Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Khu vực Tây Thái Bình Dương, ở Việt Nam, khoảng 11,7 triệu người (khoảng 13% dân số) đang phải sống trong các khu vực có bệnh sốt rét.
 
images1158466_ttxvn_sot_ret.jpgNhân viên y tế hướng dẫn cách tẩm màn phòng chống bệnh sốt rét cho người dân. (Ảnh: TTXVN)
Thông tin trên được WHO Khu vực Tây Thái Bình Dương đưa ra trong bản kêu gọi Việt Nam tăng cường những thành quả phòng chống sốt rét đạt được trong những năm gần đây và đẩy nhanh nỗ lực nhằm hướng tới một khu vực không còn sốt rét nhân Ngày Thế giới phòng chống sốt rét (25/4).
 
Ngày Thế giới phòng chống sốt rét năm nay được đưa ra với chủ đề “Đầu tư cho tương lai, đánh bại sốt rét.”
 
Quyền Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, ông Jeffery Kobza cho hay: “Sự hợp tác xuyên biên giới của các quốc gia láng giềng với Việt Nam là điều cốt yếu để loại trừ sốt rét.”
 
Ở Việt Nam, theo Báo cáo sốt rét Thế giới năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới, số ca xác nhận sốt rét đã giảm trên 75% trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2013. Cùng thời kỳ đó, số ca tử vong do sốt rét giảm trên 90%.
 
Ông Kobza nhận định: “Những thành tựu của Việt Nam rất ấn tượng. Nhưng để biến những thành tựu này trở thành việc chiến thắng bệnh sốt rét lâu dài đòi hỏi phải có sự hợp tác tốt hơn và các chiến lược trọng điểm giữa WHO, chính phủ, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội dân sự và các đối tác khác. Vào lúc này chúng ta chưa thể thỏa mãn với những thành quả đã đạt được trên chặng đường loại trừ sốt rét.”
 
Ở Việt Nam, sốt rét hiện nay lây truyền chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, ven biển miền Trung và Đông Nam Bộ. Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax là những ký sinh trùng sốt rét phổ biến nhất. Bệnh xảy ra chủ yếu ở người dân tộc thiểu số, dân di biến động và những người đi rừng, ngủ rẫy. 
 
Trên toàn cầu, ước khoảng 3,2 tỷ người vẫn còn nguy cơ mắc sốt rét, trong đó 1,2 tỷ người có nguy cơ cao. Ở Khu vực Tây Thái Bình Dương, 712 triệu người, tức khoảng 40% dân số Khu vực đang sống trong những vùng có nguy cơ sốt rét. Ở Việt Nam, khoảng 11,7 triệu người (khoảng 13% dân số) đang phải sống trong các khu vực có bệnh sốt rét. 
 
Năm 2015 là một năm quan trọng đối với bệnh sốt rét, các chiến lược mới vì một Việt Nam không còn bệnh sốt rét đã được đề ra. 
 
Để giải quyết sốt rét kháng đa thuốc tại Việt Nam và tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS), Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Đông Nam Á và khu vực Tây Thái Bình Dương cùng với các nước vùng GMS và các bên liên quan khác đã dự thảo Chiến lược loại trừ bệnh sốt rét cho tiểu vùng Mê Kông mở rộng giai đoạn 2015-2030.
 
Chiến lược này là nỗ lực chung của sáu nước tượng trưng cho quan hệ đối tác mạnh mẽ và hợp tác, sẽ được khởi động tại hội nghị bên lề trong thời gian diễn ra Đại hội đồng Y tế Thế giới năm nay. Chiến lược này nhằm mục đích thúc đẩy các nỗ lực để giải quyết vấn đề kháng thuốc và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam cũng như các nước thành viên khác của GMS, tập trung vào việc bảo vệ nhóm dân số có có nguy cơ cao đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, dân di biến động và người dân địa phương, đồng thời ngăn ngừa sự lây lan của bệnh sốt rét kháng đa thuốc.
 
Cuối năm ngoái, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, những người đứng đầu Chính phủ đã cam kết ủng hộ vì một Châu Á-Thái Bình Dương không còn bệnh sốt rét vào năm 2030. WHO đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Liên minh các nhà Lãnh đạo Châu Á-Thái Bình Dương chống bệnh sốt rét (APLMA) để xây dựng một lộ trình cấp cao như là một hướng dẫn hướng tới mục tiêu năm 2030.
 
Ở Việt Nam, Văn phòng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới đang phối hợp chặt chẽ với Chương trình quốc gia phòng chống sốt rét của Việt Nam và các đối tác khác nhằm hỗ trợ kỹ thuật và đưa các nội dung của chiến lược khu vực và toàn cầu vào kế hoạch hành động phù hợp với Việt Nam.
 
Theo Vietnam+