trước ngày 30/7/2018. Tính đến ngày 9/4, toàn huyện đã thả khoảng 300 ha tôm vụ 1, với trên 270 triệu con tôm giống thẻ chân trắng. Những diện tích còn lại chưa thả, hiện bà con đang tiếp tục xử lý ao đầm, lựa chọn tôm giống chất lượng, có uy tín để thả.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện một số ao nuôi có tôm chết bất thường tập trung ở Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương và Quỳnh Thanh với diện tích bị bệnh là 7ha... Sau khi lấy mẫu tôm bị dịch để xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút đốm trắng. 

bna_quynh_luu_gan_8_ha_dien_tich_tom_vu_1_bi_benh_dom_trang_3152974_942018.jpgLãnh đạo huyện Quỳnh Lưu kiểm tra vùng nuôi tôm xã Quỳnh Lương códiện tích tôm bị bệnh đốm trắng. Ảnh: Việt Hùng
Ông Hồ Quang Thắng - Quản lý vùng nuôi tôm VietGAP xã Quỳnh Lương cho biết, theo lịch thời vụ của huyện, bà con tiến hành thả tôm giống từ ngày 15/3/2018, tuy nhiên từ ngày 31/3 đến nay liên tiếp xuất hiện 6 ao của 3 hộ gia đình có hiện tượng tôm chết nổi lên mặt nước. Qua lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh đốm trắng. Toàn bộ diện tích bị dịch mới thả trong khoảng 15 - 22 ngày. Hiện nay, các hộ có tôm bi dịch đang xử lý nguồn nước, để tiếp tục thả nuôi.

Theo các hộ có diện tích tôm bị dịch bệnh, bước vào vụ thả nuôi 2018, bình quân 1 ao nuôi, mỗi gia đình đầu tư trên 45 triệu đồng để mua con giống, tân trang lại thiết bị quạt tạo oxy và thức ăn, chế phẩm vi sinh. Tuy nhiên, do thời tiết bất lợi khiến một số vùng nuôi tôm bị dịch bệnh gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Ông Đậu Đăng Định - Trưởng trạm Thú ý huyện Quỳnh Lưu cho biết, sau khi một số địa phương báo cáo về tình hình dịch bệnh xảy ra ở tôm, cán bộ trạm đã xuống từng hộ nuôi để lấy mẫu đưa đi xét nghiệm, nguyên nhân tôm chết là do bệnh đốm trắng. Trước tình hình trên, Trạm đã làm tờ trình tham mưu với Phòng NN&PTNT huyện gửi Chi cục thủy sản Nghệ An đề nghị cấp khoảng 3 tấn hóa chất clorine để xử lý nguồn nước. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi phải thường xuyên kiểm tra sự phát triển của tôm, chủ động phòng chống dịch bệnh. 

Những ao tôm bị dịch, người dân tháo nước ra ngoài và tiến hành xử lý môi trường để tiếp tục nuôi vụ mới. Ảnh Việt Hùng
Để chủ động ngăn chặn có hiệu quả sự bùng phát và lây lan của dịch bệnh đốm trắng, huyện Quỳnh Lưu chỉ đạo Phòng nông nghiệp, trạm thú y, trạm khuyến nông huyện chỉ đạo tốt công tác cải tạo ao hồ, kỹ thuật nuôi tôm và phòng chống dịch bệnh. Các địa phương có diện tích tôm bị dịch cần phối hợp với cơ quan chức năng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý những lô tôm giống không đạt chất lượng quy định; những diện tích ao nuôi tôm bị dịch cần xử lý nguồn nước, không để lây lan bùng phát ra diện rộng; tổng hợp tình hình, báo cáo UBND huyện để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.

Đối với những diện tích đang nuôi, huyện yêu cầu các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và công tác phòng ngừa dịch bệnh, tiêu độc môi trường ở khu vực nuôi tôm. Chỉ đạo, phân công cán bộ bám sát cơ sở để hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra, giám sát tình hình nuôi trồng, dịch bệnh; chính quyền địa phương cần xử lý những trường hợp bắt giống thả không đúng quy định; kiểm tra, kiểm soát các cơ sở ương gièo tôm giống.

Đối với các hộ nuôi tôm phải thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, kết quả quan trắc môi trường định kỳ tại các vùng nuôi. Khi tôm trong ao nuôi có biểu hiện bất thường, hoặc nghi tôm bị bệnh phải báo ngay với địa phương để có phương án xử lý kịp thời./.