Cơ quan hành động đối ngoại của EU, chuyên nghiên cứu và chống thông tin sai lệch trên mạng, trong một báo cáo nội bộ nói rằng, kể từ ngày 22/1 đã ghi nhận gần 80 trường hợp thông tin sai về dịch Covid-19 có liên quan đến truyền thông thân Điện Kremlin.
“Mục tiêu tổng quát của việc làm sai lệch thông tin của Điện Kremlin là nhằm làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng y tế công cộng tại các quốc gia phương Tây, cụ thể là thông qua việc phá hoại lòng tin của dân chúng đối với các hệ thống chăm sóc sức khỏe cấp quốc gia - do đó ngăn chặn một phản ứng hiệu quả trước sự bùng phát dịch”, báo cáo này nêu.
Bản báo cáo đề ngày 16/3 cho rằng, chiến dịch trên “nhằm phóng đại sự bối rối, hoảng loạn và sợ sãi”. Báo cáo chỉ ra cánh truyền thông thân Điện Kremlin đã và đang hoạt động nhằm khuếch đại một loạt những câu chuyện thường mang tính mâu thuẫn, “cướp” khoảng không thông tin nhằm hạn chế khả năng hành động phục vụ lợi ích riêng của EU.
Khi được đề nghị đưa ra bình luận về các cáo buộc này, trong cuộc gọi với ký giả hôm 18/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã phủ nhận, đồng thời gọi các cáo buộc là “vô căn cứ” và “nỗi ám ảnh sợ hãi nước Nga”.
“Nếu tài liệu này chứa ít nhất 1 ví dụ cụ thể, và 1 đường dẫn tới một vài hãng truyền thông cụ thể, thì tôi có thể nói điều gì đó cụ thể”. Peskov phát biểu. “Dạng ám ảnh sợ hãi nước Nga này trong tình thế hiện nay tốt hơn là bằng cách nào đó nên biến mất, nhưng rõ ràng hiện không như vậy”, ông nói thêm.
Báo cáo của EU đề cập rằng truyền thông thân Điện Kremlin không tự mình sản xuất hầu hết thông tin sai lệch, thay vào đó “họ đơn giản là đang khuếch đại các thuyết khởi nguồn từ nơi khác”.
Nó nói thêm rằng, mạng lưới truyền thông nhà nước Nga RT tiếng Tây Ban Nha là nguồn phổ biến thứ 12 trên Facebook, Twitter và Reddit khi đề cập đến virus Corona.
Phần nhiều thông tin sai lệch mà truyền thông thân Điện Kremlin thúc đẩy quả quyết rằng, virus này do con người tạo ra và được các nước phương Tây “vũ khí hóa”. Theo báo cáo trên, sự bóp méo thông tin này nhằm vào khán giả quốc tế bằng tiếng Anh, Italy, Tây Ban Nha, Arập cũng như tiếng Nga và các ngôn ngữ khác.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Peter Stano cho biết, trung tâm này đã chứng kiến “cơn lốc xoáy” thông tin sai lệch về việc lây lan chủng mới virus Corona trong những tuần qua.
Stano nói: “EEAS Stratcom đã tăng cường giám sát dòng chảy thông tin và các nguồn tin của nó, đồng thời công khai nhận diện, phơi bày và nâng cao nhận thức về thông tin sai lệch liên quan đến virus Corona do các nguồn tin của Nga lan truyền”.
Cũng theo CNN, một bản báo cáo chấn động của Bộ Ngoại giao Mỹ vào tháng trước đã khẳng định hàng nghìn tài khoản mạng xã hội Facebook và Twitter có liên quan đến Nga đang phát tán thông tin sai về virus Corona. Nhưng Facebook và Twitter nói rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ chưa cung cấp bằng chứng để tạo điều kiện cho các công ty này điều tra và có thể đóng các tài khoản trên.