(Baonghean) - Cùng với tiềm năng du lịch phong phú, thái độ phục vụ khách chu đáo, thân thiện thì môi trường sạch đẹp được coi là điểm nhấn quan trọng trong mắt du khách. Với mục tiêu xây dựng một môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, nếu các địa phương không có các giải pháp quyết liệt, e rằng sẽ khó cải thiện...
Cửa Lò, sạch nhờ siết chặt
Đầu tháng 8, Cửa Lò không còn không khí chộn rộn, nhộn nhịp như tháng cao điểm của mùa du lịch nữa, khách cũng đã bắt đầu vãn dần. Thế nhưng, trên tất cả các tuyến phố chính vào thị xã, vẫn một không gian xanh ngắt của những hàng cây bằng lăng, phượng, xà cừ, các vôn va, cây cảnh thẳng tắp, ngay ngắn được cắt tỉa thường xuyên tạo điểm nhấn cho thị xã. Lúc này đã hơn 9h sáng, trục đường Bình Minh – một trong những con phố chính của thị xã - nơi rất nhiều hộ kinh doanh hàng ăn sáng như xôi, bánh cuốn đang chuẩn bị dọn hàng. Trong lúc anh chồng dọn nốt chỗ bàn ghế lên xe đẩy, chị vợ cẩn thận lấy chổi quét dồn tất cả rác lại một chỗ, cho vào bao bóng, treo tòng teng đầu xe máy…
Hỏi thăm được biết anh chồng tên là Hoàng Văn Hưng (ở xóm 3, phường Nghi Hương), hai vợ chồng bán hàng ăn sáng đã được 3 năm nay. Anh Hưng cho biết: Cứ đúng 4h30 hàng ngày, anh lại giúp vợ đẩy xe, dọn hàng. Từ ngày thị xã phát triển, người dân Cửa Lò cũng được “hưởng lộc” theo. Ngoài bán hàng ăn sáng, nhiều gia đình trên địa bàn Nghi Hương còn mở cửa hàng ăn uống ngoài bãi biển. Với vợ chồng anh Hưng, không cần chính quyền địa phương xử phạt hay tuyên truyền nhiều mà tự bản thân đã ý thức được mình phải có trách nhiệm trong giữ gìn vệ sinh môi trường từ những việc nhỏ nhất như không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định và quét dọn ngay chỗ mình thường ngày ngồi bán hàng.
Cùng quan điểm với anh Hưng, chị Nguyễn Thị Hải (khối 6, phường Nghi Thủy) hiện đang bán hàng lưu niệm trên đường Bình Minh, cho rằng: Tự mỗi người dân thị xã phải nghĩ rằng: Mình đang sống ở một thị xã du lịch, mình đang góp phần làm du lịch thì chính mình phải là người đầu tiên bảo vệ môi trường du lịch.
Những năm gần đây, người dân Cửa Lò đã thực sự thay đổi trong suy nghĩ, trong nhận thức, Cửa Lò hiện ra với không gian thoáng đãng, Quảng trường Bình Minh sạch với những thảm cỏ xanh, hoa nở bốn mùa.
Trao đổi với ông Lê Đình Sâm – Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường Thị xã Cửa Lò, được biết: Là một thị xã du lịch, từ những ngày đầu thành lập, Đảng bộ, chính quyền Cửa Lò đã nhận thức rất rõ việc tạo ra cảnh quan môi trường là nhiệm vụ “sống còn” của thị xã. Chính vì vậy, sau mỗi nhiệm kỳ đại hội, UBND thị xã đều ban hành đề án bảo vệ môi trường cho từng giai đoạn cụ thể, trong đó có nhiệm vụ trồng, chăm sóc và bảo vệ hệ thống cây xanh, thảm hoa, thảm cỏ. Đồng thời có nhiều cơ chế quản lý và chính sách đi kèm, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị được ban hành, trong đó đặt ra nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cây phi lao dọc bờ biển phía Nam và Bắc thị xã để vừa phục vụ cho công tác phòng hộ ven biển, vừa giữ gìn cây đặc trưng vùng bãi biển. Trên các trục đường nội thị, các công viên, những cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ được chăm chút cầu kỳ, để lại rất nhiều ấn tượng cho du khách.
Hàng năm, Thị xã Cửa Lò đều duy trì phong trào trồng cây đầu xuân nhằm bổ sung cây xanh hàng năm cho thị xã. Đồng thời huy động nguồn xã hội hóa từ cán bộ, nhân dân, thay cho việc trích ngân sách như các năm trước để mua cây trồng. Như năm 2014 đã huy động được gần 150 triệu đồng, các cơ quan, đơn vị và địa phương đã trồng được hơn 1,2 vạn cây phân tán dọc các trục đường nội thị, công viên và khu vực rừng phòng hộ ven biển, góp phần đảm bảo sức khỏe cho người dân và “hút” khách tham quan, nghỉ dưỡng về với Cửa Lò ngày một nhiều hơn. Bên cạnh đó, 7/7 phường, xã trong toàn thị xã cũng đã xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, trong đó đặt ra yêu cầu riêng cho từng khu vực.
