Một ngày đầu năm 2018, trong căn nhà nhỏ ở xóm 1 (xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên), ông Lê Văn Thắng nói rằng, mấy năm qua ông đã phải đi đến “mòn đường chết cỏ” nhưng đến nay, cũng chỉ đòi được một nửa số tiền đã bỏ ra để “chạy” thương binh nhưng không trót lọt.
Người đàn ông 51 tuổi kể, năm 1986 ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở Campuchia. Trong 3 năm quân ngũ, ông Thắng khẳng định, mình “có bị thương ở phía sau đầu”. Vết thương này do mìn gây ra trong một trận đánh. “Vết thương nhẹ nên lúc đó không giám định và cũng không hề có một giấy tờ gì để chứng minh cả”, ông Thắng kể.
Vì vậy mà những năm sau khi xuất ngũ, ông Thắng không được công nhận là thương binh để được hưởng chế độ, chính sách cho người có công. Năm 2012, ông được một người bạn chiến đấu cũ trú ở xã Hưng Thông rỉ tai, rủ “chạy” chế độ thương binh thông qua ông Phạm Văn M. (63 tuổi, xã Nam Kim, Nam Đàn).
Lặn lội hàng chục km đến nhà gặp ông M., ông Thắng được người này cho hay, trước mắt sẽ phải đưa 30 triệu đồng và một bộ hồ sơ chứng minh có đi bộ đội. Sau khi trót lọt, nhận thẻ thương binh xong, ông Thắng tiếp tục phải đưa thêm 10 triệu đồng nữa. Nhà chẳng có tiền, ông Thắng đành phải bán con bò giống cùng với mấy tấn thóc mới đủ 30 triệu đồng đưa cho ông M..
Khoảng một tuần sau, ông cùng với 3 người khác được ông M. đưa xuống Bệnh viện Quân y 4 để khám. Quá trình khám rất sơ sài, tốn 200.000 đồng tiền phí và chỉ mất khoảng nửa giờ. Gọi là “khám thực thể” nhưng thực chất những người này cũng chỉ được chụp X-Quang như những bệnh nhân bình thường khác.
Cũng như nhiều người khác, sau lần khám, ông Thắng không phải làm một thủ tục nào thêm hay gặp một ai khác. Sốt ruột, nhiều lần liên lạc với ông M. nhưng cũng chỉ nhận được lời hẹn hết lần này đến lần khác. “Lúc tôi đóng tiền để làm thương binh thì hai con tôi đang đi học. Chúng nó cứ sốt ruột suốt ngày hỏi bố khi nào thì được để còn được miễn giảm học phí.
Cho đến giờ, tất cả các con đã ra trường hết rồi vẫn chưa được”, ông Thắng thở dài. Sau khi đã mất niềm tin vào ông M., ông Thắng nhiều lần tìm đến nhà để đòi lại tiền. Mãi đến hơn một năm trước, phải mất hai đợt, ông mới được “cò” thương binh này trả lại 15 triệu đồng.
Trong khi ông Thắng khẳng định mình bị thương thật thì một nạn nhân khác trong đường dây này là ông Nguyễn Thanh Châu (60 tuổi, xã Hưng Châu, Hưng Nguyên), thừa nhận ông chẳng hề bị thương trong suốt 6 năm ở quân ngũ. Ông Châu nhập ngũ từ năm 1977 đến năm 1983 thì ra quân. Cũng “chạy” thương binh thông qua “cò” Phạm Văn M., đến nay ông Châu đã đòi được 20 triệu đồng, còn thiếu 10 triệu đồng.
“Tôi nghe kể cũng có nhiều người đi bộ đội với tôi về làm được chế độ thương binh nên tôi vay mượn tiền để làm”, ông Châu kể. Tháng 9/2012, được một người bạn rỉ tai ông Phạm Văn M. có thể làm được chế độ thương binh, ông Châu cũng mang 30 triệu đồng đến nhờ vả.
“Thời gian đầu thì tôi có tin vì nghe kể họ làm được cho nhiều người nhưng sau khi biết ông M. cũng là “cò” nhận tiền rồi tiếp tục thông qua một trung gian khác là ông Tùng thì tôi mất niềm tin”. Người đàn ông tên Tùng mà ông Châu nhắc đến chính là Hồ Thanh Tùng (60 tuổi, xã Hưng Phú, Hưng Nguyên), một người thường đi gom tiền từ các tay “cò” trong đường dây này hiện đã bỏ trốn. Ông Châu kể rằng, ông với ông Tùng vốn là bạn chiến đấu, nhà cũng chỉ cách nhau vài km.
Sau khi ông đưa tiền cho ông M., cũng là thời điểm chứng kiến nhiều người khác đến tận nhà ông Tùng để đòi lại tiền. “Thấy thế nên lập tức tôi chạy lên nhà ông M. đòi lại tiền, không làm nữa. Nhưng kì kèo mãi, ông ta chỉ đưa 20 triệu đồng, còn 10 triệu đồng đến nay chả thấy nói gì”, ông Châu kể.
Cũng là một nạn nhân trong đường dây này, ông Nguyễn Trung Thành (63 tuổi, xã Hùng Tiến, Nam Đàn), đến nay chỉ mới nhận lại được 20 triệu đồng so với 41 triệu đồng mà ông đã đóng.
