(Baonghean) - Bộ Chính trị vừa mới ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Mục đích của việc phản biện là nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Vấn đề đặt ra ở đây là phải làm gì và làm như thế nào để thực hiện được đúng mục đích đó. Đồng thời không để việc phản biện bị lợi dụng trở thành phương tiện để công kích, đả phá với dụng ý không tốt.
 
Để làm được điều đó, trước hết cần phải hiểu một cách cặn kẽ thế nào là phản biện và phản biện xã hội. Theo định nghĩa của các chuyên gia chính trị và các nhà nghiên cứu ngôn ngữ thì phản biện là “bàn luận theo hướng (theo cách) ngược lại”, hoặc là sự tranh luận, tranh cãi. Nhưng “bàn ngược” hay “tranh luận trái chiều” đều phải hết sức khách quan, không thiên vị và luôn dựa trên những chứng cứ, lập luận có cơ sở khoa học, từ thực tế và đã được thực tiễn kiểm chứng. Vì chữ biện trong phản biện còn có nghĩa là biện chứng, có tính tổng thể, nhiều chiều chứ không phiến diện. Chứ không chỉ là biện luận đơn thuần nhằm bác bỏ, phủ định một vấn đề nào đó mà đôi khi còn có cả sự bổ sung, làm rõ hơn vấn đề đang được nói đến dưới nhiều góc độ, phương diện khác nhau. Phản biện khác với phản bác vì phản bác chỉ là một nội dung nhỏ trong phản biện. Phản biện cũng không phải là bài xích.Vì bài xích là sự chỉ trích mạnh mẽ, quyết liệt những hiện tượng, việc làm không như ý mình nên thường thiếu tính khách quan và rất cực đoan.
 
Từ đây, có thể hiểu phản biện xã hội là sự tranh luận, bình luận, thẩm định, đánh giá  của các lực lượng xã hội đối với những chủ trương, chính sách, đề án, dự án xã hội... liên quan đến quyền lợi và đời sống mọi mặt của cộng đồng. Và đó là những lập luận có chứng cứ, có cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm phát hiện, bổ sung, chứng minh, khẳng định hoặc bác bỏ, phủ định một chủ trương, chính sách hay đề án xã hội được công bố hay đang hình thành. Và điều quan trọng nhất là phản biện phải luôn là “tiếng nói” với ý thức xây dựng cao chứ không được nhằm đả phá. Phản biện phải vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc chứ không phải vì lợi ích cá nhân hay của một nhóm nhỏ nào đó. 
 
Phải phân biệt đúng, hiểu rõ và thống nhất như thế thì khi triển khai thực hiện mới có thể đạt được mục tiêu như đã định. Mặt khác, để việc phản biện thật sự trở thành một động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Thì vấn đề chính yếu là phải làm sao thu hút được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhất là đội ngũ trí thức. Muốn vậy thì phải tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho tất cả những ai quan tâm thẳng thắn, thật thà bày tỏ chính kiến của mình. Những người có trách nhiệm, nhất là những người đứng đầu ở trong các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị... cần lắng nghe một cách khách quan, trong sáng, không quy chụp.
 
Lắng nghe nhiều chiều, nhiều phía chứ không chỉ nghe những điều mình muốn nghe mà bỏ ngoài tai những gì mình không thích. Cho dù có đúng đến mấy. Nghe rồi thì phải có động thái phản ứng. Cái gì đúng thì tiếp thu và sửa chữa ngay. Cái gì chưa đúng, chưa phù hợp thì cũng phải tìm cách nói lại cho rõ ràng. Còn nếu đúng hay sai đều lấy im lặng làm đầu thì sau vài lần như thế, người ta sẽ không phản biện nữa. Hiện tượng hay nói một cách chính xác hơn là tình trạng  nghe đâu bỏ đấy không phải là hiếm có, ít xảy ra trong xã hội ta. Phải làm sao cho việc phản biện trở thành một nét văn hóa mang tính phổ thông trong cuộc sống thường ngày. Nếu không, xã hội sẽ ngày càng trì trệ đi. Vậy nên, phải hết sức tỉnh táo và phải hết sức coi trọng phản biện xã hội thì mới có thể phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. 
 
 Hiện tại, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đang tổ chức nghiên cứu, quán triệt “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” để triển khai thực hiện. Điều quan trọng hơn cả là phải nhận thức đúng và sâu sắc bốn chữ: phản biện xã hội.
 
Duy Hương