Đơn cử như Nghi Thu ở các khu dân cư, phường tổ chức xây dựng 5 điểm tập kết rác và ở mỗi khối đều có người thu gom rác từ các hộ. Duy trì chế độ mỗi tuần một lần tổng vệ sinh trong khu dân cư nhằm bảo vệ môi trường sống sạch sẽ. Phường cũng đã quyết liệt xóa bỏ 3 điểm tập kết rác không phù hợp dọc đường Sào Nam. Theo ông Nguyễn Đức Lâm – Phó Chủ tịch UBND phường thì để thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi của người dân không phải là dễ. Song nhờ tuyên truyền mạnh mẽ, gắn với việc theo dõi của cán bộ dân phòng phường, đặc biệt khi chính người dân tự đóng góp tiền thực hiện thu gom rác thải thì họ có ý thức cao hơn.
Bình quân mỗi khẩu đóng 25.000 đồng/năm phục vụ cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Đối với khu vực lâm viên bãi tắm, các khu vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, trên cơ sở khảo sát thực địa, phường tổ chức phân công ranh giới cho từng nhà hàng, khách sạn, các ki-ốt chịu trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực mình phân công, bao gồm thu gom rác thải, bảo vệ cây xanh. Phường cũng đã làm việc và tổ chức ký cam kết với các nhà hàng, khách sạn đổ rác đúng nơi, đúng giờ quy định từ 20h đêm đến 1 giờ sáng.
Vinh, bao giờ sạch đẹp?
Vinh hiện là trung tâm nằm giữa các điểm du lịch chính của tỉnh nối Cửa Lò với Nam Đàn, thế nhưng, môi trường sống, nhất là rác thải đang là một trong những vấn đề đang rất bức xúc của Vinh hiện nay.
Không nói đâu xa, ngay trục đường Quang Trung – con đường chính dẫn vào trung tâm thành phố, rác “có mặt” hàng ngày. Đem vấn đề này trao đổi với ông Lê Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung, được biết: Hiện trên địa bàn phường có 15 khối, mỗi khối có 1 vệ sinh viên, theo quy định đúng 5h chiều sẽ đi thu gom rác sau đó tập kết tại đầu chợ Quang Trung để xe của Công ty vệ sinh môi trường đến chở ra thẳng bãi rác. Quy trình là thế nhưng không hiểu sao, nhìn ra đường phố vẫn không thấy sạch, đẹp. Giờ nào cũng vậy, kiểm tra bất kỳ thấy chỗ gốc cây này có một túi rác, trước cửa hàng nhà nọ cũng thấy thùng đựng rác… khiến cho bộ mặt đô thị nham nhở. Trên trục đường Quang Trung, trước đây môi trường thành phố bố trí các thùng rác công cộng, nhưng nay các thùng rác này đã hư hỏng. Đề nghị thành phố bố trí khẩn trương các thùng rác di động để người dân, nhất là khách du lịch có nơi bỏ rác. Thời gian tới, phường sẽ kiên quyết khắc phục xử lý nghiêm tình trạng xả rác bừa bãi của các hộ kinh doanh hàng ăn, trả lại môi trường sạch, đẹp cho phường, cho thành phố.
Không chỉ riêng tuyến phố Quang Trung mà các tuyến phố chính khác như Lê Hồng Phong (đoạn Nhà xuất bản Nghệ An), Hồng Bàng, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú… hệ thống thùng rác công cộng cũng không có, hoặc có thì đã hỏng, cộng thêm ý thức của người dân vứt rác không đúng nơi, đúng giờ quy định, nhất là những hộ kinh doanh hàng ăn đêm, những hộ kinh doanh bám mặt đường, những công trình đang thi công dang dở… làm cho bộ mặt đô thị Vinh thêm nhếch nhác. Có những đoạn đường như đường Lê Hồng Phong – người dân và khách du lịch đi ngang qua phải bịt mũi và phóng thật nhanh.
Với mục tiêu xây dựng đô thị Vinh xanh – sạch – đẹp, không thể phủ nhận thời gian qua thành phố đã có nhiều động thái trong công tác xử lý để giảm tải tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm trên các tuyến phố vẫn diễn ra hàng ngày khiến cho nhiều du khách khi đến Vinh có cái nhìn không thiện cảm. Bà Nguyễn Thị Bình – người dân ở chung cư Bông Sen – 39 Quang Trung cho rằng: Khi mà ý thức người dân chưa cao, khi chưa thay đổi được thói quen “bạ đâu vứt đó” của người dân thì rất cần những giải pháp xử phạt nghiêm khắc, nhắc nhở thường xuyên của khối, xóm, của chính quyền. Và chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao người dân Thị xã Cửa Lò làm được mà người dân Thành phố Vinh không làm được? Tại sao chính quyền Cửa Lò xử lý triệt để mà chính quyền Thành phố Vinh thì không? Nếu làm được như thế, chắc chắn rằng, mỗi sớm mai thức dậy, chính người dân thành phố sẽ được hưởng một không khí trong lành. Để mỗi lần dạo bước trên phố, khách du lịch đến Vinh có quyền thả hồn, ngắm cảnh mà không cần đến khẩu trang.
Bài, ảnh: Thanh Thủy