bna_quang_canh_buoi_lam_viec8642035_1242019.jpgQuang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
 

Dự hội nghị về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

 

Dự án có tổng mức đầu tư gần 16.400 tỷ đồng
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài khoảng 87,84 km, gồm 2 dự án thành phần gồm: Tiểu dự án đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Diễn Châu (Nghệ An) và Tiểu dự án đoạn Diễn Châu (Nghệ An) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh). Cụ thể tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông Nghệ An đi qua thị xã Hoàng Mai, các huyện: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên.

Tuyến cao tốc sẽ đi qua 66,8 km đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đi qua 21 km đất ở dân cư; có gần 700 hộ dân thuộc diện tái định cư.

Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Diễn Châu (Nghệ An).
Tổng diện tích cần thu hồi để thực hiện toàn bộ Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông tỉnh Nghệ An là 737 ha. Tổng mức đầu tư của cả hai dự án là gần 16.400 tỷ đồng, trong đó, tiểu dự án Nghi Sơn – Diễn Châu là 8.380 tỷ đồng, dự án Diễn Châu – Bãi Vọt là 8.077 tỷ đồng.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án, dự kiến tổng kinh phí gần 2.200 tỷ đồng, hiện nay Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đã làm việc và thống nhất chủ trương với các địa phương có cao tốc đi qua.
Hành lang vận tải Bắc – Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đi qua 32 tỉnh, thành phố, kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự báo, đến năm 2020 nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa trên hành lang tuyến giao thông Bắc – Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62, 27 triệu tấn hàng hóa/năm.

Để thực hiện dự án trọng điểm này, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban chỉ đạo và các thành phần liên quan. Tỉnh đã phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 6/6 huyện, thị xã có dự án đi qua. Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam.

Hiện tại các địa phương đang tổ chức rà soát số hộ tái định cư, các tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án. Đến nay thị xã Hoàng Mai, các huyện Yên Thành, Hưng Nguyên đã trình Sở Xây dựng cho phép khảo sát lựa chọn địa điểm tái định cư.

Hai tiểu dự án cần phải cắm 38 cọc giải phóng mặt bằng, dự kiến đến 30/4/2019 sẽ hoàn thành việc đóng cọc toàn tuyến.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Phấn đấu chi 7.000 tỷ đồng thực hiện dự án trong năm 2019
Phát biểu tại cuộc làm việc, các đại biểu đã phản ánh, đề xuất một số nội dung liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, các vấn đề phát sinh khi triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đề nghị tỉnh Nghệ An và các ngành, đơn vị, địa phương nghiên cứu kỹ kết cấu của cao tốc, các đường gom, đường dân sinh và công tác giải phóng để xác định các vấn đề bất cập, vướng mắc nhằm điều chỉnh.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng, thời điểm này khi dự án đang trong giai đoạn khảo sát thiết kế kỹ thuật còn có thể đề xuất để điều chỉnh, khi bắt tay vào thực hiện sẽ không được phép sửa.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng cho biết, để thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT đã được phân bổ 55.000 tỷ đồng, cố gắng trong năm 2019 sẽ sử dụng khoảng 7.000 tỷ đồng. Thứ trưởng đề nghị tỉnh Nghệ An năm 2019 cố gắng thực hiện từ 80-90% khối lượng giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, công tác tuyên truyền phải đến được với từng hộ dân thuộc diện ảnh hưởng của dự án. 
Đẩy nhanh thực hiện dự án, đồng thời coi trọng đời sống dân sinh
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Đào Tuấn
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị Bộ GTVT cho phép chỉ định thầu liên quan đến việc di dời các công trình công cộng, trích đo, trích lục. Việc đẩy nhanh tiến độ bàn giao mốc giới phải có phương án giải quyết hợp lý, làm chắc chắn mới bàn giao.

Đối với đoạn đi qua Quốc lộ 7B và Quốc lộ 48, cầu Quỳnh Lâm (xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu), Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị đơn vị tư vấn thiết kế khảo sát, nghiên cứu kỹ để xác định xây dựng cầu vượt, nâng cao trình đường hay hầm chui để tạo hiệu quả tốt nhất, vì khu vực này có gần 40 hộ dân bị tác động.

Đồng chí Thái Thanh Quý cũng đề xuất điều chỉnh bề mặt đường gom dân sinh từ 3,5m lên 5,5m để đảm bảo thuận lợi cho người dân.
Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Đào Tuấn
Bên cạnh đó, quá trình xây dựng các công trình hạ tầng, cần quan tâm đến hoạt động sản xuất của nhân dân, không để công trình xây dựng gây cản trở người dân. Đối với các khu vực đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, đơn vị thi công cần có phương án bảo vệ, tránh tình trạng lấn chiếm và tái lấn chiếm.
Chủ tịch UBND tỉnh đồng tình với quan điểm của Bộ GTVT, việc triển khai dự án cần lấy dân làm gốc, xem xét mọi sự tác động của dự án đến đời sống dân sinh, trên tinh thần đó coi trọng ý kiến, đề xuất của nhân dân. Đồng chí Thái Thanh Quý cũng cho biết, tỉnh sẽ ban hành chỉ thị nhằm tạo hành lang pháp lý, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan báo chí trên địa bàn chú trọng công tác tuyên truyền việc xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến với quần chúng nhân dân; kịp thời biểu dương cách làm hay, gương người tốt, đồng thời phê phán những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật.
Phát biểu tại cuộc làm việc. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh tin rằng với sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, ngành, địa phương những vướng mắc, khó khăn sẽ sớm được giải quyết. Ảnh: Đào Tuấn
Phát biểu tại cuộc làm việc, khẳng định đây là dự án trọng điểm có tầm chiến lược quốc gia,  Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ GTVT và các ngành, đơn vị, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Rút kinh nghiệm từ việc triển khai dự án xây dựng Quốc lộ 1A trước đây, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các bộ phận, cán bộ được giao nhiệm vụ phải làm việc nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm cao. Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh đề xuất bổ sung cán bộ làm công tác thanh tra và công an huyện tham gia vào Ban chỉ đạo và tổ giúp việc thực hiện dự án tại địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đồng tình với quan điểm của UBND tỉnh về việc điều chỉnh nâng chiều rộng mặt đường gom dân sinh, qua đó đảm bảo việc lưu thông thuận lợi. Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, ngành, địa phương dự án sẽ không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Tỉnh Nghệ An sẽ nỗ lực để dự án khởi công đúng kế hoạch vào tháng 4/2020.