(Baonghean) - Con đường xuyên ngang khu vực nội Thành cổ ấy sẽ được biết tới nhiều trong tương lai, khi Dự án Công viên Thành cổ Vinh được thực hiện với quần thể các loại hình dịch vụ, vui chơi giải trí, du lịch văn hoá đa dạng, phong phú. Bây giờ, đường Đào Tấn cũng đã được coi là một con phố giàu ý nghĩa văn hóa - lịch sử nhất của Vinh rồi…

Dường như không có người ở phố nào và cả khách xa đến với Thành phố Đỏ lại không muốn một lần đến với phố này. Hào sâu thành cổ còn đó, di tích cổng thành sừng sững như những chứng nhân cho một niềm tự hào phố hiếm có của Đô thị Vinh loại 1. Thời gian lặng lẽ luân hồi, bốn mùa phố vẫn tích lũy chiều sâu cảm thức bên thâm trầm những tòa nhà bảo tàng dẫn dắt hôm nay về với hàng nghìn năm văn hóa – lịch sử xứ Nghệ; và chứng kiến những sôi động của sân nhà “chảo lửa thành Vinh” đã mấy mùa lên ngôi của đội bóng đá Sông Lam Nghệ An cùng  các cơ sở nơi ươm mầm những tài năng thể thao thành tích cao khác. 
images1011967____ng___o_t_n.jpgĐường Đào Tấn
 
Đường Đào Tấn dài khoảng một cây số, nối ngang hai phố lớn Trần Hưng Đạo và Quang Trung. Điều đặc biệt là hai đầu đường này đi qua cửa Tả và cửa Hữu của Thành cổ Vinh xưa. Bao bước chân tiền nhân kẻ sang người hèn, quan lại hay dân đen mấy trăm năm triều Nguyễn đã từng qua đây? Vị Tổng đốc An – Tĩnh mà quý danh được đặt tên phố, đã bao lần nhẹ gót quan trường lúc công đường, lúc tư gia hay vãn cảnh phủ vườn, khi “xem hoa nở, khi chờ trăng lên” ở đây hẳn đã nhiều ưu tư trăn trở cho hồn nước, phận dân, gửi lòng ái quốc sâu sắc vào cả áng ca văn nghệ thuật tuồng đậm bản sắc dân tộc. Chẳng thế, mà đương thời coi ông là vị quan thanh liêm bậc nhất, hậu thế tôn vinh ông là một trong những vị tổ của nghệ thuật tuồng! 
Cửa Tả Thành cổ Vinh trên đường Đào Tấn
 
Khi Thành cổ bắt đầu có quy hoạch xây dựng khu công viên văn hóa – lịch sử gắn với phát triển du lịch hơn 10 năm trước, Cửa Tả thành còn chưa được tôn tạo như bây giờ, màu thời gian gửi vào lưu cữu xanh tảo rêu, tầm gửi phủ lên lớp lớp màu đá cũ, cỏ cây Thành cổ in bóng nước hào sâu như ru cái tịch mịch còn lưu lại của một nơi thành phủ uy nghiêm; thì phố còn thưa vắng lắm. Phía đầu đường mới chỉ có mấy hàng ăn sáng bán bún gân bò bên vài quán cà phê nhỏ pha sẵn, giữa phố có vài gánh ốc luộc, cháo canh. Cuối đường nơi cửa Hữu có ngôi chợ bên mộ nhà yêu nước Đội Cung, thủ lĩnh của cuộc binh biến Đô Lương chống Pháp; dân cư “nhập thành” từ sau Cách mạng tháng Tám, có đủ công – nông – binh – trí thức, đã kịp tạo nên một nhịp sống phố lao xao, đa dạng.
 
Người phố khác đến đây chủ yếu là để thưởng thức cháo lòng của nhà hàng Cơ ngon nổi tiếng và nhất là ở những mùa bóng đá kể từ khi Sân vận động Vinh được xây dựng giữa khu vực Thành cổ, người hâm mộ đội bóng Sông Lam bất đầu kéo về xem những tuyển thủ “con cưng” của bóng đá Nghệ An thi đấu, đường Đào Tấn “sôi” lên mà có người trào lộng ví như những con đường dẫn về “đấu trường Thành Rôm” của Đế chế La Mã cổ đại, để phố trở thành nơi dẫn người ta đến “đại đồng” tình yêu cuồng nhiệt môn thể thao vua nước nhà mà tên tuổi đội bóng Sông Lam Nghệ An đã ghi đậm dấu ấn. Có thể âm hưởng ấy, khiến cho phố bây giờ trở thành phố chuyên doanh mặt hàng quần áo, thiết bị thể thao có cả những siêu thị mi-ni luôn nhộn nhịp bán mua?
 
