Quốc lộ 1 đoạn qua thành phố Vinh được mang tên đường Quang Trung, đến ngã tư chợ Vinh thì rẽ tay trái xuôi về Nam, còn đoạn nối chạy thẳng vào chợ Vinh chính là tuyến phố mang tên Cao Thắng ngày nay. Con phố này gắn liền với chợ Vinh từ xưa nay.

bna_duong_cao_thang_anh_quang_an5296603_1172019.jpgPhố Cao Thắng hiện nay. Ảnh: Quang An

Lịch sử ghi lại rằng: Cho đến cuối thế kỷ 18, lỵ sở tỉnh Nghệ An vẫn đặt ở Lam Thành - Phù Thạch (Thuộc Hưng Nguyên hiện nay). Mặc dù khi đó chợ Vinh đã khá sầm uất và nổi tiếng, nhưng vẫn chỉ là chợ quê, chưa phải là chợ tỉnh.

Năm 1804, Vua Gia Long xuống chiếu cho Tả quân Lê Văn Duyệt xây thành, đắp lũy để chuyển lỵ sở Nghệ An từ Lam Thành - Phù Thạch về Vinh. Theo đó chợ Vinh cũng được nâng cấp từ chợ làng, chợ xã của tổng Ngô Trường, thành chợ trấn của Nghệ An (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh).

Tuy nhiên, vấn đề không phải là sự “nâng cấp hành chính” của chợ Vinh, mà quan trọng hơn là sau khi lỵ sở của Nghệ An được chuyển về Vinh, thì hầu như ngay lập tức hàng trăm hộ buôn bán, trong đó phần lớn là người Hoa cũng chuyển từ Lam Thành - Phù Thạch về quần cư xung quanh khu vực chợ Vinh để làm ăn, buôn bán.

Thậm chí có tài liệu cho rằng: Ở Lam Thành - Phù Thạch người Hoa đã lập nên Phố Khách, khi chuyển về Vinh cả Phố Khách đó cũng chuyển về quần cư trên con đường từ đường thiên lý Bắc - Nam (sau này gọi là Quốc lộ 1) chạy thẳng vào chợ Vinh. Ngoài ra, rất nhiều gia đình người Hoa khác cũng cư trú khu vực xung quanh chợ Vinh, nhất là dọc theo đường bờ sông (nay là đường Lê Hồng Sơn). Họ đã tạo nên một “tiểu văn hóa Trung Hoa” tại khu vực này, trong đó có đền Nhà Ông (Võ Miếu) và đền Nhà Bà (Thiên Hậu Cung), Hội quán Hoa Kiều, trường học, rạp hát của người Hoa... Sử sách còn ghi lại: Năm 1808, một vụ cháy ở khu vực chợ Vinh đã thiêu rụi gần 300 nóc nhà. Điều này chứng tỏ khi đó khu vực này đã rất sầm uất.

Như vậy, có thể nói Phố Khách chính là con phố đầu tiên của Vinh, với tư cách một đô thị. Không chỉ dân gian gọi là Phố Khách, mà trên một số bản đồ Vinh - Bến Thủy, hoặc các bức bưu ảnh đầu thế kỷ XX cũng chú thích tên phố là “Phố Trung Hoa” (Rue des Chinoise), hoặc Phố Chợ (Rue du Marche). Đến khi các đường phố Vinh - Bến Thủy được đặt tên (khoảng năm 1927), Phố Khách được mang tên một vị toàn quyền Đông Dương nổi tiếng là Albert Sarrau.

Phố Khách đầu thế kỷ XX. Ảnh: P. Dieuleffils

Tuy nhiên, bên cạnh tên chính thức này, trong dân gian, thậm chí trên các mẩu quảng cáo cho một số cửa hiệu ở đây người ta vẫn gọi là Phố Khách. Hiện nay phố mang tên Cao Thắng, một tướng tài trong khởi nghĩa của Phan Đình Phùng.

Sau gần 100 năm, kể từ khi ra đời năm 1804, đến cuối thế kỷ XIX Phố Khách đã được định hình như mô tả của sách “Tổng quát An Nam” năm 1901: “Cách đây 2 năm Vinh đã trở thành một thành phố thực sự có những con đường rải đá thẳng xinh đẹp, những đường phố có nhiều hiệu buôn của người Trung Hoa và người Việt Nam và những hiệu làm nghề thủ công, như đồ sắt, đồ thêu, làm lọng, làm đồ mã, buôn gỗ nứa.