Ông Thành nói rằng, sở dĩ ông phải đóng trước số tiền lớn hơn so với mức trung bình là 30 triệu đồng vì “chạy” thông qua “cò cấp thấp”, phải chi thêm nhiều tiền hơn. Ông Thành nhập ngũ từ năm 1973, sau khi phục vụ trong quân ngũ gần 10 năm, ông được ra quân. “Tháng 3/1975, lúc đó tôi đang là lính pháo binh, bị thương trong trận đánh ở Long Thành (Đồng Nai). Sau trận đó, phải nằm viện mất một tháng”, ông Thành nói và cho rằng, hồ sơ quân nhân bị thương ở đơn vị vẫn còn lưu tên của ông nhưng vì không có điều kiện nên không thể vào đó để lấy làm chế độ. Trong khi đó, những giấy tờ khác ông mang về giờ đã thất lạc sau những lần sửa nhà. Danh sách trên huyện đội cũng chẳng có tên ông nên đành phải làm chế độ thông qua những người này.
Giấy xác nhận nhận tiền hồ sơ giữa “chân rết” và trùm đường dây Tạ Thị Vân. Ảnh: P.V
Năm 2012, được một người bạn cùng xóm giới thiệu, ông Thành đóng 41 triệu đồng cho ông Nguyễn Nam Kh. (68 tuổi, thị trấn Hưng Nguyên), để làm chế độ thương binh. Ông kể, số tiền này là do 4 người con của ông góp lại mỗi người 10 triệu đồng để mong bố được hưởng chế độ thương binh. Cũng như những người khác, sau khi được đưa đi “khám thực thể”, ông Thành nhận được lời hứa sẽ có thẻ thương binh chỉ sau hơn nửa năm. “Tôi nhớ lúc đó đã cuối năm 2012, khám xong ông Kh. hứa đến ngày 27/7 năm sau sẽ có thẻ thương binh. Nhưng sau đó thì cả mấy năm luôn mà chẳng thấy gì”, ông Thành nói. Không chỉ mất số tiền đã đóng, ông Thành nói rằng, ông cùng nhiều người khác đã tốn kém không ít tiền quà cáp cho ông Kh. trong quãng thời gian này chỉ để mong sớm có chế độ. Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi về hưu, ông Kh. là thượng tá phục vụ trong quân đội.
Ông Thành nói rằng, ông cảm thấy có lỗi vì đã trót giới thiệu đường dây “chạy” chế độ thương binh này cho một số người bạn khiến họ cũng lâm vào cảnh mất tiền như ông. Một trong số đó là ông Lê Hải Nam, cùng trú ở xã Hùng Tiến. Ông Nam vừa mất vì bệnh ung thư hơn một năm trước, đến lúc qua đời ông vẫn chưa nhận lại được hết số tiền đã bỏ ra. Ông Nam là người hai lần nhập ngũ, chiến đấu cả ở chiến trường miền Nam và biên giới phía Bắc. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hiền kể, sau khi đóng 41 triệu đồng cùng đợt với ông Thành, chồng bà cũng nhận được những lời hứa hẹn tương tự.
Tuy nhiên, chờ đợi quá lâu, gia đình bà dần mất niềm tin với “cò” Nguyễn Nam Kh.. Năm 2015, ông Nam phát hiện mình bị ung thư nên nhiều lần đến nhà ông Kh. để đòi lại tiền.
“Chồng tôi đến nhà nói bị ung thư, chẳng còn sống được bao lâu nữa nên muốn rút lại tiền nhưng ông Kh. cũng không chịu. Ông ta còn nói hồ sơ của chồng tôi đã làm xong xuôi, trót lọt hết rồi và nếu có chết thì cũng để vợ được hưởng tiền tuất và cái bảo hiểm”, bà Hiền rớm nước mắt kể.
Theo những cựu chiến binh, sở dĩ họ phải làm chế độ thông qua những trung gian này là vì nếu qua con đường chính thức, các thủ tục để làm chính sách vẫn còn quá rườm rà. Trong khi đó, sau hàng chục năm, phần lớn giấy tờ của các ông đã thất lạc. Không đủ quy định để được hưởng chính sách.
Theo tìm hiểu của phóng viên, có khoảng 1.200 nạn nhân đã đóng tiền thông qua 10 “chân rết” để làm chế độ trong đường dây “chạy” thương binh do Tạ Thị Vân (56 tuổi, trú phường Hưng Bình, TP Vinh), và Hồ Thanh Tùng (60 tuổi, xã Hưng Phú, Hưng Nguyên), cầm đầu. Mỗi hồ sơ trung bình các “chân rết” nhận của người dân từ 30 đến 35 triệu đồng rồi đưa lại cho Tùng và Vân. Tuy nhiên, khi đã nhận được hàng chục tỷ đồng, Tùng và Vân liền bỏ trốn. Các nạn nhân chủ yếu quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Ngoài ra, một số người thậm chí quê ở Quảng Trị, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước… cũng ra tận đây để liên hệ “chạy” thương binh.
(Còn nữa)