(Baonghean) - Hôm trước ngồi xem chung kết Đường lên đỉnh Olympia, ông bạn mình thốt lên một câu, vẻ chán chường:"13 quán quân đi du học thì 12 ở lại, 1 về nước. Thi thố làm gì để rồi chảy máu chất xám ra!". Mình ngẫm nghĩ, thấy ông bạn mình nói vừa có lý mà cũng vừa không.
 
Có một mâu thuẫn lớn trong cách nghĩ của người Việt mình về việc đi du học nói riêng và đi nước ngoài nói chung. Mình cũng đi du học, mỗi lần về Việt Nam y như rằng phải nghe không dưới chục lần câu "Đi du học sướng nhỉ", "Ở nước ngoài sạch sẽ, thời tiết dễ chịu thích nhỉ", "Việt Nam thế này, thế nọ, không như bên kia...". Buồn cười ở chỗ, nói như thế lại toàn những người chưa bước chân ra khỏi Việt Nam bao giờ. Ấy vậy mà họ ca ngợi nước ngoài, chê bai Việt Nam nhiệt tình vô cùng, nghe cứ như Việt kiều lâu năm về nước. Khổ cái, những người đi nước ngoài về hiếm khi đả kích nước mình, tung hô nước họ. Nếu ghét bỏ, chán chường thì người ta đã chẳng về nước làm gì. Những cái chưa tốt, thua kém của nước mình họ nhìn thấu đáo hơn ai hết, nhưng một khi đã trở về nghĩa là họ chấp nhận, bởi vì yêu thương và ơn nghĩa nên mới có lòng bao dung. Mâu thuẫn hơn nữa, chê bôi Việt Nam, sính ngoại là thế nhưng nếu có ai đó xuất ngoại rồi định cư ở bên đó, người Việt mình sẽ bảo là "mất gốc", "chảy máu chất xám",...Ồ, thế thì phải làm sao cho đúng? Nếu những người lên tiếng phê phán việc định cư ở nước ngoài được lựa chọn giữa sống ở Việt Nam và sống ở bên đó, có chắc họ sẽ vẫn "thuỷ chung" với đất nước, quê hương?
 
Thực ra, không nên đặt nặng vấn đề về hay ở. Một cách tự nhiên, con người ta luôn hướng đến những điều tốt đẹp nhất. Nhưng thế nào là cuộc sống tốt đẹp, thế nào là hạnh phúc? Tiêu chuẩn là do bản thân mỗi người đề ra. Có người sống nặng về tình cảm, có người mưu cầu sự sung túc, dư dả về vật chất. Suy cho cùng, đó là sự lựa chọn giữa vô vàn giá trị, được - mất của những cách sống, môi trường sống khác nhau. Mình quen nhiều cặp vợ chồng quyết định định cư ở nước ngoài vì lí do: muốn cho con cái được sống trong môi trường tốt hơn. Âu cũng là một lý do chính đáng. Lại có những người quyết định về nước dù đang có một cuộc sống lý tưởng bên kia bởi họ đặt nặng tình cảm gia đình, cũng không có gì là điên rồ, cảm tính. Chung quy lại, miễn là chúng ta sống tốt cho xã hội nơi ta sống, thoả mãn với những gì mình đã lựa chọn, thì sống ở đâu, sống như thế nào, liệu có quá quan trọng?
 
Tất nhiên, nếu đi ra ngoài thế giới rồi lại trở về, sẽ là cái kết viên mãn nhất cả về tình và lý. Nhưng thà rằng sống ở nước ngoài mà làm việc, cống hiến cho xã hội ở phạm vi rộng nhất, tức là nhân loại nói chung, còn hơn là sống ở Việt Nam mà ăn hại, đục khoét. Thế nên, mình vẫn cứ thích xem Đường lên đỉnh Olympia, còn các quán quân leo lên rồi có leo xuống hay không thì mặc họ!
 
Hải Triều