NHỮNG TIA LỬA NHỎ

Căn nguyên của cuộc khủng hoảng hiện nay là việc phát hiện ra các mỏ khí đốt tự nhiên khổng lồ ở Đông Địa Trung Hải từ 10 năm trước. Khi khí đốt được phát hiện và khai thác nhiều, các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước láng giềng là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế, thậm chí đứng trước nguy cơ tiến gần hơn tới bờ vực chiến tranh.

Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên cử một tàu khoan đến Địa Trung Hải vào tháng 5/2019, và thực hiện các cuộc khảo sát địa chấn, thăm dò ngoài khơi bờ biển phía Bắc của Cộng hòa Síp, khiến quốc đảo này lên án về sự bất hợp pháp. Đáp lại, Liên minh châu Âu (EU) đã trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2019, giảm hỗ trợ tài chính trước khi gia nhập vào liên minh xuống còn 145,8 triệu euro trong năm 2020 và tạm dừng các cuộc đàm phán song phương cấp cao.

image_7498005_6102020.jpgCác tàu khoan dầu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Đông Địa Trung Hải, gần Cộng hòa Síp. Ảnh: AP

Bị lôi vào cuộc tranh chấp liên quan đến hai quốc gia thành viên, EU tiếp tục thể hiện “tình đoàn kết vững chắc” với Hy Lạp và Síp, đồng thời cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế các hoạt động khoan dầu. Thế nhưng không ngần ngại, thời điểm đó Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã cho rằng các lệnh trừng phạt của EU sẽ không ảnh hưởng đến quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tiếp tục các hoạt động hydrocarbon ở Đông Địa Trung Hải. Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các tàu khoan tới khu vực trong năm nay cùng với các tàu hộ tống của hải quân, thực hiện quyền tiếp cận vùng biển Cộng hòa Síp - một động thái trái với luật pháp quốc tế.

“Hai nước đang đùa với lửa, và bất kỳ tia lửa nào - dù nhỏ - cũng có thể dẫn đến một thảm họa”.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas

Kể từ cuối tháng 8, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã đặt lực lượng của họ trong tình trạng báo động cao, triển khai hải quan để răn đe nhau ở Địa Trung Hải và thực hiện các cuộc tập trận cạnh tranh trên biển. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo 2 nước đang “đùa với lửa, và bất kỳ tia lửa nào - dù nhỏ - cũng có thể dẫn đến một thảm họa”.

Với động thái cứng rắn và tinh thần chủ nghĩa dân tộc của Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người tin rằng EU phải suy nghĩ và thông qua một mối quan hệ khác với Thổ Nhĩ Kỳ. Stefano Stefanini, cựu đại sứ Italia tại NATO cho rằng, châu Âu nên ngừng “chuyển động” về viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành thành viên của khối - một câu chuyện kéo dài 21 năm và các cuộc đàm phán bị đình trệ kể từ năm 2016, và thay vào đó nên tập trung thảo luận về những gì trong tương lai như tìm kiếm mối quan hệ toàn diện, “một mối quan hệ rộng rãi nhưng không phải là thành viên”.

Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels đã đưa ra tuyên bố cứng rắn về Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Europa

CHƯƠNG MỚI TRONG QUAN HỆ EU - THỔ?

Đối diện với cách giải quyết khủng hoảng, nội bộ EU lại bị chia rẽ. Pháp, Hy Lạp và Cộng hòa Síp muốn có một đường lối cứng rắn, trong khi Đức, Tây Ban Nha và Italia ủng hộ cách tiếp cận hòa giải hơn. Đức - nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của EU, đang muốn đưa ra một số động lực cho Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc giảm leo thang. Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia không phải thành viên EU, nhưng lại là đồng minh quan trọng của NATO, đối tác thương mại của EU và đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối dòng người di cư, tị nạn của EU.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ có hành động “khiêu khích và áp lực” ở Đông Địa Trung Hải, EU có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt không khoan nhượng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen

Đề cập về quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ sau Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 2/10, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: EU muốn một quan hệ tích cực và tinh thần xây dựng với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng sẽ có lợi rất nhiều cho Ankara. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định, trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ có hành động “khiêu khích và áp lực” ở Đông Địa Trung Hải, EU có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt không khoan nhượng.