Khu vực người Hoa kiều ở có nhiều nhà gác cao đẹp, sân xây bằng đá san sát đều nhau”[1]. Tờ “Tổng Niên giám Đông Dương” năm 1901 cũng mô tả về Phố Khách như sau: “Phố Khách là một khu gồm đều những nhà xây bằng đá, mặt hàng hẹp, nhà sâu…

Người Hoa kiều chủ yếu buôn bán với đồng hương làm ăn của họ ở Nam Định. Họ không ở rải rác trong tỉnh mà tập trung ở Vinh. Dân số Hoa kiều ở đây ngày một đông. Sở dĩ có hiện tượng này là vì những hàng hóa chuẩn bị ở các chợ trong nội địa đều tập trung về tỉnh lị” [2]

Ngã tư chợ Vinh, nơi bắt đầu Phố Khách. Ảnh: Trần Đình Quán

Qua những bức ảnh chụp trước năm 1910, hình ảnh Phố Khách ở Vinh quả thật rất giống với một số khu phố cổ mà người Hoa thường cư trú ở Hà Nội, hoặc Hội An. Phố gần như không có vỉa hè, hoặc vỉa hè cũng là thềm nhà, rất hẹp. Cửa nhà cũng là cửa hiệu.

Những năm đầu thế kỷ XX, cho đến trước Tiêu thổ Kháng chiến năm 1947, Phố Khách là con phố buôn bán sầm uất nhất của thành phố Vinh - Bến Thủy. Nhà văn Hoàng Ngọc Anh trong cuốn “Xóm thợ Trường Thi” đã gọi Phố Khách là “Phố Hàng Đào của tỉnh Nghệ”. Ở đây tập trung những nhà buôn, những cửa hiệu nổi tiếng nhất của thành phố. Từ ngoài vào, phía tay phải có các cửa hiệu như Quảng Phúc Hòa chuyên buôn đồ thờ cúng bằng đồng. Hiệu Thuận Ký, Vĩnh Hưng Tường chuyên buôn thuốc Bắc. Ông chủ của Vĩnh Hưng Tường cũng chính là nhà báo nổi tiếng Phó Đức Thành, chủ bút báo Thanh Nghệ Tĩnh tân văn.

Tiếp theo là hiệu Lục Ký, bán bánh kẹo, tạp hóa. Vĩnh Dụ buôn bán xăng dầu; Đệ Hợp buôn bán nông sản; Quảng Tiến buôn bán vàng bạc…Từ trong đi ra, phía tay phải có hiệu Quảng Thọ Xương, buôn bán tạp hóa; tiếp đến các cửa hiệu của người Ấn Độ chủ yếu buôn bán mặt hàng vải, Tây đen chuyên buôn bán lụa; hiệu Nhị Thiên Đường buôn bán bánh kẹo....

Góc đường có hiệu Lẹng Xẹng cũng chuyên buôn bán bánh kẹo. Một hiệu vàng lớn của Vinh là Bảo Nguyên cũng có cửa hiệu ở góc nơi giao nhau giữa Phố Khách (đường Albert Sarrau ) và đường Maréchal Pétain (tức đường Phan Đình Phùng hiện nay).

Không chỉ có các hiệu buôn, ở góc đường Phố Khách với phố Maréchal Joffre (đường Lê Hồng Sơn ngày nay) còn có Tòa Dân sự. Năm 1928, tòa này đã mở phiên tòa xử vắng mặt Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí trong Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, trong đó Nguyễn Ái Quốc đã bị xử tử hình! Sau này Tòa Dân sự chuyển đi nơi khác, hiệu Vĩnh Hưng Tường đã mua lại mảnh đất này. Hiện nay đó là nơi đóng trụ sở của Ban Quản lý chợ Vinh.

Tòa Dân sự (Vị trí Ban Quản lý chợ Vinh hiện nay). Ảnh: Trần Đình Quán

Ngoài ra, tuy không đóng trên mặt đường Phố Khách, nhưng khu vực này cũng có một số công trình văn hóa đáng chú ý, như Nhà hát tuồng Thái Mộng Đài (vị trí cơ quan Phòng cháy chữa, cháy hiện nay), hay rạp chiếu bóng An Nam xi nê, phía Tây Tòa Dân sự…

Trải qua 215 năm, Phố Khách xưa, Cao Thắng nay vẫn giữ nguyên vị trí và hướng tuyến, tuy nhiên đã được mở rộng rất nhiều. So với ngày xưa, khung cảnh hai bên tuyến phố cũng đã thay đổi một trời, một vực. Nhưng, đây vẫn là tuyến phố thương mại sầm uất bậc nhất của Vinh. Lựa chọn tuyến phố này để mở phố đêm là đúng đắn.

Tuy nhiên, trên tuyến phố này, tôi đề nghị thành phố Vinh nên dựng một tấm bia dẫn tích, trên đó có hình ảnh con phố này hơn 100 năm trước, cùng với những dòng súc tích giới thiệu về nó. Thiết nghĩ, nếu những cư dân Vinh sinh sống, kinh doanh, buôn bán ở đây, cũng như du khách đến đây đều biết Cao Thắng là con phố lịch sử, con phố đầu tiên của Vinh, với tư cách một đô thị, thì sẽ thú vị biết bao! Nó sẽ cho ta một ấn tượng Vinh không chỉ rất trẻ, mà còn rất xưa…


[1] Theo Lịch sử Thành phố Vinh, tập I, NXB Nghệ An, trang 70.

[2] Theo Chu Trọng Huyến, Lịch sử Phường Hồng Sơn, NXB Nghệ An, 1993