Xin nói thêm, trước hết, lò SLNA tuy vẫn “xuất xưởng” những thủ môn tài ba, đoạt thành tích vang dội, hiếm có ở cả SLNA lẫn ĐTVN như Dương Hồng Sơn, hay ở các mức độ khác nhau với Xuân Thủy, Võ Văn Hạnh, Nguyễn Thế Anh, Nguyên Mạnh… thì nhìn chung đây chưa phải là “cái nôi” đào tạo thủ môn của bóng đá Việt. Danh hiệu đó có lẽ thuộc về một lò khá khiêm tốn nhưng về đào tạo thủ môn thì khó ai so bì được. Đó là Bình Định với các thủ môn quốc gia nổi tiếng như Dương Ngọc Hùng, Nguyễn Văn Cường, Trần Minh Quang…
Là bởi SLNA từ ngày còn vất vả con đường lên hạng, chống xuống hạng, đã phải mượn thủ môn ngoại tỉnh về như Trần Quốc Trung (từ CN Hà Nam Ninh), sau đó vững vàng ở tốp đầu vẫn phải “vời” Huỳnh Quốc Cường (từ Long An), Nguyễn Thế Anh, Trần Đức Cường (từ Quân khu 4), Phan Đình Vũ Hải (từ Hải Phòng), hay gần đây nhất Văn Hoàng (từ Sài Gòn FC), chưa kể 2 lần sử dụng ngoại binh M. Shihavy và G.Brasnic…
Nói thế để thấy, đào tạo vị trí thủ môn nói chung hay tài năng về thủ môn ở SLNA luôn là vấn đề làm đau đầu các nhà lãnh đạo, quản lý CLB. Thế mới có chuyện Nguyên Mạnh xuất thân là một tiền đạo, cuối cùng lại trưởng thành vượt bậc ở vị trí người gác đền, trong khi đó hậu vệ lừng danh Quế Ngọc Hải khi cần vẫn có thể xỏ găng đứng trước chấm phạt đền… Không hiếm thủ môn trẻ từ lò SLNA rất đẹp về thể hình, thể lực, thi đấu tốt ở các giải trẻ nhưng lên đội 1 lại gặp vô vàn khó khăn, để cuối cùng rơi rụng dần…
Vấn đề có phải ở chỗ SLNA nhiều năm nay thiếu một HLV thủ môn tài năng thực sự?
Thật không dễ trả lời vì thực tế cho thấy, nếu không về đầu quân cho SLNA thì sẽ không bao giờ Võ Văn Hạnh trong tay có thành tích vô địch quốc gia, cúp quốc gia, thủ môn tuyển VN? Hay một tiền đạo tầm tầm như Nguyên Mạnh lại có thể “lột xác” trở thành thủ môn trụ cột SLNA và nhiều lần lên tuyển, bắt chính cho ĐTQG? Chắc chắn công đó phải thuộc “ông thầy” có tên…SLNA!
Nói đúng ra, không có một ông thầy thực thụ bày vẽ như kiểu Dương Ngọc Hùng, nhưng hàng ngày, hàng giờ từ SLNA đã trui rèn, thấm dần những yêu cầu, đòi hỏi của vị trí thủ môn trong một đội bóng lớn, liên tục va đập với nhiều đội mạnh khác trong và ngoài nước. Đó chính là câu trả lời vì sao ở AFF Cup 2008, HLV H. Calisto lại hết mực tin tưởng ở thủ môn Dương Hồng Sơn và thủ môn SLNA chính là “một nửa đội bóng” của Việt Nam lần đầu tiên đoạt ngôi vô địch của bóng đá khu vực, nơi lâu nay người Thái chuyên “làm mưa, làm gió”!
Còn nhớ mới đây, khi bình luận về một thủ môn trẻ tài năng, tỏa sáng rực rỡ tại một giải trẻ cấp châu lục sau những cuộc rượt đuổi nghẹt thở trên chấm luân lưu may rủi, nhưng cũng chính con người đó, chỉ 2 năm sau lại thất bại không thể biện minh, một chuyên gia bóng đá nói đại ý: cái chính là anh này thiếu cơ bản! Sau đó thực tế cho thấy niềm tin ở thủ môn này ngày càng vơi cạn, hễ vào sân là gây ra “thảm họa” cho đội nhà..
Cũng là để nói rằng, “một nửa đội bóng” ấy luôn là câu chuyện khó, không phải cứ muốn là được, cứ mong là thành! Chuyện “người gác thành” SLNA cũng vậy, sau Dương Hồng Sơn vẫn là câu hỏi khó, cho dù bình thường ra thì người ta vẫn lặng lẽ “không sắm được thì… mua”!