Ngày 20.2, FPT vừa công bố bằng sáng chế đầu tiên mang tên “Hệ thống nhận biết trạng thái các ngón tay di chuyển và nhấn trên vùng không gian ảo giới hạn” do Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và bảo hộ.

images932962_f2.jpg_aihb.jpg.jpg

Mô phỏng giao tiếp giữa người với Smart tivi qua điều khiển gắn camera, không dây.

Sáng chế này được Viện nghiên cứu công nghệ, Trường Đại học FPT (Tập đoàn FPT) hoàn thành và nộp đơn xin cấp bằng sáng chế từ tháng 11.2011. Trong cùng năm trên toàn quốc có 301 đơn xin cấp bằng sáng chế được nộp.
 
“Hệ thống nhận biết trạng thái các ngón tay di chuyển và nhấn trên vùng không gian ảo giới hạn” là sáng chế thuộc lĩnh vực giao diện người dùng và máy tính, đề cập đến thiết bị hỗ trợ người dùng tương tác, điều khiển máy tính và các máy móc có kết nối Internet (tivi thông minh – Smart TV, điện thoại thông minh – Smartphone, máy ATM…), thông qua các động tác chuyển động của ngón tay trong một vùng không gian phía trước thiết bị, thay vì phải dùng điều khiển hoặc bàn phím vật lý như hiện nay.
 
 Ông Trần Thế Trung - Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ FPT, Trường Đại học FPT - cho biết: Sáng chế hỗ trợ người dùng tương tác với các thiết bị thông minh tiện dụng và nhanh chóng hơn. Việc thao tác khi sử dụng không có sự tiếp xúc với thiết bị cũng giúp giảm nguy cơ lây lan bệnh qua tiếp xúc trên da, khi thiết bị dùng chung giữa nhiều người. Đặc biệt là ở các thiết bị công cộng, chẳng hạn như phục vụ tương tác với màn hình của máy rút tiền ATM.
 
 Bằng sáng chế cấp cho ĐH FPT.
 
2 năm qua, Cục SHTT mới cấp 5 bằng sáng chế cho các trường ĐH trên toàn quốc. Sáng chế đầu tiên được cấp bằng của Trường Đại học FPT (thuộc Tập đoàn FPT) là 1 trong số 25 sáng chế được Viện nghiên cứu công nghệ Trường Đại học FPT nộp lên Cục SHTT.
 
Dự kiến trong năm 2014, Viện nghiên cứu công nghệ của Trường Đại học FPT sẽ tiếp tục nộp thêm 18 sáng chế, cũng như trông đợi tiếp tục có thêm sáng chế được chính thức cấp bằng sở hữu trí tuệ.
 
Được biết, Tập đoàn FPT dành khoản ngân sách bằng 5% lợi nhuận trước thuế để chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Riêng năm 2013, FPT đã phê duyệt các dự án R&D của các đơn vị thành viên với tổng ngân sách gần 50 tỉ đồng.
 
Theo Lao động