Phố trầm tích tường Thành cổ “chứa đựng” giới cần lao, còn là nơi ẩn trú mưu sinh của nhiều văn nghệ sỹ. Ở đó có nhà nhiếp ảnh, người họa sỹ đam mê viết thơ, có người nhạc sỹ gửi uẩn khúc đời người vào nốt nhạc phồn sinh hôm nay mà không nguôi quên thời lên đường chống Mỹ lòng “phơi phới dậy tương lai”. Tôi may mắn được về làm việc khi cơ quan Báo Nghệ An đang đóng đầu phố; rất nhiều chiều bên quán cóc nhỏ của người cựu chiến binh già từng dự trận Điện Biên, hầu rượu nhà nhiếp ảnh, người họa sỹ và người nhạc sỹ ấy. Bao hỉ-nộ-ái-ố phận người mới nơi Thành cổ, trong con mắt những người làm văn nghệ được sống động lên, và ít nhất đâu đó bây giờ, người đã khuất vì trọng bệnh có những câu chữ luyến lưu để lại, người đã rời Thành cổ đi mưu sinh nơi khác, vẫn đau đáu mơ đêm trăng lồng lộng cổng thành… Sau những năm tháng chưa xa ấy, họ rời Thành cổ, người về nơi vĩnh hằng, người về xứ miền dâu bể khác, thì “bước” cuối cùng giã biệt cũng là trên con đường Đào Tấn này…
 
Bên cạnh quãng phố chuyên doanh hàng quần áo, thiết bị thể thao, ẩm thực ở đường Đào Tấn cũng phong phú dần lên. Hàng điểm tâm sáng có xôi, bánh mướt, bún vịt, cháo lươn… và cà phê rải đều dọc phố với “điểm nhấn” là Nhà hàng 25 bên khuôn viên Khách sạn Sài Gòn – Kim Liên và Cà phê Việt ở khuôn viên Bảo tàng Nghệ An, đều được thiết kế bằng tre nứa, gợi một không gian quê Việt hài hòa với nếp phố Thành cổ. Nhưng đặc biệt phải kể đến là phố ăn đêm, phục vụ từ chập tối cho đến rạng sáng hôm sau. Bạn bè Nam Bắc ghé qua Vinh, dễ được mời đến phố ăn đêm này, coi như dịp giới thiệu không chỉ một nét sinh hoạt thú vị về đêm của người Vinh, mà còn là đãi khách xa những món ăn nhậu đậm phong cách ẩm thực quê hương. 
 
Chợ bên mộ Đội Cung phía cuối đường họp suốt ngày. Đây cũng được coi là một ngôi chợ với những sản vật, phong cách bán mua đặc trưng của một phía phố phường thành phố; là ngôi chợ “đầu mối” phía Tây Nam của nội Thành Vinh. Cửa Hữu thành chưa được tôn tạo vẫn giữ nguyên kiến trúc cũ, nay là nơi lý tưởng cho các nhà nhiếp ảnh sáng tạo nét cổ Thành Vinh hay làm album ảnh cưới cho các đôi trẻ. Một mai nếu Dự án Công viên Thành cổ gắn với du lịch được triển khai, bên cạnh Bảo tàng Nghệ An và Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, thì mộ Đội Cung sẽ là một điểm đến quan trọng của du khách.
 
Dẫu là đô thị trẻ, nhưng được giữ trong lòng một hình hài Thành cổ sẽ được phát huy giá trị trong tương lai, là Vinh đã dày dặn được âm hưởng phố xưa và nay để xây dựng tầm đô thị trung tâm Bắc miền Trung. Và con đường Đào Tấn, sẽ là một con đường nội đô quan trọng gọi về và lan tỏa đi những giá trị ấy. Và người phố, hẳn ai cũng đang muốn được góp nhặt cho riêng mình những cảm nhận mới tự hào và thân thương về một con phố đang phát triển sôi động trong lòng không gian Thành cổ của thành phố quê hương! 
 
Bài, ảnh: Đình Sâm
 
Đào Tấn tên thật là Đào Đăng Tấn, sinh năm 1845 tại thôn Vinh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định (nay thuộc thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Ông là vị quan thanh liêm thời nhà Nguyễn, từng làm Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), Tổng đốc Nam Ngãi, Thượng thư Bộ hình, Thượng thư Bộ binh, Thượng thư Bộ công; quan hàm nhất phẩm, được phong Hiệp biện Đại học sỹ, tước Vinh Quang tử.
Đào Tấn được coi là ông tổ hát bội và là vị tổ thứ 2 trong 3 vị tổ nghề sân khấu Việt Nam (Phạm Thị Trân, Đào Tấn và Cao Văn Lầu). Ông đã cống hiến cho nghệ thuật tuồng hàng chục vở tuồng, có những vở còn diễn đến ngày nay là “Tam nữ đồ vương”, “Sơn Hậu”, “Đào Phi Phụng”...
Năm 1904 vì chống đối đại thần Nguyễn Thân, Đào Tấn bị cách chức rồi lui về quê nhà ở ẩn. Ông qua đời ngày 23/8/1907; mộ và đền thờ ông hiện ở Bình Định. Tên Đào Tấn được đặt tên đường ở nhiều đô thị trên cả nước.