Tuy nhiên, phát biểu mang tính răn đe đó vẫn tương đối nhẹ nhàng, so với mong muốn của một số quốc gia thành viên EU. Hy Lạp và Cộng hòa Síp, hai nước trực tiếp căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí hối thúc EU hành động mạnh mẽ hơn nữa, bởi đây không chỉ là câu chuyện giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn liên quan chặt chẽ tới quan hệ đối ngoại của EU.

Quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ vốn dĩ “cơm không lành, canh không ngọt”. Ảnh minh họa: AP

Cuối cùng, EU đều đồng lòng thể hiện thái độ cứng rắn với Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi lẽ, với EU, lợi ích toàn khối và tính đoàn kết giữa các thành viên luôn được ưu tiên hàng đầu. EU cần chứng tỏ rằng, dù đang có bất đồng nội bộ, nhưng các nước sẵn sàng gác lại để bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia thành viên đang bị đe dọa bởi thế lực bên ngoài. Nếu không đảm bảo được điều này, uy tín của khối sẽ bị sứt mẻ nghiêm trọng.

Hơn thế, quan hệ EU-Thổ Nhĩ Kỳ vốn dĩ “cơm không lành, canh không ngọt”. Sau thỏa thuận tiếp nhận người tị nạn, hiện Thổ Nhĩ Kỳ là trạm dừng chân của 4,1 triệu người tị nạn, di cư, đang cố gắng vượt biên vào châu Âu. Điều này khiến nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ chịu sức ép nhất định, trong khi các khoản trợ cấp từ EU mang lại được cho là không thấm tháp so với khoản tiền mà Thổ Nhĩ Kỳ đã chi cho người tị nạn.

Quan hệ Brussels-Ankara càng bùng nổ hơn khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đơn phương tuyên bố mở cửa biên giới cho người tị nạn vào EU hồi tháng 3, khi đại dịch Covid-19 tại châu Âu đang ở đỉnh điểm. Động thái này khiến EU nổi giận và tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ đi ngược với những điều khoản từng cam kết. Quan hệ song phương nguội lạnh cho đến hiện tại.

Mặc dù Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý đàm phán, song căng thẳng Athens-Ankara đã khơi lại bất đồng cũ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời tạo ra bàn đạp để Brussels gây áp lực với Ankara thực hiện thỏa thuận đã cam kết.

Làn sóng di cư mới khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cửa biên giới cho người tị nạn vào châu Âu hồi tháng 3/2020. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, cơ hội hàn gắn quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU không phải là không thể. Nhằm đảm bảo lợi ích chiến lược lâu dài, EU sẽ hỗ trợ đối thoại Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp. Bồ Đào Nha, nước sẽ tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu vào tháng 1/2021, nhiều khả năng sẽ tiếp nối Đức sửa chữa mối quan hệ của châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời gian tới, hai bên sẽ tập trung giải quyết các vấn đề như: Cập nhật thỏa thuận Liên minh thuế quan EU-Thổ Nhĩ Kỳ, sửa đổi thỏa thuận người tị nạn, tự do hóa thị thực và hội nghị quốc tế về Đông Địa Trung Hải.

Giới chính trị của châu Âu sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng ý tưởng về một hội nghị khu vực. Hội nghị sẽ giúp các nỗ lực biến Đông Địa Trung Hải thành vùng biển hòa bình và chia sẻ, thông qua việc phân bổ dự trữ năng lượng hay hợp tác kinh tế rộng lớn hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một quốc gia đóng vai trò quan trọng ở giao điểm của châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông. Do đó, chỉ khi ngồi vào vòng đàm phán, thì những điểm nóng tranh chấp mới lắng dịu./.