- Xin được biết cuốn sách đầu tiên của ông về Bác Hồ, và mối duyên nào đã đưa ông đến với đề tài này?
- Ông Chu Trọng Huyến: Năm 1961, tôi được cử đi học Khoa Sử Trường ĐHSP Hà Nội, rồi về dạy tại Trường cấp 3 Quỳnh Lưu. Đến năm 1966, tôi về làm nghiên cứu lịch sử Đảng thuộc Tỉnh ủy Nghệ An. Sau khi Bác Hồ qua đời, cùng một số anh em làm văn hóa tỉnh nhà, chúng tôi chuẩn bị nội dung cho Bảo tàng về Bác, nay gọi là Khu Di tích Kim Liên. Lúc bấy giờ, các ông Võ Thúc Đồng (Bí thư Tỉnh ủy) và nhà thơ Trần Hữu Thung động viên tôi nên có một cuốn truyện về gia thế và thời niên thiếu của Bác.
Ông Chu Trọng Huyến.
Trải nhiều gian truân, cuốn Chuyện kể về Làng Sen của tôi được nhà NXB Kim Đồng ấn hành đúng vào dịp sinh nhật thứ 90 của Người. Nhân một buổi họp tỉnh, nhà thơ Trần Hữu Thung có nói với tôi, đại ý Chuyện kể từ Làng Sen được bạn đọc gần xa ghi nhận ở cái hồn của người viết. Đó là những lời động viên giúp tôi tiếp tục theo đuổi đề tài về Bác Hồ!
- Cho đến nay, ông đã có bao nhiêu cuốn sách về Bác?
- Ông Chu Trọng Huyến:Cho đến nay, tôi đã có thêm một số cuốn sách về Bác, như anh biết đấy: Hai lần Bác Hồ về thăm quê (1987), Cuộc đời không ngắn ngủi (1989), Quê hương và gia thế Hồ Chủ Tịch (1990), Hồ Chí Minh thời trẻ (2000), Chuyện kể về gia thế Hồ Chí Minh (2007), Hồ Chí Minh những cuộc gặp gỡ như định mệnh (2007), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp (2007), Bác Hồ thời học trò thông minh (2008), Từ điện Kremli đến hang Pắc Bó (2008), Bác Hồ của chúng em (2009), Về với quê Bác (2010), Nếp sống bình dị trong gia đình Bác Hồ (2011). Hy vọng, sách viết về Bác của tôi chưa dừng lại ở đây!
- Trong số sách vừa kể, những cuốn nào ông bỏ nhiều công sức và tâm huyết nhất?
- Ông Chu Trọng Huyến: Tự tạo cho mình một cách thể hiện riêng, điều ấy rất khó! Tôi đã gửi gắm tất cả vào nhiều trang viết của các cuốn như Chuyện kể từ Làng Sen, Người mẹ của một thiên tài, Hồ Chí Minh thời trẻ, Bác Hồ của chúng em... và ít nhiều tôi đã có được đền đáp qua sự đón đợi của bạn đọc cùng những lời phê bình, động viên chân thành của bạn bè.
- Viết về Bác, theo ông, dễ hay khó?
- Ông Chu Trọng Huyến: Chúng ta làm sao mà viết được cho đủ, cho đạt về tầm vóc Hồ Chí Minh. May chỉ ở mức hiểu biết về Người và với chỗ đứng cũng như năng lực thể hiện của mình, mỗi chúng ta đưa thêm một ngón tay chỉ lên vì Tinh tú đang góp cho ta ánh sáng trong cuộc đời, để mình có được sự cảm nhận đúng, sống thêm những tháng năm có ích.
- Ông suy nghĩ gì về thực tiễn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mấy năm gần đây? Theo ông, sách báo viết về Người có tác dụng thế nào đối với việc học và làm theo Bác?
- Ông Chu Trọng Huyến: Cuộc vận động dấy lên, làm cho mỗi thành viên trong xã hội ta nhìn nhận lại mình để sống tốt hơn lên. Nó đòi hỏi mỗi chúng ta phải sống đúng hơn nữa, theo lời Bác dạy. Bởi thế theo tôi, việc học tập Bác cần tránh hình thức... nhằm đem lại kết quả thiết thực, cụ thể. Sách báo viết về Bác đã và sẽ có tác dụng nếu đó là những tác phẩm văn chương, báo chí, nghệ thuật đích thực, phản ánh đúng tác phong đạo đức của Người.
- Hình như sách của ông viết về Bác Hồ rất ít khi gửi dự thi trong và ngoài tỉnh?
- Ông Chu Trọng Huyến: Tôi thường chậm, lại ít nắm bắt thông tin về các cuộc thi, nên chẳng mấy khi sách được giải. Nhưng không sao, niềm vui lớn nhất đối với tôi la các trang viết được bạn đọc gần xa đón đợi. Một số cuốn được tái bản nhiều lần, đó là phần thưởng lớn nhất đối với tôi.
-Xin cảm ơn nhưng lời bộc bạch chân thành và bổ ích của ông!