Đây là khoản vốn nằm trong gói ngân sách 15.000 tỷ đồng vốn dự phòng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 -2020. Trước đó, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua việc cấp 7.000 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng đường sắt tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh.
Với khoản kinh phí này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề xuất 4 dự án chi tiết, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh có tổng mức đầu tư dự kiến 1.600 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn Nha Trang - Sài Gòn, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng; Dự án gia cố hầm yếu kết hợp mở mới 3 ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tổng mức đầu tư dự kiến 1.800 tỷ đồng.
Các dự án hoàn thành sẽ nâng cấp toàn tuyến cùng một cấp tải trọng 4,2 tấn/m; Tăng năng lực thông qua của tuyến từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên 23 - 25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách 80 - 90km/h, tàu hàng 50-60km/h.
Trao đổi về việc chuẩn bị cho việc triển khai các dự án khi được Quốc hội thông qua bố trí vốn, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, Tổng công ty đã tính toán, chuẩn bị kỹ. Sau khi được thông qua sẽ lựa chọn tư vấn, xây dựng dự án, thiết kế… với những hạng mục mới. Với những hạng mục đã có trong các dự án trước, được phê duyệt rồi nhưng chưa được bố trí vốn, thì nhanh chóng hoàn tất thủ tục theo quy định mới để triển khai. Có thể triển khai sớm những hạng mục đã lập dự án trước. Trong đó, cuối năm nay hoặc đầu năm 2019 có thể thực hiện được như cầu yếu. Khoảng giữa năm 2019 có thể triển khai thực hiện được các hạng mục còn lại.
“Khó khăn nhất hiện nay là phải thực hiện trong điều kiện vừa thi công vừa khai thác. Việc thi công chỉ có thể làm tranh thủ thời gian giãn cách giữa hai chuyến tàu, phong tỏa khu gian trong thời gian ngắn. Nếu thuận lợi, cuối năm 2020 cơ bản có thể hoàn thành các tiểu dự án này”, ông Minh nói.