(Baonghean.vn) - Câu chuyện nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vẫn tiếp tục là chủ đề được cả thế giới quan tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng, Brexit có ảnh hưởng không chỉ đến các vấn đề về kinh tế, xã hội mà cả tới lĩnh vực quân sự, quốc phòng tại châu Âu, thậm chí có thể “kích động” một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực.
Mất đi trụ cột
Không còn nghi ngờ gì về những tác động tiêu cực lên kinh tế và xã hội đối với cả Anh và EU sau sự kiện Anh quyết định rời khỏi EU qua một cuộc trưng cầu ý dân vừa qua. Lúc này, giới phân tích bắt đầu đánh giá những tác động của sự kiện này đến lĩnh vực an ninh quốc phòng của châu Âu.
Dù mức độ đến đâu thì cũng không thể phủ nhận, việc Anh rời khỏi EU sẽ làm thay đổi cục diện và cán cân sức mạnh trong lĩnh vực quốc phòng của cả châu Âu.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, ngân sách quốc phòng của Anh hiện vào khoảng 56,2 tỷ USD, đứng thứ tư thế giới và vượt xa các nước thành viên EU khác.
Tính đến ngày 1/5, Anh có hơn 153.000 binh sĩ và nhân viên tại ngũ, là một trong những quân đội hùng mạnh nhất và được trang bị tốt nhất tại châu Âu.
Quan trọng hơn, quân đội Anh được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm nhờ tham gia các chiến dịch quân sự do Mỹ đứng đầu kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001.
EU không có một quân đội chung nhưng khi cần huy động lực lượng an ninh tập thể hoặc nỗ lực phòng thủ chung, mỗi thành viên sẽ đóng góp ngân sách và sức mạnh quân sự. Vì thế, Anh được xem là một thành viên nòng cốt và chủ lực trong những sứ mệnh chung của EU.
Ngoài ra, Anh cùng 21 thành viên khác trong EU hiện là thành viên của Tổ chức Hợp tác Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Các chuyên gia nhận đinh, việc Anh rời khỏi EU có thể gây cản trở nỗ lực tăng cường an ninh tập thể, bao gồm cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo cực đoan và thành lập mặt trận thống nhất tại khu vực gần biên giới Nga và Ukraine.
Theo nhận xét của Tổng thư ký NATO - Jens Stoltenberg thì quyết định ra đi của Anh sẽ khiến EU mất đi sự đoàn kết vốn có, điều đó không hề có lợi cho những kế hoạch hợp tác trong khối NATO.
Dựa trên thỏa thuận EU và NATO cùng ký kết năm 2002, hai bên có trách nhiệm trao đổi thông tin theo các quy định về bảo vệ an ninh tương ứng.
Do đó, để “bù đắp” lại nguy cơ thiếu hụt quân sự từ quân đội Anh, EU cũng có quyền trưng dụng tài sản của NATO trong các nhiệm vụ cần thiết.
Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa EU sẽ có phần phụ thuộc vào NATO bởi chỉ khi hai bên cùng đồng thuận, hoạt động quân sự mới được triển khai.
Châu Âu phải làm gì?
Câu hỏi này chắc chắn đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo trong EU một khi Anh rời khỏi khối này. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh - đối ngoại của EU Federica Mogherini đã kêu gọi EU củng cố năng lực quốc phòng, sau khi giới lãnh đạo EU thừa nhận việc Anh rời khỏi "mái nhà chung", sẽ khiến EU mất đi một trụ cột quân sự quan trọng.
Còn Chủ tịch Ủy ban chính sách quốc tế của Nghị viện châu Âu Elmar Brok trước đó đã kêu gọi thành lập bộ chỉ huy quân sự chung của EU và trong triển vọng dài hạn phải thành lập quân đội chung châu Âu.
Ý tưởng thành lập đội quân chung của châu Âu, vốn đã được nhen nhóm từ đầu những năm 1950. Mặc dù vậy, ý tưởng này đã bị Pháp phủ quyết.
Từ đó đến nay, nhiều quan chức trong EU không ít lần đặt lại vấn đề nhưng chưa bao giờ có một sự bàn bạc chính thức do những khác biệt trong quan điểm về các mối đe dọa an ninh giữa các nước châu Âu.
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, người đã từng giữ chức Thủ tướng Luxembourg, cũng “khơi” lại ý tưởng này và cho rằng sẽ tiết kiệm hơn so với việc mỗi nước thành viên trong khối xây dựng quân đội riêng và giúp thúc đẩy hội nhập sâu hơn trong EU khi có thể xây dựng một chính sách đối ngoại và an ninh chung.
Ngay lập tức, Đức, nền kinh tế lớn nhất trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã lên tiếng ủng hộ. Đáng nói là kế hoạch này luôn bị Anh phản đối với quan điểm cho rằng, “phòng thủ là trách nhiệm của một quốc gia, chứ không phải là của EU”.
Vậy nên khi Anh rời khỏi EU, xét trên mọi bình diện, có thể ý tưởng thành lập quân đội chung trong EU sẽ được mang ra xem xét. Tất nhiên, để kế hoạch này nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong EU sẽ là nhiệm vụ không hề dễ dàng.
Đó là chưa kể, EU cũng sẽ phải cân nhắc kỹ những phản ứng từ phía Nga nếu họ làm như vậy. Quan hệ giữa hai bên vốn đã căng thẳng sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014, nếu có bất cứ một động thái quân sự gây hấn sẽ chẳng khác nào “lửa đổ thêm dầu” và càng khiến mối quan hệ EU- Nga thêm khó cứu vãn.
Trong trường hợp, một quân đội chung của EU được thành lập, chắc chắn sẽ có một cuộc chạy đua vũ trang lớn xảy ra trong khu vực, bởi Nga lâu nay vốn không “dễ chịu” gì với một NATO hùng mạnh ngay bên cạnh vì thế sẽ chẳng thể ngồi yên nếu có một lực lượng phòng thủ chung của EU.
Dù chưa rõ kịch bản nào sẽ xảy ra nhưng chắc chắn EU sẽ phải điều chỉnh chính sách an ninh khi Anh chính thức rời khỏi khối liên minh này theo đúng mô hình thống nhất toàn diện chứ không phải chặt chẽ phần ngoài, nhưng lỏng lẻo phần lõi như hiện nay.
Thanh Huyền